Ký * VÂN LÂM
Ở thời buổi đất đai ngày càng đắt đỏ, vậy mà ông Lý Văn Tăng (Tư Tăng), 70 tuổi, ở khu vực Thuận An 4, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, bán 5 công đất trị giá gần 350 triệu đồng để bắc cầu cho bà con đi lại thuận tiện. Tiền bán đất không đủ, ông lấy hết số tiền gởi tiết kiệm dưỡng già, rồi vay mượn thêm của người thân, không để chuyện tiền nong ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Không chỉ là người đi đầu trong công tác từ thiện - xã hội, lão nông Tư Tăng còn làm nhiều người cảm phục bởi nếp sống chuẩn mực, chan hòa, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác.
* Gà trống nuôi con
Bà con ở xóm Bà Chiêu, thuộc khu vực Thuận An 4, thường nói cuộc đời của ông Tư Tăng như một câu chuyện tiểu thuyết tình cảm đầy xúc động và kết thúc có hậu.
Ngày ấy, vợ chồng ông Tư Tăng nghèo nhất nhì xóm nhưng sống hòa thuận, cùng chia ngọt, sẻ bùi. Đưa tôi xem chiếc nón nỉ bạc màu nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn, ông Tư Tăng bùi ngùi nhớ lại: “Hồi trào tôi còn thanh niên, có được chiếc nón loại này quý lắm. Để có tiền mua hai bộ đồ Tết cho con với chiếc nón này mà bà nhà tôi đi cấy lúa thuê cả tuần lễ. Nhớ lúc tôi mới cưới bả về, cả mấy tháng trời nhìn nhau vẫn thấy lạ hoắc, lạ huơ. Vậy mà sau này vợ chồng tâm đồng ý hợp, dù nghèo khó, bữa cháo, bữa rau nhưng ít khi cãi vả nhau. Tôi đi làm thuê, bà xã tôi ở nhà chăm sóc con cái, gia đình tràn đầy hạnh phúc. Ngày bả mất, tôi như cây chuối bị chặt ngang thân...”. Năm ông Tư Tăng bước qua tuổi 40, vợ ông bị bạo bệnh qua đời, để lại cho ông 7 người con nheo nhóc. Lúc đó, con trai út của ông bà vẫn chưa đầy tháng. Chứng kiến hoàn cảnh của ông Tư Tăng, nhiều người lắc đầu ngao ngán: “Không biết Tư Tăng có vượt qua nổi để nuôi con khôn lớn hay không?”.
Thế nhưng, không giống như một số người, gặp biến cố lớn trong cuộc sống thì buông xuôi, chán chường, ông Tư Tăng đã gác lại nỗi đau buồn, quyết tâm lo cho đàn con thơ nên người, làm vui lòng người vợ hiền nơi chín suối. Gởi con cho cha mẹ ruột trông coi, ông đi nhổ mạ, cắt lúa, đào đất mướn để kiếm tiền nuôi con. Ông Sáu Tiến, ở khu vực Thuận An 4, kể: “Tuy người nhỏ nhắn nhưng bù lại ông Tư Tăng có sức bền khi làm việc. Bình thường người có sức khỏe tốt cắt giỏi lắm gần 1 công đất/ngày nhưng ông ấy không chỉ rồi công mà còn bắt công cho ngày hôm sau gần góc tám (khoảng 150m2 - PV)”. Lúc đó, thương cho hoàn cảnh “gà trống nuôi con” của ông Tư Tăng, nhiều người ngỏ ý muốn làm mai để ông có người sửa khăn, vá áo nhưng ông nhất quyết từ chối.
Thắm thoát đã hơn 30 năm trôi qua, 7 người con của ông Tư Tăng đều khôn lớn, được ông dựng vợ, gả chồng, có sự nghiệp ổn định. Trong lòng ông Tư Tăng vui mừng khôn tả. Khi nghĩa tình với vợ con đã vẹn tròn, ông Tư Tăng không cho phép mình an dưỡng tuổi già mà chung tay góp sức xây dựng quê hương.
* Bán đất làm cầu
 |
Cầu Bà Chiêu do ông Lý Văn Tăng đầu tư kinh phí xây dựng. Ảnh: THÀNH KHUYỂN. |
Hơn chục năm qua, hình ảnh ông lão tóc muối tiêu, đạp xe cọc cạch, rong ruổi khắp xóm ấp để vận động bà con xây dựng đường giao thông, bắc cầu hay cất nhà tình thương... đã quen thuộc với người dân Thuận An. Những việc làm thiết thực của ông Tư Tăng không chỉ góp phần làm “thay da, đổi thịt” một vùng quê nghèo khó mà còn giúp không ít gia đình vượt qua hoạn nạn.
Tuyến đường từ quốc lộ 91 đến phà Thuận An- Cái Dầu (phường Thuận An) vừa mới khánh thành không lâu làm nức lòng người dân nơi đây. Anh Lê Văn Thắng, một hộ dân sinh sống trên tuyến đường này, nói: “Cách đây vài tháng, đường vẫn còn lầy lội, đầy “ổ trâu ổ gà”, bà con đi lại khó khăn, cánh mua bán tạp hóa tụi tui cũng bị ế ẩm. Giờ con đường đã được xây dựng bằng bê tông thẳng tắp, rộng rãi, cũng nhờ ông Tư Tăng vận động bà con, đứng ra trông coi việc thi công”. Anh Nguyễn Văn Bình, ở khu vực Vĩnh Bình, phường Thuận An, kể: “Tết năm rồi, nhà tôi trống trước hở sau, bác Tư Tăng mang khung nhà, lá đến dựng cho căn nhà mới, còn cho gạo, đường ăn Tết. Không chỉ thế, bác Tư còn giới thiệu cho tôi đi làm ở một cơ sở hàn tiện để vừa học nghề, vừa kiếm thu nhập. Bác ấy thường đến nhà động viên, an ủi vợ chồng tôi cố gắng làm ăn. Bác Tư đối với gia đình tôi chẳng khác gì con cháu trong nhà”.
Sau khi lo cho con cái có cuộc sống khấm khá, ông Tư Tăng dành riêng cho mình hơn 5 công đất để dưỡng già. Hằng năm, mỗi mùa vụ kết thúc, ông để ít giạ lúa ăn, phần còn lại ông đem xay, lấy gạo tặng cho bà con nghèo trong và ngoài phường. Gần đây, mỗi lần đi ra đầu xóm nhìn cây cầu gỗ bắc qua rạch Bà Chiêu bị xiêu vẹo, hư hỏng nặng, ông Tư lo lắng: “Làm sao để xây được cây cầu mới, chắc chắn?”. Rồi ông tìm gặp ông Thái Văn Trạng, Tổ trưởng Tổ xây dựng cầu, đường khu vực Thuận An 4, nhờ tính toán sơ bộ chi phí xây dựng cây cầu bê tông. Nhẩm tính, ông Trạng nói: “Cây cầu này dài hơn 30m, nếu xây dựng chiều ngang 2m, tính sơ sơ cũng trên trăm triệu đồng”. “Còn chiều ngang 4,5m thì khoảng bao nhiêu?”- ông Tư Tăng hỏi tiếp. “Ít gì cũng trên 300 triệu đồng. Mà ông hỏi kỹ như vậy để làm gì?”- ông Trạng hỏi lại. Uống xong ly trà, ông Tư Tăng bày tỏ với ông Trạng về ý định muốn xây dựng cầu Bà Chiêu mới. Dẫu biết ông Tư Tăng là người tích cực trong công tác từ thiện - xã hội ở địa phương nhưng ông Trạng vẫn khuyên: “Số tiền đó không ít đâu ông! Chưa kể đôi khi vật tư đội giá, rồi rất nhiều chi phí khác phát sinh, ông làm không nổi đâu!”. Cặp mắt đăm chiêu, trầm ngâm một hồi ông Tư Tăng nói như đinh đóng cột: “Còn mấy công đất để dưỡng già tôi bán lấy tiền bắc cầu. Ông lo chuyện bàn bạc với chính quyền địa phương, thiết kế cầu, còn tôi lo tiền, huy động nhân công. Đầu tháng 12 mình khởi công, cố gắng hoàn thành trước Tết âm lịch”.
Gần đây, khi đi ngang đoạn đường này, nhiều người dừng xe, ngắm nghía chiếc cầu đang được xây dựng, nét mặt phấn khởi. Chị Lê Thị Mánh, ở khu vực Thới Bình, nói: “Trước đây, qua lại cây cầu cũ, bà con không khỏi lo sợ. Giờ sắp có cây cầu mới, chúng tôi mừng lắm. Từ nay đưa rước con cái đi học dễ dàng, mang rau màu ra chợ Thốt Nốt bán cũng thuận tiện hơn”. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thái Văn Trạng cho biết: “Từ ngày khởi công xây dựng cầu, ông Tư Tăng luôn tất bật công việc. Sáng sớm ông đã có mặt tại công trình hối thúc anh em làm việc cho đến lên đèn ông mới về nhà. Thời gian chờ bê tông khô, ông Tư Tăng quay sang cùng với anh em tụi tui chuẩn bị cây, ván để đổ bê tông mặt cầu. Là người bỏ tiền ra cùng với địa phương làm giao thông nhưng ông Tư Tăng không hề tỏ ra cao ngạo mà luôn chân tình, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, từ đó tạo động lực cho anh em nhân công chúng tôi. Chỉ mới làm xong phần trụ, mang cá mà chi phí đã “ăn” hết gần 5 công đất. Ông Tư Tăng phải rút tiền tiết kiệm, vay mượn người thân, quyết tâm không để việc xây dựng cầu bị dở dang”.
Thật đáng cảm kích tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của ông Lý Văn Tăng, một lão nông tuổi “thất thập cổ lai hy”. Hy vọng nhiệt huyết của ông Tư Tăng sẽ khơi dậy phong trào chung tay xây dựng quê hương ở Thuận An.