31/12/2008 - 08:06

TP Cần Thơ

Làm gì để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố danh sách xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2008, trong đó, TP Cần Thơ lại bị sụt 5 bậc so với năm 2007 (xếp thứ 22) và đứng ở tốp khá. Trong khi đó, một số địa phương điều kiện hạ tầng, vị trí địa lý ít được ưu đãi như: Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp... liên tục tăng hạng và đứng vào tốp tốt trên bảng xếp hạng. TP Cần Thơ làm gì để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, nhằm thu hút đầu tư phát triển kinh tế trong năm 2009?

LIÊN TỤC SỤT HẠNG

Năm 2005, VCCI công bố chỉ số PCI, trong đó TP Cần Thơ xếp thứ 9/42 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 3 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong các chỉ số thành phần như: tính minh bạch và trách nhiệm, chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân thì Cần Thơ trong tốp đầu khu vực. Năm 2006, TP Cần Thơ sụt 1 bậc so với năm 2005 xếp thứ 10/64 tỉnh, thành cả nước. Sang năm 2007, một số chỉ số thành phần có cải thiện nhưng vẫn không làm cho TP Cần Thơ tăng hạng và sụt tiếp 7 bậc (xếp thứ 17) trong PCI. Trong khi đó, một số địa phương như Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre tăng hạng do có sự cải thiện đáng kể ở những chỉ số thành phần.

Năm 2008, Cần Thơ đứng thứ 22 cả nước và thứ 8 của vùng ĐBSCL với 56,32 điểm. Một số địa phương trong khu vực vẫn giữ ổn định vị trí trên bảng xếp hạng và tăng bậc như: Vĩnh Long (thứ 4/64 tỉnh thành cả nước), An Giang (9/64), Đồng Tháp (5/64) và Cần Thơ xếp sau một số tỉnh ít điều kiện hạ tầng tốt như Cà Mau (18/64). So với năm 2007, một số chỉ số thành phần có tăng điểm như chi phí gia nhập thị trường (đạt 8,55 điểm và tăng 0,05 điểm), tiếp cận đất đai tăng 0,43 điểm (6,92), tính minh bạch và trách nhiệm tăng 0,46 điểm (6,41). Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay đang trong thời gian chờ nhận giấy tăng lên 85,06% (năm 2007 chỉ 77,38%). Đây là tín hiệu tích cực của địa phương trong thu hút đầu tư. Có đến 44,16% DN cho rằng, cách thức giải quyết về tranh chấp là công bằng (2007 chỉ 37,7%). Song, 3 chỉ số thành phần khác lại bị sụt giảm so với năm 2007 như: chi phí về thời gian và thực hiện các quy định của nhà nước đạt 5,72 điểm (giảm 1,02 điểm), chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân giảm 2,81 điểm (4,05), đào tạo lao động giảm 0,88 điểm (5,79). Đây là 3 chỉ số chiếm đến 40% trong bảng trọng số, nên sự sụt giảm của 3 chỉ số này kéo theo chỉ số chung giảm...

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ thu hút DN đầu tư vào thành phố (Trong ảnh: Lãnh đạo TP Cần Thơ lắng nghe ý kiến của DN để chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong bối cảnh lạm phát). 

Tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng Khoa Kinh tế- Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “DN chỉ quan tâm đến môi trường kinh doanh thuận lợi thì họ sẽ quyết định đầu tư, chứ không phải vì chỉ số PCI sụt giảm mà DN không đầu tư. Năm nay, Cần Thơ sụt 5 bậc, có nghĩa là môi trường kinh doanh kém hấp dẫn hơn một số địa phương khác trong vùng. Rõ ràng Cần Thơ đang giậm chân tại chỗ, trong khi các tỉnh khác trong khu vực đang tiến lên”.

