05/07/2012 - 21:49

Làm luận văn - cơ hội khẳng định năng lực bản thân

Được làm luận văn tốt nghiệp là ước mơ của nhiều sinh viên sau 4 năm miệt mài trên giảng đường đại học. Bởi đó được xem như một sản phẩm đánh dấu quá trình phấn đấu, học tập, khẳng định khả năng nghiên cứu khoa học của sinh viên…

* Say mê nghiên cứu...

 Để có được những luận văn tốt nghiệp đạt yêu cầu, các sinh viên đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tư liệu tại các thư viện.

Chúng tôi trò chuyện với Bùi Hoàng Tân, sinh viên khóa 34, lớp sư phạm Lịch sử, Trường Đại học Cần Thơ, ngay sau khi Tân bảo vệ thành công luận văn “Tìm hiểu các quân binh chủng và vũ khí chiến đấu của quân đội Tây Sơn” vào tháng 5-2012. Tân là sinh viên đạt điểm cao nhất (98/100 điểm) trong đợt bảo vệ luận văn của Bộ môn Lịch sử. Trong luận văn của mình, Tân đã giới thiệu sơ lược những loại vũ khí quân đội Tây Sơn sử dụng trong suốt quá trình lịch sử tồn tại của mình. Tân cũng nêu những đánh giá, nhận xét của bản thân về mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong quá trình xây dựng lực lượng quân đội, vai trò của con người và vũ khí làm nên những thắng lợi của Tây Sơn... Nhìn chung, vấn đề mà Tân nêu trong luận văn không mới vì đã có nhiều công trình của các nhà sử học nghiên cứu. Nhưng điều mà các thầy cô trong hội đồng chấm luận văn đánh giá cao chính là sự nỗ lực của Tân trong quá trình thu thập tư liệu, nghiên cứu khoa học. Tân cho biết: “Ngay khi bước vào năm thứ 2 em đã liên hệ giảng viên hướng dẫn để chọn đề tài và làm đề cương. Nếu tính từ lúc làm đề cương cho đến khi hoàn thành sản phẩm em mất thời gian gần 2 năm”. Trò chuyện với chúng tôi, Tân luôn thể hiện niềm tự hào, sự tâm huyết trong quá trình thực hiện luận văn tốt nghiệp về một đề tài mà bản thân tâm huyết khi còn học phổ thông. Tân cho biết, ngoài việc đọc hàng chục quyển sách liên quan đến triều đại Tây Sơn, nhiều ngày Tân “giam” mình trong thư viện, tận dụng thời gian trong chuyến đi thực tế ngoài trường để lấy tư liệu tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) và Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút (Tiền Giang). Những ghi chép về hình dạng, công dụng của từng loại vũ khí và hình ảnh Tân chụp được tại hai nơi này đã góp phần làm luận văn tốt nghiệp thêm sinh động.

Huỳnh Chí Bằng, lớp sư phạm Văn K.34, Trường Đại học Cần Thơ thì khiến bạn bè chung khóa khâm phục với luận văn “Chân dung người lính Trường Sơn trong thơ Phạm Tiến Duật”. Bằng cho biết, do cảm mến và say mê những vần thơ, đặc biệt “chất trẻ” trong thơ Phạm Tiến Duật nên Bằng đã chọn đề tài này. Bên cạnh đó, Bằng cũng muốn thông qua thực hiện đề tài này, hiểu thêm về một tác giả mình yêu thích và có cái nhìn sâu sắc hơn về người lính Trường Sơn, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng... Bằng chia sẻ: “Trong quá trình nghiên cứu, em đã vận dụng kiến thức về phương pháp, lý luận, ngôn ngữ,... Nhờ vậy em đã phát hiện những khiếm khuyết của bản thân và cố gắng tự hoàn thiện mình”. Quá trình làm luận văn cũng là một quá trình vượt khó của Bằng, bởi đây đề tài mới nên tư liệu nghiên cứu còn hạn chế, thực hiện học phần học tập ở xa trường,..Tuy nhiên, bằng tất cả niềm đam mê, Bằng đã làm việc hết mình và đạt thành tích xuất sắc. Bằng nói: “Ngoài việc bổ sung kiến thức cho việc nghiên cứu, học tập và giảng dạy sau này, em còn muốn giúp độc giả yêu thơ Phạm Tiến Duật có thể tìm hiểu, nghiên cứu về thơ của ông một cách dễ dàng...”.

