Hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, trên địa bàn quận Ô Môn có nhiều nông dân nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, mạnh dạn chọn những giống cây, con mới; đồng thời, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; từ đó, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó, có gia đình ông Phan Văn Bịt ở phường Long Hưng, với mô hình trồng na Thái.
Ông Bịt chăm sóc vườn na Thái.
Đến nhà ông Bịt, chúng tôi vui lây với không khí lao động nhộn nhịp, tiếng nói, tiếng cười rộn vang của nhiều người bên hàng chục giỏ nhựa chất đầy ắp trái na vừa thu hoạch. Chị Phan Thị Bé Hai, con gái ông Bịt, cho biết: “Vào vụ thu hoạch na, mỗi ngày, tại nhà tôi có khoảng 7-10 nhân công lao động. Mỗi người một việc, từ hái trái, phân loại sản phẩm, đóng gói đến lên hàng giao cho thương lái. Người lao động có thu nhập ổn định, từ 300.000-400.000 đồng/ngày/người”.
Ông Bịt đến với nghề trồng na Thái cách nay gần 10 năm. Qua tìm hiểu, biết trái na Thái được người tiêu dùng ưa chuộng nên ông quyết định mua giống về trồng xen vào vườn bưởi của gia đình. Từ trên 200 gốc trồng được 8 năm tuổi ban đầu cho thu nhập khá cao, ông Bịt đã trồng thêm 4.000 cây có độ tuổi từ 3-7 năm trên diện tích gần 7ha chuyên trồng giống cây ăn trái này.
Tờ mờ sáng, ông Bịt đã có mặt tại vườn để chăm sóc na. Gương mặt rám nắng, tính tình chân chất, hiền lành, ông Bịt tạo cảm giác thân thiện với người đối diện, dù là lần đầu tiếp xúc. Ông Bịt cho biết: “Hiện tại, trái na Thái đang có giá bán khá tốt. Mỗi vụ, tôi thu hoạch khoảng 2,5 tấn trái/ 1 công. Trung bình, bán được giá 40.000 đồng/kg. Lúc hút hàng, giá có thể lên đến 50.000 đồng/kg. Mỗi héc-ta trồng na Thái, thu được khoảng 700-800 triệu đồng/1 vụ”.
Theo ông Bịt, cây na Thái nếu được chăm sóc tốt, sau 18 tháng bắt đầu cho trái chiếng. Vụ đầu, cây còn nhỏ, chỉ để mỗi cây mang khoảng 4-5kg trái. Muốn cây ra hoa, kết trái, nhà vườn phải chú ý cắt cành, tỉa lá, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cây. Bên cạnh đó, cần quan tâm thụ phấn để cây đậu trái nhiều và trái đẹp. Ông Bịt chia sẻ: “Để cây đậu nhiều trái, phải giúp hoa thụ phấn. Trước hết, tôi cắt cành, rồi xịt tạo mầm cho cây ra bông. Khi cây có bông thì phải sử dụng nhân công để chấm nụ, giúp cây đậu trái. Như vậy, với cách làm này, tôi không lệ thuộc vào thời tiết và có thể cho cây ra trái ngịch vụ”.
Sau gần 10 năm trồng na Thái, sản phẩm na chính vụ cũng như na trái vụ của gia đình ông Bịt đều có trái to, đẹp, bán được giá cao. Mô hình trồng na Thái không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông Bịt mà còn là mô hình làm ăn tiêu biểu của địa phương, được nhiều nông hộ trên địa bàn đến học hỏi, làm theo. Ông Trần Văn Hò, nông dân ở phường Thới Long, cho biết: “Gia đình tôi có 2 công đất, trước đây là vườn tạp, sau mới chuyển sang trồng na Thái. Nhờ ông Bịt tận tình hướng dẫn, tôi đã nắm vững quy trình, kỹ thuật chăm sóc na Thái. Đến nay, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định”.
Người lao động phân loại, đóng gói sản phẩm để chuẩn bị giao hàng cho thương lái.
Ngoài hơn 7ha trồng na Thái, gia đình ông Bịt còn kinh doanh phân thuốc, vật tư nông nghiệp. Điều đáng trân quý ở ông là luôn sẵn lòng chia sẻ, tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng, giúp nhiều nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, ổn định đời sống. Ông Bịt bộc bạch: “Trái na Thái ngọt thanh và dai, ít hạt, thịt nhiều, ăn đến đâu mát đến đó. Na Thái cũng đạt năng suất cao, khoảng 4,5 tấn/ha, bán được giá cao. Vì vậy, ví von rằng “trồng na Thái hái ra tiền” là có thật”. Năm 2021, ông Bịt được tuyên dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hưng, cho biết: “Ông Phan Văn Bịt là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Mô hình trồng na Thái đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông. Ông Bịt cũng rất nhiệt tình chia sẻ kỹ thuật chăm sóc na Thái với bà con nông dân. Bản thân ông đóng góp rất nhiều cho công tác an sinh xã hội ở địa phương như xây dựng cầu, làm đường giao thông...”.