27/11/2007 - 15:15

Lập doanh nghiệp để giúp người nghèo

Từ cơ sở bán nguyên liệu, thu mua thành phẩm từ tơ xơ dừa, ông Nguyễn Văn Chiến (Út Chiến), thương binh hạng ¾, ở ấp Đức Hiệp, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh đã nâng cơ sở này lên thành Doanh nghiệp tư nhân thương binh Anh Chiến. Điều đặc biệt là hầu hết nhân công của doanh nghiệp là đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Trong lúc nhiều cơ sở sản xuất nhỏ đang lúng túng về đầu ra cho các sản phẩm từ tơ xơ dừa thì doanh nghiệp của ông Út Chiến lại sản xuất tối đa, không ngại biến động thị trường...

HỌC NGHỀ

Ông Nguyễn Văn Chiến (Út Chiến), chủ DNTN thương binh Anh Chiến.  

Năm 2002, trong một chuyến đi thăm bạn bè ở Bến Tre, thấy xứ dừa nhộn nhịp sản xuất tơ xơ dừa xuất khẩu, ông Út Chiến lân la học nghề, tiện thể “sưu tầm” địa chỉ những nơi tiêu thụ mặt hàng này. Về quê, ông bàn bạc với vợ vay ngân hàng 20 triệu đồng, cộng với vốn nhà, gom qua Bến Tre mua 30 máy se chỉ tơ xơ dừa và nguyên liệu sản xuất. Sau đó, ông đem máy và nguyên liệu về giao cho 30 hộ lối xóm, chỉ cho họ cách làm. Ông thành lập cơ sở bán nguyên liệu, thu mua thành phẩm từ tơ xơ dừa.

Ông Út Chiến tâm sự: “Tôi là thương binh nên ưu tiên đối tượng giao máy là thương binh, gia đình liệt sĩ nghèo rồi tới hộ nghèo. Tính ra 60 lao động nghèo có thu nhập ổn định 15.000 đồng – 20.000 đồng/người/ngày, giúp cuộc sống gia đình họ bớt khó khăn”. Tuy vậy, hai năm đầu bước vào nghề này ông Út Chiến không tránh khỏi lỗ lã. Lúc đó, do không có kinh nghiệm kiểm tra độ ẩm nên hàng của ông bị giạt ra, phải đem về phơi lại, lỗ chừng 10 triệu đồng.

Năm 2005, giá lác nguyên liệu ở vùng này lên cao, nhiều hộ muốn chuyển nghề nên xúm nhau trả máy se chỉ tơ xơ dừa. Ông Út Chiến liền chuyển vùng qua xã Nhị Long Phú, Nhị Long giáp xã Đức Mỹ và xã Bình Phú. Cũng trong năm này, đoàn cán bộ của Bộ Công nghiệp đến tham quan cơ sở của ông theo sự giới thiệu của Sở Công nghiệp và chính quyền địa phương. Nhờ sự tác động của đoàn tham quan này mà cơ sở của ông đã ký hợp đồng bán sản phẩm dài hạn với Công ty Việt - Hàn (trụ sở tại Bến Tre). Ông Út Chiến kể: “Sau đó, được Viện Nghiên cứu dầu thực vật hỗ trợ 35 triệu đồng vốn, tôi liền mở rộng quy mô sản xuất: mua thêm 40 máy se chỉ tơ xơ dừa, 5 máy se tim đèn, 1 ghe trọng tải 5 tấn và cất hai trại dệt lưới xơ dừa xuất khẩu”.

Ông Út Chiến bộc bạch: “Mấy năm đầu vất vả vì quản lý sản xuất, lo đầu ra cho sản phẩm. Nhưng từ khi ký được hợp đồng với Công ty Việt - Hàn thì mọi việc đều suôn sẻ. Tôi học được cách tổ chức sản xuất, quản lý kinh doanh và mở rộng qui mô. Học được nghề này giúp tôi thực hiện tâm nguyện chia sẻ khó khăn với đối tượng hộ chính sách, hộ nghèo và được góp chút công sức cho quê hương, làng xóm”.

