05/02/2008 - 18:14

Lang Lang - Những ngón tay huyền thoại...

Âm nhạc cổ điển – loại hình nghệ thuật vốn đã tồn tại và phát triển xưa nay ở châu Âu. Còn Trung Quốc với nền văn hóa phương Đông lâu đời, chỉ được biết đến qua âm nhạc truyền thống. Nghệ sĩ piano người Trung Quốc Lang Lang đã làm thay đổi điều ấy khi năm 2007 anh có mặt hầu hết các buổi biểu diễn cùng những dàn nhạc lớn nhất thế giới với sự chỉ huy của nhiều nhạc trưởng nổi tiếng. Lang Lang là nghệ sĩ piano đầu tiên của Trung Quốc tham gia biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Berlin Philharmonic và 5 dàn nhạc giao hưởng (Big Five) lớn nhất nước Mỹ. Đặc biệt, mới đây, Lang Lang đã có tên trong danh sách đề cử giải Grammy lần thứ 50 do Viện hàn lâm âm nhạc Mỹ công bố. Đây cũng là lần đầu tiên một nghệ sĩ người Trung Quốc nhận được vinh dự này.

Nghệ sĩ piano người Trung Quốc Lang Lang. Ảnh: mattviews.files.wordpress.com

Người được coi là thần đồng âm nhạc Trung Quốc, Lang Lang đã nhận được đề cử giải Grammy “Nghệ sĩ trình diễn đơn xuất sắc nhất” cho album thứ tám trong sự nghiệp âm nhạc của mình mang tên “Beethoven Piano Concertos Nos. 1&4”. Đây là album đánh dấu sự cộng tác của Lang Lang với chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng thế giới Christoph Eschenbach. Ngay sau khi phát hành tại thị trường Bắc Mỹ, album đã ngay lập tức vươn lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng Billboard dành cho những album nhạc cổ điển được yêu thích nhất. Lễ trao giải Grammy lần thứ 50 sẽ được tổ chức vào ngày 10-2-2008 tại Staples Center ở Los Angeles (Mỹ) và được truyền hình trực tiếp trên hệ thống truyền hình cáp của kênh CBS.

25 tuổi, Lang Lang là một trong những nghệ sĩ piano xuất sắc nhất của Trung Quốc – đất nước đông dân nhất thế giới. Lang Lang không chỉ là một nhạc công piano tài năng lỗi lạc mà còn là một nghệ sĩ biểu diễn xuất chúng với những ngón tay điêu luyện, sinh động như huyền thoại. Năm qua, anh có gần 200 buổi biểu diễn, gấp đôi các nghệ sĩ khác.

Thế giới âm thanh của Lang Lang giống như một giấc mơ đẹp. Khi anh biểu diễn khán thính giả cũng bị cuốn theo biển âm thanh, khi nhạc công piano nhắm mắt mơ màng, đầu ngả phía sau cả tâm hồn cuốn vào dòng âm thanh trôi chảy. Lang Lang cho biết: “Khi chơi nhạc, trong tâm tưởng dường như tôi nhìn thấy một khu rừng tuyệt đẹp, màu xanh ngút ngàn”. Giới sành điệu nói rằng một phần Mozart (cổ điển), một phần MTV (hiện đại)... đã giúp tiếng đàn của Lang Lang trở nên không quá “bác học” dễ gần gũi với người nghe hơn. Tiếng đàn của Lang Lang trên sân khấu như hăm hở thiết tha, khao khát khám phá cuộc sống như trẻ thơ và hòa tan vạn vật. Anthony Tommasini, Trưởng nhóm phê bình nhạc cổ điển của New York Times, cho biết: “Tương lai của nhạc cổ điển đã tới, tên anh ấy là Lang Lang! Xem và nghe Lang Lang biểu diễn Concerto số ba của Rachmaninoff, tôi thật sự thán phục. Bản nhạc anh chơi cuốn hút tôi theo những giai điệu, nó làm tôi phát điên”.