* Không có dấu chân của kẻ lười biếng...

Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng – Câu nói ấy được nhiều sinh viên làm luận văn khá tâm đắc, bởi sự nỗ lực hết mình trong quá trình học tập, nghiên cứu thường thể hiện ở kết quả đánh giá cuối cùng. Bên cạnh những sinh viên làm luận văn với tinh thần học tập nghiêm túc, say mê nghiên cứu thật sự thì vẫn còn một số sinh viên làm qua loa, chắp vá, thậm chí sao chép từ nhiều nguồn mà không bỏ công tổng hợp, chắt lọc... Theo quy định, khi hoàn thành mỗi luận văn, sinh viên tích lũy được 10 tín chỉ. Nếu không làm luận văn thì sinh viên phải học thêm vài môn học. Để đạt được điểm A tất cả các môn học thay thế này không phải chuyện dễ. Thế nên nhiều sinh viên đã chọn làm luận văn tốt nghiệp để có điểm cao. Tuy nhiên, do lười biếng, thiếu động cơ học tập, nghiên cứu nghiêm túc, một số luận văn chất lượng không cao.

Mới đây, những người dự buổi báo cáo luận văn của một sinh viên có dịp cười ra nước mắt trước những tình huống mà sinh viên này tạo ra trong quá trình “nghiên cứu”. Thay vì nghiên cứu nghiêm túc như bao bạn bè, sinh viên này sao chép khá nhiều tư liệu từ internet rồi đưa vào luận văn của mình. Sự việc vở lỡ khi Hội đồng chấm điểm đã phát hiện ra kiểu chữ không giống nhau trong cùng một luận văn. Thậm chí ở phần lý do chọn đề tài sinh viên này cũng lấy từ lời mở đầu của một quyển sách có liên quan rồi vô tư... gắn vào. M. (sinh viên năm thứ 3) thì đăng ký một luận văn với giảng viên hướng dẫn gần 5 tháng. Tuy nhiên, 3 lần M. nộp đề cương là 3 lần thầy gởi trả lại và yêu cầu bổ sung vì những gì anh chàng viết đều lấy từ internet. M. cặm cụi làm lại đề cương luận văn, với lý do: “Điểm tích lũy của em tính hết các học kỳ không thể đạt được loại giỏi nên phải làm luận văn để kéo lên. Bên cạnh đó, có làm luận văn tốt nghiệp ra trường sau này đi xin việc mới được nhà tuyển dụng đánh giá cao...”.

Làm luận văn là một trong những cách để sinh viên khẳng định bản thân trong quá trình học tập. Mùa làm luận văn đã bắt đầu. Chắc chắn, với sự nỗ lực, tâm huyết của nhiều sinh viên, sẽ có thêm những công trình nghiên cứu có giá trị, góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên ngày càng khởi sắc. Thiết nghĩ, ở các khoa cần có các hoạt động trao đổi, rút kinh nghiệm rộng rãi trong sinh viên qua các kỳ bảo vệ luận văn, nhằm giúp sinh viên có thái độ học tập, nghiên cứu nghiêm túc, tránh tình trạng phải tiếp nhận những luận văn chỉ là những tư liệu chắp vá từ internet, và sau những công trình mang “tính đại chúng” kia sinh viên không học được gì ngoài kỹ năng... cắt-dán.

Bài, ảnh: THANH PHONG

Chia sẻ bài viết