07/02/2013 - 22:52

Làng công nghệ thế giới - một năm chao đảo về vấn đề bản quyền

Từ chiến thắng tốn nhiều giấy mực của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Apple trước Samsung tại Mỹ cho tới việc hãng phần mềm máy tính Microsoft lôi Google vào vụ kiện bản quyền tại Đức cùng hàng loạt các vụ kiện bằng sáng chế khác của các hãng công nghệ lớn nhỏ như HTC, LG, RIM… đã khiến làng công nghệ thế giới có một năm xôn xao. Chưa bao giờ vấn đề bản quyền lại được nhắc đến nhiều đến thế trong năm qua và cũng chưa biết khi nào là hồi kết.

Bản quyền quan trọng đến đâu?

Một tấm bảng lớn tại Hội chợ Los Angeles cho thấy một loạt bằng sáng chế của Apple.
Ảnh: New York Times

Hiểu theo cách đơn giản nhất thì bản quyền sáng chế là quyền lợi được tạo ra bằng luật pháp cho phép nhà sáng chế loại trừ khả năng người khác sản xuất, sử dụng hay bán phát minh của họ trong một khoảng thời gian nhất định. Vấn đề là ở chỗ do hầu hết các quốc gia đều có hệ thống luật bản quyền riêng của mình, nên các quy định và luật bản quyền, cũng như giới hạn và loại hình bản quyền cũng có thể rất khác nhau.

Trên thực tế, bằng sáng chế có thể cùng được sở hữu bởi hai hoặc nhiều người trong trường hợp bằng sáng chế đó được chứng minh là kết quả chung của nhiều nhà sáng chế hoặc trong trường hợp tồn tại một chứng từ chuyển nhượng một phần lợi nhuận của loại bản quyền này. Ngoài ra, người chủ sở hữu bản quyền cũng có thể đồng ý chấp nhận chứng nhận giấy phép dùng sáng chế trên cho những người khác nếu muốn.

Riêng đối với các công ty công nghệ thế giới, bản quyền sáng chế được xem là thứ “vũ khí” lợi hại giúp họ bảo vệ tác quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm do chính họ sản xuất.

Cuộc chiến lẩn quẩn của các ông lớn công nghệ vẫn chưa đến hồi kết. Ảnh: Android Authority

Trước đây, Apple cũng từng ít chú tâm tới vấn đề bản quyền, nhưng chính hãng này sau đó đã thay đổi cách nhìn đối với bản quyền sau khi bị tuyên phạt bồi thường 100 triệu USD cho Creative Technology, một công ty có trụ sở đặt tại Singapore, vì thua kiện với cáo buộc vi phạm bản quyền một phần mềm của Creative Technology hồi năm 2006. Nguyên nhân là do Creative đã đăng ký thành công trước bản quyền phần mềm dành cho “thiết bị phát nhạc cầm tay”- có nhiều tính năng tương tự sản phẩm iPod của Apple.

James Bessen, chuyên gia pháp lý tại Đại học Harvard (Mỹ) cho biết, có đến hàng trăm cách để viết cùng một chương trình và vì thế các đơn đăng ký luôn cố gắng chứa đựng từng khía cạnh tiềm năng của một công nghệ mới. “Khi các đơn đăng ký được chấp thuận, phần ranh giới lại mờ nhạt, tạo điều kiện rất dễ dàng cho việc cáo buộc người khác đã vi phạm đến ý tưởng của bạn”- Bessen nói.

Điều đó lý giải vì sao số lượng trường hợp nộp đơn xin đăng ký bản quyền (liên quan đến máy tính hoặc các lĩnh vực khác) tại Mỹ đã tăng hơn 50% so với 10 năm trước, ở mức hơn 540.000 đơn xin trong năm 2011.

Theo giới quan sát, có vẻ như các “cá lớn” lẫn “cá bé” làng công nghệ đều đang muốn củng cố thêm vị trí của mình thông qua con đường bản quyền trước tiên, rồi mới tính tới các đột phá trong phát minh hoặc cải tiến kỹ thuật.

“Được” và “mất” xung quanh bản quyền

Hình ảnh so sánh giữa máy tính bảng của Samsung và iPad của Apple được dùng làm bằng chứng trong vụ kiện công nghệ ở San Jose.  Ảnh: Reuters.

Có thể nói, cuộc chiến giữa hai “ông lớn” ngành công nghệ Apple và Samsung là một trong những sự kiện đáng chú ý trong làng công nghệ năm qua. Cả hai đều có những lợi thế khác nhau tại những thị trường nhất định.

Trong khi quyết định ngày 25-8 của tòa án San Jose, California (Mỹ) kết luận phần thắng nghiêng về “Quả táo khuyết”, đồng thời yêu cầu Samsung phải bồi thường hơn 1 tỉ USD cho Apple, thì cùng thời điểm này, tòa án Seoul lại tuyên bố cả Apple lẫn Samsung đều vi phạm bản quyền sáng chế của nhau, nhưng “bênh vực” rằng công ty “sân nhà” Samsung không sao chép thiết kế iPhone của Apple vào dòng sản phẩm điện thoại thông minh Galaxy. Song hành với phán quyết trên là lệnh cấm bán một số sản phẩm chủ chốt của cả hai bên tại thị trường Hàn Quốc. 

