06/12/2021 - 08:11

Trường Cao đẳng Cần Thơ

Lan tỏa phong trào nghiên cứu, sáng tạo 

Tại Trường Cao đẳng Cần Thơ, hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển nhanh trong những năm gần đây. Qua đó, giảng viên, sinh viên vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, sản xuất và bổ trợ cho việc dạy và học. Nghiên cứu khoa học trở thành hoạt động góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại trường.

Các sinh viên chia sẻ phát triển ý tưởng sáng tạo dự án với thầy cô trong CLB Khởi nghiệp, Trường Cao đẳng Cần Thơ.

Xuất phát từ Câu lạc bộ (CLB) Ươm mầm doanh nghiệp, thuộc Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Cao đẳng Cần Thơ, CLB Khởi nghiệp được thành lập vào tháng 10-2019. Ban đầu hoạt động chủ yếu của CLB là tạo sân chơi sáng tạo cho sinh viên, như cuộc thi “Nhà Quản trị tài ba”, “Khởi tạo doanh nghiệp”... Từ thành công và kinh nghiệm qua hoạt động thực tế của CLB Ươm mầm doanh nghiệp, CLB Khởi nghiệp mở rộng hoạt động, trợ giúp sinh viên lập nghiệp, cọ xát thực tế, tìm công việc thích hợp sau khi tốt nghiệp. Ths Trần Vân Ðằng, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp, chia sẻ: “Khi sinh viên có ý tưởng tốt nhưng không có điều kiện phát triển, CLB sẽ hỗ trợ ý tưởng. Ra trường, sinh viên có thể làm chủ, xây dựng chiến lược kinh doanh. Ðơn cử như có sinh viên mở quầy hàng cà phê, bánh mì hoa cúc, sản phẩm chà bông, vẽ tranh tường…”.

Bên cạnh công tác đào tạo, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Cần Thơ đã có nhiều giải pháp, hoạt động tạo môi trường hỗ trợ sinh viên tham gia nghiên cứu, sáng tạo, hỗ trợ cho việc học tập, rèn luyện, mà CLB Khởi nghiệp là một điển hình. CLB có 4 thành viên là cán bộ, giảng viên, cùng với 136 sinh viên. Khi các sinh viên có ý tưởng gởi về CLB, nhà trường sẽ thành lập hội đồng đánh giá, chắt lọc và định hướng phù hợp, khả năng ứng dụng vào cuộc sống… Các giảng viên hướng dẫn sinh viên viết ý tưởng, hỗ trợ khảo sát thực tế, đồng thời tham mưu đề xuất lãnh đạo trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí. Ths Trần Vân Ðằng nói: “Khi sản phẩm, dự án của sinh viên hoàn thiện, trường tổ chức cho các em tham gia các cuộc thi cấp trường, thành phố, toàn quốc”.  

Chỉ mới hơn 2 năm thành lập, CLB Khởi nghiệp đã phát huy hiệu quả với nhiều sản phẩm của sinh viên, giảng viên, được tiêu thụ tốt, có khả năng mở rộng thị trường. Ðiển hình là “Bánh mì hoa cúc hạnh nhân cao cấp” của Trần Kim Tú, sinh viên lớp cao đẳng Quản trị kinh doanh; “Vẽ tranh tường” của Lý Hoàng Khánh, cựu sinh viên ngành Du lịch - Lữ hành (dự án đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi Khởi nghiệp toàn quốc năm 2020)… Tại Cuộc thi Startup Kite 2021 toàn quốc do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tổ chức với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, trường có 1 dự án đoạt giải Ba là “Mô hình hệ thống nuôi tôm thông minh, bảo vệ môi trường sinh thái” của nhóm 2 sinh viên: Lê Nhựt Khang và Nguyễn Thị Ngọc Trâm; và 1 dự án đoạt giải Khuyến khích là “App sơ cấp cứu” của nhóm 4 sinh viên chuyên ngành Marketing: Phạm Lê Thảo Ngân, Võ Thị Kim Khánh, Phương Vương Tiến, Nguyễn Trần Bảo Ngọc.

Phạm Lê Thảo Ngân, trưởng nhóm dự án “App sơ cấp cứu”, cho biết sản phẩm đã được đưa ra thị trường với hình thức phần mềm trên điện thoại. Việc sử dụng app này rất dễ dàng, giúp người sử dụng giải quyết vấn đề cấp bách lúc vừa mới phát hiện triệu chứng của người bệnh. “Họ có thể điện thoại trực tiếp cho bệnh viện gần nhất để kịp thời xử lý và nhân viên y tế trực ca sẽ hướng dẫn người sử dụng sơ cứu đúng, nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra”, Thảo Ngân nói. Nhóm nghiên cứu “App sơ cấp cứu” học chuyên ngành về kinh tế, trong khi lĩnh vực nghiên cứu thuộc về y tế, sử dụng công nghệ. Cho nên nhóm tìm hiểu kiến thức qua sách báo, tài liệu trên internet, nhờ sự hỗ trợ của bạn học chuyên về công nghệ; nhất là sự giúp đỡ của thầy, cô nhà trường. Thảo Ngân bộc bạch: “Khi tham gia nghiên cứu, sáng tạo, tôi học tập rất nhiều kiến thức chuyên ngành, ngoài chuyên ngành; kiến thức xã hội. Bản thân rèn luyện thêm các kỹ năng mềm, quan trọng là tính tự lập, tự tin. Ðó là hành trang quý sau khi tốt nghiệp”.

*

*   *

Trường Cao đẳng Cần Thơ hiện đang đào tạo 23 ngành nghề bậc cao đẳng, thuộc nhiều lĩnh vực. Ðể nâng cao chất lượng đào tạo, trường đã liên kết với doanh nghiệp để đào tạo theo hướng ứng dụng, tăng thời lượng thực hành, giảm giờ học lý thuyết, đảm bảo chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội. Trường còn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức sinh viên thực hành, thực tập cũng như hỗ trợ giảng viên, sinh viên thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu... Trong đó, CLB Khởi nghiệp được xem là nơi kết nối giữa doanh nghiệp với sinh viên, nhằm ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp. Ths Trần Vân Ðằng cho biết: “Sắp tới, chúng tôi xây dựng CLB phát triển mạnh hơn về số lượng lẫn chất lượng. Ðưa sinh viên vào thành viên chủ chốt CLB, cùng giảng viên thảo luận ý tưởng dự án. Hiện Ban Chủ nhiệm CLB đang đề xuất nhà trường hỗ trợ địa điểm để trưng bày, giới thiệu sản phẩm của sinh viên; kết hợp trưng bày những sản phẩm khác; tạo môi trường giúp sinh viên sáng tạo, khởi nghiệp. Từ nguồn thu trưng bày sẽ vận hành CLB, đưa sinh viên đi bồi dưỡng, trau dồi kỹ năng… để các em ra trường đủ năng lực lập thân, lập nghiệp”.

Bài, ảnh: Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết