24/05/2022 - 11:16

Làm giàu nhờ "con tôm ôm gốc lúa" 

Bài, ảnh: ÐẶNG LINH

Ðó là mô hình sản xuất mà ông Danh Mẫm (60 tuổi) ngụ ấp Xẻo Ðước 1, xã Ðông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) thực hiện từ 6 năm nay. Ông Mẫm là tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu từ nông nghiệp, trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Ông Danh Mẫm trên cánh đồng tôm - lúa của gia đình.

Mưa liên tục vào đầu vụ giúp đồng tôm của gia đình ông Danh Mẫm đủ nước ngọt rửa mặn để gieo trồng vụ lúa mới. Ông Mẫm gọi cách mà gia đình ông đang thực hiện là mô hình "con tôm ôm gốc lúa". Sau khi sạ lúa, ông mua tôm sú giống về nuôi trong một ao riêng, đợi khoảng 1 tháng, lúa lớn và tôm đạt cỡ đầu đũa, ông bắt hết tôm thả ra đồng lúa. Khi thu hoạch xong lúa cũng là lúc tôm sú đủ lớn để thu hoạch dần. Nhờ làm theo cách ấy, liên tục trong 6 năm qua, gia đình ông Mẫm thu lợi hơn 320 triệu đồng/năm dù chỉ có 2,5ha đất. Chưa hết, ông Mẫm còn hơn 1ha ruộng canh tác lúa 2 vụ, cho lợi nhuận 60 triệu đồng/năm. Ông Mẫm chia sẻ: "Ngẫm lại, nếu tôi không cho "con tôm ôm gốc lúa", chắc giờ này vẫn còn loay hoay với cái nghèo".

Trước năm 2016, người dân Ðông Yên chủ yếu sống nhờ vào cây lúa, nhưng sản xuất không hiệu quả, chủ yếu là "lúa cũ đổi lúa mới". Ðảng ủy xã Ðông Yên xác định phải thay đổi, tạo bước đột phá thì đời sống người dân mới khá lên được. Sau khi đi học tập kinh nghiệm tại một số nơi sản xuất 1 vụ tôm 1 vụ lúa cho hiệu quả cao, xã quy hoạch một số khu vực bị ảnh hưởng nước mặn để dân nuôi tôm, trồng lúa. Những ngày đầu nghe chính quyền địa phương triển khai chủ trương khuyến khích dân chuyển từ lúa hai vụ sang tôm - lúa, ông Mẫm bán tính bán nghi, vợ ông thì có ý bàn lùi vì cho rằng dẫn nước mặn vào ruộng nuôi tôm sẽ làm hư đất và không thể trồng lúa. Với sự giải thích từ các nhà khoa học được xã mời về tập huấn, vợ chồng ông dần bị thuyết phục. Ði đầu trong chuyển đổi từ lúa hai vụ kém hiệu quả sang canh tác 1 vụ tôm - 1 vụ lúa, gia đình ông Mẫm trúng mùa vụ tôm đầu tiên khi tôm nuôi đạt năng suất, lại bán được giá cao. Sự thành công của gia đình ông Mẫm đã góp phần thúc đẩy phong trào chuyển đổi sản xuất theo hướng thích nghi với biến đổi khí hậu. Từ chỗ chỉ vài hec-ta ban đầu, hiện xã Ðông Yên có hơn 1.700ha tôm - lúa, cho lợi nhuận  từ 70-110 triệu đồng/ha/năm.

Bà con xã Ðông Yên ai cũng biết vợ chồng ông Mẫm là người thật thà, chân chất, sống chan hòa với bà con lối xóm và là "kiện tướng" trên đồng ruộng. Ông Mẫm cười hiền bộc bạch: "Làm lúa, chi phí phân bón chiếm tỷ lệ khá cao trong giá thành sản xuất. Do đó, để tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng phân bón, trước khi bón phân, tôi phải coi màu lá lúa mới biết lúa cần phân gì, bón liều lượng bao nhiêu thì đủ". Theo ông Mẫm, giai đoạn lúa khoảng 30 ngày sau sạ, cần tháo cạn nước cho đất nứt nẻ chân chim, lá lúa hơi vàng, sau đó cho nước mới vào để bón phân lần 3. Kỹ thuật này giúp kích thích hệ thống rễ lúa phát triển ổn định trong đất tốt hơn, từ đó hạn chế tình trạng đổ ngã của cây lúa. Trong vụ lúa mùa 2021, với 15 công đất lúa, ông Mẫm bán được trên 100 triệu đồng. Một điều rất lạ, dù bón phân rất ít và lúa có vẻ còi cọc nhưng lại ít đổ ngã, sâu bệnh. Cách xử lý ấy cũng giống như cuộc đời ông vậy. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bỏ đi, 12 tuổi, ông Mẫm đã đi giữ trâu thuê. Những trắc trở trong cuộc sống đã hun đúc nên một nông dân giàu nghị lực, vượt qua nhiều khó khăn, thất bại để đứng vững trên chính đôi chân của mình.

Với những thành quả trong sản xuất, tích cực giúp đỡ người nghèo khó, sẵn lòng đóng góp xây dựng cầu đường giao thông nông thôn, từ năm 2017-2021, ông Mẫm được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ông Mẫm nói: "Tôi mong mô hình tôm - lúa sẽ được chính quyền địa phương, ngành chuyên môn hỗ trợ xây dựng thương hiệu để lúa hữu cơ, tôm sinh thái Ðông Yên có giá trị cao hơn, đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân".

Chia sẻ bài viết