Có vẻ như cuộc chiến “dài hơi” giữa Samsung và Apple sẽ vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới, khi Samsung đang nỗ lực dùng các bản quyền của hãng này về công nghệ 3G để ngăn cản Apple không bán được sản phẩm chủ chốt tại thị trường châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.

Trong năm 2012, Google cũng vừa kịp thâu tóm công ty Motorola Mobility với giá 12,5 tỉ USD. Vụ sáp nhập này được nhìn nhận là không những giúp Google sở hữu toàn bộ dòng sản phẩm smartphone (điện thoại thông minh) và máy tính bản của Motorola, mà còn nắm giữ luôn cả kho bằng sáng chế của Motorola, nhằm giúp Google như “hổ mọc thêm cánh”. Tại thị trường Đức, Motorola cũng đã xoay sở để có được  lệnh cấm bán các sản phẩm iPhone và iPad của Apple hồi năm ngoái sau khi “Quả táo khuyết” từ chối chi trả một phần phí bản quyền cho Motorola. Ngay cả phần mềm Window 7 và dòng máy console chơi game Xbox của Microsoft cũng đã bị cấm bán  tại Đức, chỉ vì Microsoft đã từ chối trả phí một công nghệ cho Motorola.

Tuy nhiên, cuộc chiến bản quyền của các “cá lớn”, “cá bé” làng công nghệ cũng đang ảnh hưởng sang chính đối tượng người tiêu dùng dưới hình thức giá cả tăng cao (do phí bản quyền phải trả sau khi tòa án phán quyết) và hạn chế cơ hội lựa chọn sản phẩm (do những tính năng độc quyền của mỗi hãng công nghệ).

Nỗ lực hạ nhiệt “cuộc chiến bản quyền”

Một bản phân tích của Đại học Stanford (Mỹ) cho hay nếu chỉ tính riêng lĩnh vực điện thoại thông minh, đã có khoảng 20 tỉ USD được các hãng công nghệ lớn nhỏ chi cho các vụ kiện tụng và thu mua bản quyền sáng chế trong vòng 2 năm trở lại đây. Số tiền này tương đương với chi phí dành cho 8 chuyến bay thám hiểm sao Hỏa.

Sự lan rộng của các vụ kiện tụng bản quyền đã khiến Ủy ban Truyền thông Quốc tế (ITU) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) phải lên tiếng kêu gọi các nhà sản xuất điện thoại thông minh và các tổ chức ngành công nghiệp di động ngồi lại với nhau. Các cuộc hội đàm “bàn tròn công nghệ” diễn ra ở Genève hồi tháng 10 năm qua đã quy tụ nhiều hãng công nghệ lớn như Apple, Google, Motorola Mobility (MMI), RIM, Microsoft, Ericsson và Nokia nhằm thảo luận xung quanh các vấn đề phức tạp đang gia tăng trong cuộc chiến bản quyền, giúp các công ty sở hữu các bằng sáng chế quan trọng nhận được lợi ích từ các bản quyền này, đồng thời ngăn chặn việc họ sử dụng lợi thế bằng sáng chế làm “vũ khí” trong các trận chiến kiện tụng đối thủ.

Không chỉ đợi đến khi các tổ chức lớn như ITU hành động nhằm “hạ nhiệt” làn sóng kiện cáo vì bản quyền công nghệ, chính các cá nhân và tổ chức có liên quan đến làn sóng này cũng đã “tự thân vận động” nhằm đem lại hòa bình cho cuộc chiến mang tên “bản quyền”. Hồi tháng 6-2012, Quỹ Biên giới Điện tử-Electric Frontier Foundation (EFF) của Mỹ đã cho khởi động dự án cải cách bản quyền mới, với tên gọi “Bảo vệ sự đổi mới”, nhằm xúc tiến việc đưa 7 loại thuế mới vào hệ thống luật bản quyền Mỹ. “Báo cáo minh bạch” (Transparency Report) công bố hồi giữa tháng 5 năm qua của Google cho thấy thông tin chi tiết về các yêu cầu để gỡ bỏ những những liên kết (URL) dẫn tới các trang nội dung vi phạm bản quyền.

Một số công ty và tổ chức giải trí như NBC Universal, Lionsgate, RIAA và BPI cũng xếp đầu danh sách các công ty được yêu cầu gỡ bỏ các URL bị cho là vi phạm nội dung bản quyền. Nhưng nổi bật nhất vẫn là đại gia Microsoft với trên 500.000 yêu cầu gỡ bỏ đường liên kết (mà hầu hết dẫn tới các trang web cho phép người dùng download các phần mềm của Microsoft một cách bất hợp pháp). Điều này phần nào chứng tỏ chính các cá nhân sở hữu tác quyền cũng đang có những động thái tích cực nhằm chấm dứt cuộc chiến bản quyền, trước khi chính phủ và các tổ chức có thẩm quyền đưa ra những hành động kiên quyết hơn.

        THÁI THANH (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết