|
Mặt tiền sông của Trung tâm Thương mại Trái cây quốc gia tại Cái Bè, Tiền Giang luôn vắng vẻ. Ảnh: NHẬT CHÁNH |
Chợ đầu mối (CĐM) nông sản và hệ thống phân phối hàng hóa được xem là một giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết vấn đề bảo quản, lưu thông và đầu ra hàng nông sản cho nhà nông. Nhưng hiện nay việc phát triển các CĐM và hệ thống phân phối hàng hóa nói chung ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn chậm và nhiều bất cập, nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Đáng chú ý , một số CĐM sau khi được xây dựng xong đưa vào hoạt động lại chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, gây lãng phí. Vì vậy, vấn đề đặt ra là các tỉnh, thành trong vùng cần có giải pháp để khắc phục những bất cập, tránh đi vào “ vết xe đỗ”!
CHỢ ĐẦU MỐI... VẮNG KHÁCH
Việc đầu tư xây dựng CĐM nông sản ở ĐBSCL với mục tiêu gắn kết mô hình liên kết 4 nhà, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với cách mua bán hiện đại.
Ngày 6-3-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 223/QĐ-TTg về tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL và giao nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Nam phối hợp với UBND các tỉnh xây dựng thí điểm các chợ trung tâm nông sản. Trước mắt sẽ xây dựng ở các tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn, để giúp nông dân tiêu thụ lúa, gạo và thực hiện các dịch vụ tưới tiêu, tư vấn sản xuất... Căn cứ vào quyết định này, Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã xây dựng thí điểm 3 chợ đầu mối tại tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Theo thiết kế, tổng vốn đầu tư các Chợ Trung tâm nông sản Hậu Thạnh Đông (Long An), Chợ Trung tâm nông sản Phú Cường (Tiền Giang), Chợ Trung tâm nông sản Thanh Bình (Đồng Tháp) có tổng vốn đầu tư 64 tỉ đồng. Dự kiến sản lượng lúa hàng hóa tiêu thụ thông qua 3 chợ khoảng 249.000 tấn/năm. Cả 3 chợ trung tâm nông sản này đã đi vào hoạt động từ vụ lúa đông xuân 2004-2005.
Theo tính toán, 3 chợ trung tâm nông sản tại ĐBSCL hoạt động giống như sàn giao dịch hàng hóa, góp phần ổn định thị trường nông sản, đưa người nông dân tham gia vào thị trường, xóa bớt đầu mối trung gian và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia. Song, trên thực tế, các CĐM này chỉ đóng vai trò như một tiểu thương và phần lớn các dịch vụ trong chợ không hoạt động được. Hiện tại, có ý kiến cho rằng chưa thể đánh giá sự thành công hay thất bại của 3 chợ nông sản này, bởi chúng đang trong giai đoạn thí điểm (!)
Chợ Trung tâm nông sản Phú Cường, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang với tổng diện tích giai đoạn I gần 3 ha, hiện có 10 gian hàng kinh doanh giống lúa, phụ tùng xay xát gạo, thuốc BVTV. Theo một cán bộ của Công ty Lương thực Tiền Giang (đơn vị quản lý chợ), hiện tại các chủ gian hàng kinh doanh trong chợ không phải đóng tiền thuê mặt bằng, do kinh doanh chưa hiệu quả. Đây là mô hình còn mới lạ đối với nông dân, nên các hoạt động dịch vụ trong chợ thiếu đa dạng và chưa mở rộng được. Năm 2007, sản lượng mua bán thông qua chợ đạt 46.000 tấn gạo, 1.700 tấn lúa.
Còn Trung tâm trái cây quốc gia (TTTCQG), thuộc xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, chỉ lèo tèo vài tiểu thương và người mua. Còn nhớ năm 2005, TTTCQG khai trương khá nhộn nhịp với gian hàng mua bán trái cây và siêu thị bán hàng tiêu dùng. Nhưng sau 6 tháng kinh doanh không hiệu quả, lãnh đạo trung tâm quyết định cho siêu thị ngừng hoạt động. Hiện tại, Trung tâm còn khu chợ sỉ với khoảng 10 gian hàng, nhưng tiểu thương chỉ đóng gói hàng chuyên chở đi các tỉnh, thành và xuất khẩu đến hết vụ trái cây... rồi nghỉ! Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh dịch vụ TTTCQG (Sài Gòn Satra), than vãn: “Chúng tôi đang có dự án chuyển thành Trung tâm kinh doanh dịch vụ nông ngư nghiệp. Có lẽ, phải đổi tên, chứ để tên TTTCQG là không ổn, bởi bản thân nó đặt không đúng vị trí. Đã là chợ, phải gắn với vùng dân cư tập trung, thuận tiện cả giao thông thủy lẫn bộ và phù hợp tập quán sinh hoạt của người dân trong vùng. Hiện tại, khu chợ trái cây ở An Hữu khá sung túc, thu hút đông đảo nhà vườn, tiểu thương ở Cái Bè và tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp tụ hội về đây buôn bán mà không phải đóng thuế. Còn vào trung tâm phải chịu thuế, trong khi giao thông thủy lẫn bộ đều không đạt yêu cầu”. TTTCQG được giao về cho Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Sài Gòn Satra) từ năm 2005, với thời hạn khai thác là 49 năm. Theo ông Hùng, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư 36 tỉ đồng và Sài Gòn Satra cũng “rót” vào đây khoảng 32 tỉ đồng xây dựng hạ tầng trung tâm, nhưng 3 năm qua, công ty vẫn chưa thu được đồng vốn nào. Trong khi con rạch Ông Vẽ từ Trung tâm dẫn ra sông Tiền hiện đang bị phù sa bồi lắng, cạn dần. Nhiều lần Sài Gòn Satra đề nghị với tỉnh Tiền Giang tổ chức đấu thầu, nạo vét kênh để thuận tiện cho tiểu thương, nhà vườn vận chuyển trái cây, nhưng đã 3 năm trôi qua vẫn chưa có động tĩnh gì!
ĐIỀU KIỆN “CẦN VÀ ĐỦ” CHO CHỢ ĐẦU MỐI
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng: “Xây CĐM phải chọn đúng địa điểm, phải ở nơi có người mua, chứ không phải chỉ để có người bán. Bởi người bán có thể mời gọi nhiều thành phần kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia. Chợ phải đảm bảo hạ tầng hoàn chỉnh, riêng chợ mua bán trái cây phải có kho lạnh, nhà xử lý... nếu không thì không hoạt động được. Hàng hóa xuất từ chợ phải có xuất xứ rõ ràng, các CĐM hiện tại phải nâng cấp lên mới đạt yêu cầu. Riêng TP Cần Thơ là trung tâm của vùng, tôi nghĩ rằng thành phố nên có CĐM rau quả”. Còn ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Cần Thơ, lý giải: “Muốn xây dựng và phát triển các CĐM một cách hiệu quả và bền vững, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong vùng phải có sự phối hợp, tính toán và có quy hoạch vị trí xây các chợ sao cho hợp lý. Bố trí chợ giữa các tỉnh, thành phải có bán kính và phạm vi cách nhau phù hợp. Chứ còn mạnh ai nấy làm sẽ dẫn đến trùng lắp, dễ gây lãng phí. Mặt khác, phát triển các CĐM phải theo từng giai đoạn và nhu cầu phát triển, cũng như chợ phải có quy mô hoạt động phù hợp với thực tế và xu thế hiện đại”.
Ông Vương Đình Ngân, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, các CĐM có tầm quan trọng đối với tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ cho người sản xuất và kinh doanh, tạo nguồn hàng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu... Vùng ĐBSCL cần hình thành và phát triển mạng lưới các CĐM, chuyên doanh tạo kênh bán buôn lớn (hạng 1, hạng 2). Các chợ này được xây dựng tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ổn định và đủ lớn, có vị trí và điều kiện giao thông thuận tiện, hoặc ở ngoại vi các thành phố, thị xã, gần các trung tâm tiêu thụ, đầu mối xuất khẩu. Cụ thể như: CĐM gạo ở Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An; CĐM trái cây ở Tiền Giang, Đồng Tháp, CĐM thủy sản ở Bến Tre... Vốn đầu tư xây dựng các CĐM, chợ chuyên doanh bán buôn chủ yếu là vốn của các doanh nghiệp, thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, góp vốn hoặc thuê lô, thuê vựa trong chợ và ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trên thực tế cho thấy, hiện có những CĐM tại ĐBSCL đã và đang hoạt động có hiệu quả như: CĐM trái cây Vĩnh Kim, CĐM trái cây Đồng Tháp... Chợ trái cây Đồng Tháp ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh có diện tích 5,2 ha. Sau 2 năm đưa vào sử dụng, đến nay diện tích bố trí nhà vựa đã lấp đầy hộ đăng ký, hoạt động dịch vụ đang đi vào ổn định. Hiện chợ đã thu hút được 38 thương nhân đầu tư xây dựng được 50 nhà vựa mua bán trái cây. Năm 2007, sản lượng trái cây buôn bán thông qua chợ là 42.079 tấn. Trong đó, xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch khoảng 8.000 tấn, còn lại tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, miền Trung, một số tỉnh miền Bắc, Campuchia... Riêng đầu năm nay đến giữa tháng 4-2008, sản lượng trái cây bán buôn qua chợ là 21.500 tấn, và dự kiến đến cuối năm con số này có thể đạt 55.000-60.000 tấn.
Còn chợ trái cây Vĩnh Kim, có tổng diện tích hơn 3,2 ha đặt tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được xây dựng từ năm 2002, tổng vốn đầu tư gần 16 tỉ đồng (giai đoạn I) và được xem là khu chợ khá sung túc với hoạt động mua bán trái cây của các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre. Ông Đoàn Hữu Hiếu, Trưởng ban Quản lý chợ huyện Châu Thành, cho biết: “Hiện tại, có 46 hộ kinh doanh thuê 59 căn nhà vựa trong chợ. Ngoài ra, còn cho 75 hộ vào cất vựa tạm để chờ bố trí cho giai đoạn II và còn trên 100 người mua bán sang tay ngay tại chợ (chỉ hoạt động buổi tối). Đây là chợ truyền thống lâu đời, phương tiện phần lớn là ghe xuồng. Hiện nay, hoạt động chợ đã quá tải, diện tích nhà vựa vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của chủ kinh doanh. Bình quân sản lượng trái cây tiêu thụ qua chợ trong ngày khoảng 140 tấn (vào ngày thường), còn thời vụ từ 300 đến 500 tấn/ngày. Sản lượng này tiêu thụ các tỉnh miền Đông, phía Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore...”.
THU HÀ - KHÁNH TRUNG