03/06/2013 - 22:15

CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP

Làm gì để thu hút thí sinh?

Giờ thực hành của học sinh Trường Trung cấp Miền Tây.

Cùng với các trường đại học, các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), nghề ở Cần Thơ đã và đang “chạy nước rút” tuyển sinh năm 2013. Nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, các cơ sở đào tạo đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Thế nhưng, để thu hút thí sinh đến với các trường, đòi hỏi có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn lực, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo...

Tăng chỉ tiêu, đa dạng hóa ngành nghề

Những năm qua, mạng lưới các trường CĐ, TCCN, nghề gần như phủ kín thành phố. Ngoài các cơ sở đào tạo công lập, TP còn có thêm các trường ngoài công lập. Cơ sở đào tạo gia tăng, kéo theo đó là quy mô, loại hình đào tạo cũng đa dạng, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.  Đơn cử, Trường Trung cấp Miền Tây (TP Cần Thơ), năm 2013, trường tuyển 2.000 học sinh cho 6 ngành trung cấp (y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng đa khoa, tài chính ngân hàng, kế toán doanh nghiệp, quản trị hệ thống mạng máy tính), tăng 500 chỉ tiêu so với năm 2012. Bà Trần Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng trường, cho biết: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, năm nay, trường mở rộng qui mô và đa dạng hóa loại hình đào tạo. Học sinh có thể học cả ngày, buổi tối hoặc những ngày nghỉ cuối tuần.

Chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm 2013, Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ đang hoàn tất thủ tục mở ngành học mới bậc CĐ (kinh doanh thương mại và dịch vụ thú y). Nếu hai ngành mới của trường được Bộ GD&ĐT đồng ý, trường sẽ tuyển sinh trong đợt tuyển nguyện vọng 2 và 3 trong kỳ tuyển sinh năm 2013. Tương tự, năm nay, Trường CĐ Cần Thơ có thêm 4 ngành mới TCCN (Du lịch, Nghiệp vụ Nhà hàng- khách sạn, Tài chính- Ngân hàng, Pháp luật); bậc CĐ, trường đang xin phép mở ngành Dịch vụ pháp lý. Trường tuyển 2.000 sinh viên cho các ngành cao đẳng (tăng 300 chỉ tiêu so với năm 2012) và 1.800 học sinh cho các ngành TCCN hệ chính quy. Ông Quách Kim Lộc, Phó phòng Tổ chức Hành chính - tuyển sinh, Trường CĐ Cần Thơ, nói: “Trước khi mở ngành mới, trường căn cứ vào nhu cầu của xã hội và nguồn lực hiện có, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo”.

Bên cạnh các trường chuyên nghiệp, nhiều trường CĐ, trung cấp nghề như: CĐ Nghề Cần Thơ, CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, Trung cấp Nghề Thới Lai… chuẩn bị khá chu đáo cho kỳ tuyển sinh năm 2013. Ông Phan Thành An, Trưởng phòng đào tạo, Trường Trung cấp Nghề Thới Lai, cho biết, năm học 2013-2014, trường tuyển 300 học sinh cho 8 ngành bậc trung cấp nghề. Năm nay, trường có thêm 3 ngành mới là cắt gọt kim loại, nuôi trồng thủy sản nước ngọt và công tác xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.   

Theo lãnh đạo các trường, những năm gần đây, xu hướng chọn lựa ngành nghề thí sinh có thay đổi. Thí sinh tự lượng sức mình, chọn ngành nghề phù hợp, nhất là các ngành có cơ hội tìm việc, lương cao sau khi ra trường (y - dược, kinh tế…). Ông Quách Kim Lộc nói: “Việc tăng chỉ tiêu, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu chọn ngành học của thí sinh, bởi tâm lý thí sinh vẫn “chuộng” khối ngành kinh tế, dịch vụ du lịch, kỹ thuật công nghệ”.

Nhiều giải pháp “hút” thí sinh

Theo lãnh đạo các trường, việc tăng chỉ tiêu, mở các ngành học mới dựa trên nguồn lực hiện có và nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương, nhất là khu vực ĐBSCL. Vì thế, trước khi mở mới mã ngành, trường tổ chức các đợt khảo sát nhu cầu thực tế xã hội, nhằm thu hút thí sinh. Thế nhưng, thực tế cho thấy, một bộ phận thí sinh vẫn còn tâm lý khoa bảng, chỉ chọn học CĐ, TCCN khi không đủ khả năng vào đại học. Vì thế, lãnh đạo các trường cho rằng, nếu như các trường không đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, con người và chưa tạo nên “thương hiệu” sẽ khó lòng “hút” thí sinh. Theo bà Trần Thị Thanh Bình, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên và sự ủng hộ của các cơ quan hữu quan là 3 yếu tố quan trọng của cơ sở đào tạo. Tuy mới đi vào hoạt động vài năm nay nhưng trường nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Trường đã đầu tư khoảng 2 tỉ đồng để trang bị các phòng thí nghiệm, thực hành...

Tương tự, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ không chỉ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị thực hành phục vụ giảng dạy, cán bộ nhà trường còn cập nhật, bổ sung thêm để chương trình đào tạo CĐ, TCCN sát với thực tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của nhà tuyển dụng. Đồng thời, cải tiến phương pháp giảng dạy thông qua các đợt tổ chức thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Cùng với thư viện điện tử, nhà thi đấu đa năng, phòng lab…, trường đã trang bị đầy đủ các phòng thí nghiệm phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chính trị, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Trường hiện có trên 50 giảng viên dạy giỏi các cấp, 6 tiến sĩ, 82 thạc sĩ”.

Hằng năm, Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ dành khoảng kinh phí đáng kể để đầu tư, bổ sung mới trang thiết bị thực hành phục vụ công tác dạy và học. Ngoài ra, trường tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo ở các ngành sát với nhu cầu thực tế địa phương; đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế. Thời gian qua, trường đặt quan hệ hợp tác với Tổ chức KWT (Hà Lan), chuyên gia Hà Lan hỗ trợ trường rất nhiều trong việc xây dựng chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy… Tùy theo ngành học, trường tăng cường trang bị kỹ năng thực hành để sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể ứng dụng tốt vào công việc.

Những mùa tuyển sinh gần đây, tâm lý phải vào đại học của thí sinh đã có sự chuyển biến; đại học cũng không phải là con đường duy nhất để thí sinh lựa chọn. Song, theo các nhà quản lý giáo dục, vẫn còn không ít thí sinh chỉ chọn học CĐ, TCCN, nghề khi không còn hy vọng vào đại học. Do vậy, ngoài việc các trường nỗ lực đầu tư, cần có sự quan tâm hơn nữa từ cơ quan chủ quản, có cơ chế chính sách đối với bậc học TCCN, dạy nghề để thu hút thí sinh, nhất là giúp các trường có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông.

Bài, ảnh: B.Kiên

 

Chia sẻ bài viết