27/08/2020 - 10:06

Làng nghề đan lưới Thơm Rơm chủ động mở rộng thị trường 

Các tiệm lưới tại làng nghề đan lưới Thơm Rơm phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ luôn hoạt động quanh năm, nhưng cao điểm luôn là các tháng mùa nước nổi (mùa lũ), từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm. Do nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất ngư cụ phải làm thủ công nên nhiều cơ sở phải thuê mướn thêm lao động để đảm bảo nguồn hàng phục vụ thị trường.

Người tiêu dùng chọn mua ngư cụ tại một tiệm lưới ở làng nghề đan lưới Thơm Rơm.

Chuẩn bị đón lũ

Ông Hồ Khắc Thành, chủ tiệm lưới Thành Loan ở làng nghề đan lưới Thơm Rơm, cho biết: "Dù có nhiều dự báo cho rằng năm nay lũ nhỏ nhưng tôi tin nhiều loại ngư cụ vẫn có đầu ra tốt vì nhiều người có nhu cầu mua. Do vậy, tôi tăng cường sản xuất trước một vài tháng để có hàng bán ngay khi thị trường có nhu cầu, chờ đến lúc sức mua tăng cao mới làm sẽ không chuẩn bị kịp nguồn hàng. Tôi dự đoán, từ khoảng cuối tháng 7 âm lịch trở lên, sức mua các loại ngư cụ sẽ tăng mạnh khi lúa thu đông thu hoạch và nước lũ tràn đồng, thuận lợi cho đánh bắt thủy sản".

Mùa lũ mang lại nguồn lợi thủy sản tự nhiên dồi dào và môi trường thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản nên người dân có nhu cầu mua lưới và các loại ngư cụ khác. Ông Phạm Phước Phong, chủ tiệm lưới Năm Tấn ở làng nghề đan lưới Thơm Rơm, cho biết: "Hiện sức mua nhiều loại ngư cụ có tăng so với tháng trước nhưng chưa nhiều do nước lũ chưa về, đồng ruộng chưa thu hoạch lúa, người dân chủ yếu mua lưới và các loại ngư cụ để đánh bắt thủy sản trên các sông rạch và ao mương. Tuy nhiên, tiệm lưới cũng đẩy mạnh sản xuất vì đã có nhiều mối quen đặt hàng". Theo ông Phong, tiệm lưới của ông có thể sản xuất được hàng chục loại ngư cụ khác nhau, đặc biệt các loại lưới đã khẳng định được uy tín chất lượng trong nhiều năm qua và được nhiều người gần xa ưa chuộng. Lưới sau thời gian dài sử dụng còn được tiệm thu mua lại để tái chế phần chì, góp phần bảo vệ môi trường và giúp bà con tiết kiệm chi phí.

Làng nghề đan lưới Thơm Rơm có 35 hộ tham gia sản xuất chính và gần 321 hộ gia công cho các hộ sản xuất chính, tập trung ở khu vực Tân Lợi 1, Tân Lợi 2, phường Tân Hưng. Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động chuyên nghiệp và khoảng 500 lao động thời vụ. Thu nhập bình quân mỗi lao động từ 150.000-300.000 đồng/người/ngày.

Mở rộng thị trường

Trước đây, hầu hết các tiệm lưới tại làng nghề đan lưới Thơm Rơm tập trung sản xuất kinh doanh các loại ngư cụ phục vụ đánh bắt thủy sản nước ngọt vào mùa lũ tại các địa phương vùng ÐBSCL. Song, nhờ đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ tại nhiều vùng, miền trong nước, nhiều tiệm lưới có thể ổn định sản xuất kinh doanh quanh năm. Trong khoảng 10 năm qua, làng nghề đan lưới Thơm Rơm còn sản xuất nhiều loại ngư cụ cung cấp cho ngư dân đánh bắt ở biển. Các loại lú và ngư cụ phục vụ đánh bắt cá biển của làng nghề đã có mặt tại thị trường các tỉnh ven biển từ Mũi Cà Mau đến các tỉnh duyên hải miền Trung.

Ông Lê Văn Thành, chủ tiệm lưới Thành Phát ở làng nghề đan lưới Thơm Rơm, cho biết: "Mỗi tháng cơ sở sản xuất từ 1.000-1.200 cái lú biển trở lên. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho gần 100 lao động, thu nhập của nhiều người đạt 200.000-300.000 đồng/ngày".  Theo chị Lê Hoàng Anh, chủ tiệm lưới Vĩnh Phát tại làng nghề đan lưới Thơm Rơm, cùng với việc đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng của các loại ngư cụ phục vụ đánh bắt thủy sản nước ngọt, tiệm lưới cũng đã sản xuất lú biển khoảng 3 năm nay và tạo việc làm cho khoảng 10 lao động. Thời gian qua, tình trạng lũ nhỏ xuất hiện ngày càng nhiều và các loại thủy sản nước ngọt đánh bắt được trong tự nhiên cũng không còn dồi dào như xưa. Do vậy, việc đẩy mạnh sản xuất các loại ngư cụ phục vụ đánh bắt cá biển, nhất là sản xuất lú biển là một hướng đi rất phù hợp, tạo thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quanh năm...

So với năm trước, hiện giá bán nhiều loại ngư cụ tại làng nghề đan lưới Thơm Rơm vẫn khá ổn định. Cụ thể, giá lưới bén đánh cá 3 màn (loại ngang 1,1-1,2m, dài khoảng 80-100m) có giá khoảng 200.000-350.000 đồng/cái; lú đánh bắt cá nước ngọt giá 320.000-360.000 đồng/cái (dài khoảng 8,5-10m); lú biển 380.000-400.000 đồng/cái (10-11m); dớn 40.000-200.000 đồng/cái; chài nhỏ khoảng 300.000-400.000 đồng/cái, chài lớn 500.000-800.000 đồng/cái… Chủ nhiều tiệm lưới cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên dự báo sức tiêu thụ hàng có thể không bằng năm trước. Gần đây, giá một số nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất có tăng nhưng nhiều cơ sở vẫn cố gắng ổn định giá bán sản phẩm để giữ chân khách hàng...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết