11/03/2019 - 13:31

Lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể 

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Vĩnh Thạnh về xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm là hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, huyện đã phát triển được 17 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp toàn huyện hiện có lên 32 HTX. Trong đó, có 50% HTX hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện tham quan mô hình sản xuất lúa giống của Hợp tác xã Hiếu Bình, xã Thạnh An.

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Vĩnh Thạnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm là HTX nông nghiệp. Huyện phấn đấu đến năm 2020, mỗi xã, thị trấn thành lập ít nhất từ 1-2 HTX nông nghiệp, trong đó 70% HTX hoạt động hiệu quả... Đồng chí Đỗ Thanh Thảo, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Nhằm thực hiện nghị quyết, 3 năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân. Đồng thời chỉ đạo MTTQVN và các đoàn thể đẩy mạnh vận động, đưa đoàn viên, hội viên vào làm nòng cốt trong các loại hình kinh tế tập thể… Đến nay, toàn huyện đã thành lập mới 17 HTX nông nghiệp.

Chúng tôi đến thăm HTX Hiếu Bình, xã Thạnh An, đúng lúc HTX đang thu hoạch vụ lúa đông xuân. Anh Đỗ Đình Sơn Dương, xã viên HTX nói: "Tham gia HTX, chúng tôi được hỗ trợ khâu bơm nước, thu hoạch, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu nên tiết kiệm được chi phí sản xuất, lợi nhuận cao hơn so với bên ngoài HTX. Hằng năm, chúng tôi còn được HTX chi tiền lời từ dịch vụ bơm nước, dịch vụ thức ăn gia súc, từ 10-15 triệu đồng". Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Hiếu Bình, cho biết: HTX được thành lập tháng 5-2016, với 20 thành viên. HTX tổ chức các hoạt động: vận động xã viên và nhân dân sản xuất 300ha lúa giống, 500ha lúa hàng hóa, bơm nước cho 1.200ha lúa, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu lúa của xã viên và nhân dân; hợp đồng với chủ máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa... Qua hơn 2 năm hoạt động, HTX đã giúp xã viên và nhân dân tiết kiệm trong sản xuất, thu hoạch; bao tiêu hết 800ha sản phẩm lúa giống và lúa hàng hóa của xã viên và nhân dân; chia lợi nhuận từ các dịch vụ cho mỗi xã viên từ 10-15 triệu đồng/năm.  

Đến HTX Khiết Tâm ở xã Thạnh Lợi, chúng tôi nhận thấy niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của các xã viên. Ông Phạm Minh Được, xã viên HTX đang thu hoạch 4ha lúa của mình, vui vẻ nói: "Tham gia HTX, chúng tôi được cung cấp giống sản xuất, bơm rút nước, hỗ trợ máy móc khi thu hoạch nên giảm được hơn 40% chi phí sản xuất. Sản phẩm lúa được HTX liên kết với doanh nghiệp bao tiêu, với mức giá cao hơn từ 50-100 đồng so với thị trường…". Theo ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, HTX có 40 xã viên. Hoạt động của HTX là gia công lúa giống cung ứng cho xã viên; ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu, thực hiện bơm nước, hỗ trợ thu hoạch đối với 100ha lúa giống và 240ha lúa hàng hóa của xã viên. Hoạt động của HTX không chỉ giúp xã viên giảm chi phí sản xuất, được bao tiêu sản phẩm, mà còn được chia tiền lời từ các dịch vụ mỗi năm hơn 5 triệu đồng/xã viên. Đặc biệt, từ năm 2017, HTX được Dự án "Cạnh tranh nông nghiệp ACP" hỗ trợ 5 tỉ đồng xây dựng nhà kho chứa lúa quy mô 1.000 tấn và máy sấy lúa quy mô 40 tấn/ngày, mang lại lợi ích trong bảo quản, tiêu thụ lúa giống cho xã viên.

Theo đồng chí Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhiều HTX hoạt động hiệu quả đã mang lại lợi ích thiết thực, trở thành "bà đỡ" cho xã viên, nhất là đã giảm chi phí sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định cho trên 3.000ha lúa/vụ và nâng cao thu nhập của xã viên. Bước đầu, các HTX nông nghiệp đã góp phần xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao, an toàn thực phẩm; góp phần xây dựng huyện nông thôn mới... Tuy nhiên, vẫn còn không ít HTX hoạt động cầm chừng, có 10 HTX hoạt động không hiệu quả, chuẩn bị giải thể. Nguyên nhân là do năng lực quản lý của Ban Giám đốc HTX còn hạn chế; hiệu quả hợp tác, kinh doanh của nhiều HTX chưa cao; chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể nên một số HTX thiếu vốn xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện hoạt động…

Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Huyện ủy về xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm là HTX nông nghiệp, đồng chí Đỗ Thanh Thảo, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các ngành, đoàn thể huyện phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX; tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhằm tạo ra hàng hóa chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các ngành kêu gọi doanh nghiệp góp vốn cùng hoạt động với HTX tạo mối quan hệ sản xuất kinh doanh khép kín theo hướng doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư, trang thiết bị và đầu ra sản phẩm, HTX tổ chức sản xuất và cung ứng nguyên liệu. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ khuyến khích thành lập HTX, chính sách tín dụng, chính sách về xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện và xây dựng kho bãi, lò sấy; khuyến khích HTX nông nghiệp mở rộng hoạt động theo hướng đa ngành, đa nghề… nhằm phát triển bền vững. 

Bài, ảnh: ANH DŨNG  

Chia sẻ bài viết