10/12/2014 - 20:56

Làm giàu từ cây vú sữa nâu

Ông Nguyễn Văn Mười, ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, được nhiều người biết đến bởi sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, ông đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, giúp gia đình mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, lão nông hơn 60 tuổi - Nguyễn Văn Mười kể cho chúng tôi nghe về quá trình đưa ông đến với cây vú sữa nâu. Trước đây, gia đình chủ yếu trồng một số loại cây có múi như cam, bưởi, quýt. Tuy nhiên, sau thời gian canh tác, thành quả mà gia đình ông gặt hái được không nhiều, nếu được mùa thì lại rớt giá, kinh tế gia đình rơi vào khó khăn. Khi đó, phong trào trồng vú sữa nâu bắt đầu xuất hiện tại địa phương, ông bắt tay vào làm, tìm hiểu kỹ thuật canh tác, thị trường tiêu thụ và chuyên tâm đầu tư vào loại cây ăn trái mới này.

Chỉ tay sang vườn vú sữa nâu gần 2ha, đang cho trái xum xuê, trĩu cành, ông phấn khởi nói: "Nhờ nó mà tôi mới cất được căn nhà này, sắm được chiếc xe máy, mua được cái tivi...". Ông Mười chia sẻ: "Vú sữa là loại cây dễ trồng, thích nghi với vùng đất cao, nơi có mực nước phù sa lên xuống, nhưng người trồng cũng phải nắm vững kỹ thuật từ lúc chọn giống, lên liếp cho tới lúc bón phân, bẻ trái. Vú sữa sau khi trồng khoảng 3 năm sẽ cho trái và từ ngày vú sữa ra hoa cho đến khi chín mất khoảng 8 đến 9 tháng. Nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, năng suất năm sau sẽ cao gấp đôi năm trước". Hiện tại, vú sữa bắt đầu vào mùa thu hoạch, do đầu mùa nên bán giá khá cao 15.000 đồng/trái, sau khi trừ các chi phí, mỗi trái vú sữa lời khoảng 10.000 đồng.

Ông Mười cùng vợ phân loại vú sữa.

Ông Mười cho biết, vú sữa nâu thường năng suất không cao bằng vú sữa lò rèn nhưng do mùa vụ của vú sữa nâu chín sớm hơn vú sữa Lò rèn gần 1 tháng, nên thường bán được giá cao vào lúc đầu vụ. Khoảng cuối vụ giá có giảm đôi chút nhưng không đáng kể, khi giá thấp nhất nhà vườn vẫn bán được từ 7.000 đến 10.000 đồng/trái. Với mức giá như vậy, bà con trồng vú sữa có thể an tâm canh tác.

Bén duyên với cây vú sữa nâu đã lâu, ông Mười tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Ông nói: "Trước khi trồng cây giống, cần xử lý đất bằng vôi bột trong khoảng nửa tháng, sau đó bón lót phân hữu cơ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Khi bón phân đạm, lân, kali nên tưới liên tục trong 3 ngày để phân thấm đều vào gốc cây, hạn chế thất thoát. Sau mỗi vụ thu hoạch cần cắt tỉa bớt nhánh, xử lý đúng kỹ thuật để giúp cây phát tán đều, nhận đủ ánh sáng để mùa sau trái sai, to và có chất lượng hơn".

Để vú sữa bán được giá cao, hạn chế được mùa mất giá, ông có cách xử lý để cây cho trái nghịch vụ. Ông nói: "Vú sữa nâu nghịch vụ bán giá cao ngất ngưỡng. Có khi lên đến 70.000 đồng/trái. Năm nào tôi cũng tranh thủ xử lý khoảng 1/2 diện tích để cho trái nghịch vụ. Vú sữa nâu khi chín giòn, dai, độ ngọt vừa phải nên thích hợp với người kiêng ngọt. Chính vì ưu điểm đó, nên vú sữa nâu luôn được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng". Ông còn tận dụng đất trống trồng thêm bưởi da xanh, chuối cau...vừa tiết kiệm được phân bón, vừa giữ ẩm cho đất. Theo ông Mười, đây cũng là những loại cây trồng cho thu hoạch sớm, lấy ngắn nuôi dài, tập trung đầu tư vào cây trồng chủ lực của gia đình. Hằng năm sau khi trừ các chi phí, ông thu về hơn 400 triệu đồng từ vườn vú sữa và các loại cây trồng xen canh khác.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, trong phong trào Hội nông dân tại địa phương, ông Mười luôn là một hội viên tích cực. Ông chia sẻ kinh nghiệm trồng vú sữa nâu, giúp đỡ hội viên còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống, khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đặc biệt, ông còn là người xung phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, vận động bà con hiến đất làm đường, tạo sự khang trang, đổi mới trong xóm làng.

Ông Lê Văn Minh, Chủ tịch Hội nông dân xã Long Hưng nhận xét: "Anh Mười là một trong những nông dân của xã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có hiệu quả và có những hướng đi đúng đắn. Từ đó, có những định hướng thiết thực giúp nhiều hộ nông dân khác chuyển đổi, đầu tư vào những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Mô hình vú sữa nâu của anh được Hội Nông dân xã chọn làm mô hình điểm để nông dân các xã bạn đến tham quan, học tập kinh nghiệm hằng năm. Ngoài ra, anh còn hiến hơn 500 m2 đất để xây dựng giao thông nông thôn. Chúng tôi rất đề cao vai trò tiên phong của anh Mười …"

Ngôi nhà tường kiên cố, đầy đủ tiện nghi, đó là thành quả của bao năm miệt mài lao động sáng tạo của ông Nguyễn Văn Mười. 3 người con lớn của ông Mười đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định; người con út đang theo học hệ Cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh. Chính vườn vú sữa nâu, chính sự cần cù, chịu khó của ông đã chiến thắng được đói nghèo. Nhiều năm liền, gia đình ông được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình hiếu học, nông dân sản xuất - kinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Bài, ảnh: MINH TOÀN

Chia sẻ bài viết