Có thể nói, Lang Lang là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi của Trung Quốc được báo chí Mỹ ưu ái. Các buổi biểu diễn của anh với dàn nhạc giao hưởng Baltimore đã khiến các nhà bình luận của New York Times phải thốt lên: “Cậu ấy thật tuyệt vời, không thể tưởng tượng được” và không ngần ngại phong anh là Ngài Lang. Nhật báo phố Wall dành cho Lang Lang những bài viết và chương trình giới thiệu đặc biệt, một “đặc ân” hiếm có với một người Trung Quốc. Còn San Francisco Chronicle thì viết: “10 ngón tay của anh ấy có thể tạo nên sấm sét bằng tốc độ và âm thanh toát lên từ các phím đàn”. Tờ Teen People thì chọn anh vào danh sách 20 tài năng âm nhạc cổ điển trẻ tuổi của thế giới trong tương lai. Tờ Chicago Tribune đã không ngần ngại gọi anh là tài năng piano lớn nhất nhiều năm liền mới xuất hiện. Hãng truyền hình CNN đã thực hiện cả một loạt 3 chương trình về Lang Lang với: “NewsNight with Aaron Brown”, “American Morning with Paula Zahn” và “Inside Asia”.

Ở Thẩm Dương, Lang Lang chơi đàn từ năm lên 3 tuổi. Cha anh – ông Guoren Lang là một nghệ sĩ đàn nhị. Mẹ anh chơi nhạc cổ điển từ khi còn đang mang thai anh. Mới bập bẹ biết nói, Lang Lang đã học piano. Lên 5 tuổi, Lang Lang đã giành giải nhất trong cuộc thi Piano Dhen Yang - đây cũng là lần đầu tiên tài năng của anh được công chúng biết đến. Lên 8 tuổi, cha mẹ Lang Lang – cặp vợ chồng hạnh phúc – đã quyết định hy sinh vì tương lai của con. Mẹ anh ở lại Thẩm Dương, cha đưa Lang Lang lên Bắc Kinh, để anh thi vào trường Bắc Kinh. Học trong trường nhạc Bắc Kinh, các giải thưởng lớn nhất lần lượt về tay Lang Lang như: giải nhất cuộc thi piano Xing Hai Cup lần thứ 5 tại Bắc Kinh, giải nhất cuộc thi quốc tế dành cho các nghệ sĩ piano trẻ tuổi lần thứ 4 tại Đức, giải nhất cuộc thi dành cho các nghệ sĩ trẻ tuổi quốc tế Tchaikovsky lần thứ 2 tại Nhật Bản... Ở tuổi 25, Lang Lang đã “kinh qua” những thính phòng cổ điển nổi tiếng, trong đó có cả Carnegie Hall. Ngoài ra, Lang Lang còn tham gia các hoạt động xã hội với vai trò Đại sứ thiện chí của UNICEF.

Mới đây, album “Deutsche Grammophon” của Lang Lang đã giành vị trí số 1 trong bảng xếp hạng Billboard uy tín của Mỹ cho thể loại nhạc cổ điển truyền thống... Hiện Lang Lang đang bận rộn với lịch biểu diễn dày đặc khắp thế giới với những dàn nhạc giao hưởng lớn như: San Francisco, Pittsburgh, Philadelphia, Los Angeles Philharmonic, London Philharmonic, New York Philharmonic, Orchestre de Paris, Israel Philharmonic, Staatskapelle Berlin, Berliner Philharmoniker... Lang Lang cho biết: “Có những khác biệt giữa văn hóa phương Tây và phương Đông. Nhưng âm nhạc có thể khiến con người xích lại gần nhau. Màu da, ngôn ngữ lùi xa biên giới bất kể một quốc gia nào, âm nhạc nói lên cảm nhận của con người”. Lang Lang nói rằng, trong tương lai, anh sẽ phát triển và giới thiệu nền âm nhạc truyền thống Trung Quốc cho những người phương Tây yêu nhạc. Anh hy vọng tiếng đàn piano của mình sẽ là cầu nối giữa mọi người.

QUANG MINH

Chia sẻ bài viết