ƯU TIÊN GIÚP ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH, NGHÈO

Bây giờ, ông Út Chiến có trong tay 2 vệ tinh, 2 nơi sản xuất (1 tại trụ sở doanh nghiệp và 1 tại ấp Rạch Mới, xã Nhị Long), thu hút 170 lao động. Từ một cơ sở bán nguyên liệu, thu mua thành phẩm từ tơ xơ dừa, nay đã mang tên doanh nghiệp hẳn hoi: Doanh nghiệp tư nhân thương binh Anh Chiến. Tên doanh nghiệp cũng khá đặc biệt khi kèm theo hai chữ “thương binh”.

Doanh nghiệp của ông thực hiện chặt chẽ qui trình: từ nguyên liệu tơ xơ dừa se thành chỉ tơ, từ chỉ tơ se thành chỉ tim đèn, từ chỉ tim đèn mới đưa vào dệt lưới tơ xơ dừa. Ông Út Chiến có cách quản lý sản xuất kinh doanh khá độc đáo: ông giao máy cho đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách và hộ nghèo. Người nào làm ăn thật tình, ông giao máy se chỉ tim đèn và giao luôn quản lý khu vực se chỉ tơ nhất định, gọi là vệ tinh. Những nơi này tổ chức bán nguyên liệu, mua thành phẩm và sản xuất lưới tơ xơ dừa. Hiện nay, doanh nghiệp thực hiện mua bán chủ yếu qua các vệ tinh này. Ông lý giải: “Làm vậy, tôi tránh được tình trạng tranh mua tranh bán. Doanh nghiệp đỡ vất vả trong thu gom và người lao động giao dịch thuận tiện”. Ông công khai giá gia công, giá bán nguyên liệu và giá mua thành phẩm. Ông nói: “Giao nguyên liệu 10 kg tôi thu 8 kg thành phẩm. Bà con có máy mặc sức mua nguyên liệu, tôi vẫn mua hết thành phẩm bằng tiền mặt. Ở đâu có giá cao hơn doanh nghiệp bà con thoải mái bán”.

Hàng tơ xơ dừa có 6 tháng thuận (tháng 1 đến tháng 7) và 6 tháng nghịch - thời gian này gần như các cơ sở sản xuất nhỏ đều ngưng trệ. Đây cũng là mùa bị ép giá gay gắt. “Lúc này doanh nghiệp phải giảm sản xuất?” - tôi hỏi. Ông Út Chiến cười: “Doanh nghiệp chúng tôi vẫn sản xuất tối đa, vẫn mua bán nguyên liệu và thu mua thành phẩm. Nếu tuần này công ty không “ăn” hàng thì tôi tồn 1.000 cuồn lưới, trị giá 130 triệu đồng chứ chẳng ít. Tuy vậy, chúng tôi rất an tâm tổ chức sản xuất”. Được biết, dù không “ăn hàng”, công ty đối tác vẫn ứng cho ông 30% vốn và sử dụng các khoản dự phòng khác nên không ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp. Hơn thế, công ty còn hướng dẫn doanh nghiệp cách bảo quản hàng lưu kho nên ông cứ giữ nhịp độ sản xuất.

Ông Út Chiến vẫn nhớ cái cảm giác run rẩy cầm 10 triệu đồng tiền lời bán xoài vào năm 1985. Số tiền ấy rất lớn so với cuộc sống đang nghèo khó của vợ chồng ông lúc đó. Ngôi nhà trị giá gần 200 triệu đồng cất hai năm nay được ông lấy làm trụ sở doanh nghiệp cũng từ cây xoài. Bây giờ, cây xoài mỗi năm cho ông 70 – 80 triệu đồng tiền lời. Từng trải qua nghèo khó nên ông rất đồng cảm với người nghèo và mong muốn lấy nghề sản xuất các sản phẩm từ tơ xơ dừa giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Ông Út Chiến nói: “Tổ chức sản xuất và kinh doanh ngành hàng này lời “meo” lắm ! Tôi làm và mở rộng nghề này là vì bà con nghèo, chứ cuộc sống của tôi phần lớn là nhờ vào 15 công xoài!”. Từ những đóng góp chân thành đó, nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27 tháng 7 vừa qua, ông Út Chiến được bình chọn là một trong hai thương binh tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh.

Bài, ảnh: HOÀI NHI

Chia sẻ bài viết