Ở tỉnh Vĩnh Long, DN chỉ mất 48 ngày, tỉnh Đồng Tháp là 52,50 ngày là DN có mặt bằng sản xuất kinh doanh. Tại TP Cần Thơ, DN mất 75 ngày chờ đợi để có mặt bằng sản xuất kinh doanh (năm 2007 là 102,5 ngày), nhưng thời gian đăng ký kinh doanh tăng 2,25 ngày so với trước (lên 9,25 ngày). Chỉ 2,27% DN cho biết lãnh đạo thường xuyên tiếp xúc với DN để thảo luận về các thay đổi pháp luật và chính sách (năm 2007 là 4,13%) và 22,63% DN đánh giá chất lượng dịch vụ tư vấn do cơ quan của thành phố cung cấp về thông tin pháp luật tốt/rất tốt (2007 đến 53,57%), 23,4% DN phải dành 10% thời gian để giải quyết các công việc liên quan đến giấy tờ và thủ tục hành chính. Đến 49,62% DN cho biết cán bộ sử dụng các quy định riêng của địa phương để trục lợi (năm 2007 là 41,67%) và 13,53% DN bỏ ra tới hơn 10% doanh thu của đơn vị để trả các chi phí phát sinh thêm (năm 2007 chỉ 8,85%). Trong khi đó, đến 82,81% DN tỉnh Vĩnh Long cho rằng, lãnh đạo tỉnh này nắm vững các chính sách, quy định hiện hành để giải quyết vấn đề mà DN gặp phải trong khuôn khổ pháp luật; 76,42% DN đánh giá lãnh đạo tỉnh sáng tạo và nhạy bén trong giải quyết vấn đề của DN; 46,28% DN hài lòng với chất lượng dịch vụ đào tạo nghề cho người lao động do cơ quan nhà nước thực hiện; 41,18% DN hài lòng với chất lượng chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp cho DN vừa và nhỏ. Những con số này lần lượt trong bảng khảo sát của TP Cần Thơ là: 63,50%; 54,20% và 20,59%- 18,42%.

Tiến sĩ Mai Văn Nam cho rằng, việc cải cách hành chính (CCHC) của Cần Thơ đã tốt hơn rất nhiều so với trước, nhưng vẫn còn ở dạng cơ học, chỉ mới tập trung CCHC từ nhiều chỗ về một chỗ. Còn việc đào tạo lao động, Cần Thơ có viện, trường đóng trên địa bàn là lợi thế rất lớn so với các địa phương khác, nhưng chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ trong khâu đào tạo. Hiện tại, một số cơ sở đào tạo nghề chỉ đào tạo những gì mình có mà không khảo sát DN cần gì. Thêm vào đó, chính sách phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều thủ tục rườm rà, chồng chéo...

CẢI THIỆN HÌNH ẢNH: CÁCH NÀO?

Phát biểu tại Lễ công bố chỉ số PCI, tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, nói: “Chúng ta đang kỳ vọng các DN ở địa phương nỗ lực hơn nữa để phát triển. Nếu từ bây giờ không có chính sách và cải cách cụ thể thì đến đầu năm 2009 có thể dẫn đến những diễn biến xấu hơn. Ví dụ như tỉnh Bạc Liêu có điều kiện tốt và chỉ số PCI cao trong hai năm trước (2006-2007), năm nay lại đi xuống, trong khi đó, PCI của tỉnh Cà Mau đi lên. Vì vậy, nếu lãnh đạo địa phương duy trì tính nhất quán và có nhiều chính sách cải cách và luôn đẩy mạnh cải cách thì sẽ đổi mới và có bước phát triển như Cà Mau, còn ngược lại sẽ bị sụt hạng”. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng cho biết, sắp tới VCCI sẽ nỗ lực giúp các địa phương có những chính sách cải cách và phát triển.

TP Cần Thơ xác định năm 2009 là năm tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, chú trọng các giải pháp tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 16% trở lên; trong đó, nông nghiệp- thủy sản tăng 3-3,5%, công nghiệp- xây dựng 20,5-21%, dịch vụ 16-16,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp- thương mại dịch vụ, cụ thể: tỷ trọng nông- thủy sản 15,07%; công nghiệp- xây dựng 40,66%; TM-DV 44,28%. Giá trị sản xuất: nông- thủy sản tăng 3,5-4%, công nghiệp- xây dựng 22-22,5%; thương mại- dịch vụ 16,5-17%.

Tuy nhiên, tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng Khoa Kinh tế- Quản trị kinh doanh Trường Đại học Cần Thơ, lưu ý: “Nếu Cần Thơ không cải thiện môi trường kinh doanh sẽ còn sụt hạng trong năm 2009. So với Đồng Tháp, Vĩnh Long thì Cần Thơ chưa nhạy bén trong việc đưa ra những chính sách thu hút DN đến thành phố đầu tư. Tình trạng trông chờ nhà đầu tư mà không có sự chủ động để mời gọi sẽ không ổn. DN quyết định đầu tư, điều mà họ quan tâm là môi trường kinh doanh và đầu ra, chứ không phải thành phố trực thuộc Trung ương hay tỉnh”. Muốn cải thiện hình ảnh, TP Cần Thơ phải có đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia tư vấn giỏi để giúp cho thành phố có những chính sách phát triển phù hợp theo lộ trình cam kết gia nhập WTO. Mặt khác, việc cải cách hành chính phải bắt đầu từ cải cách bộ máy, đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp làm công tác này và ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả. Rà soát lại chính sách phát triển của thành phố, mạnh dạn loại bỏ những cái không phù hợp, bổ sung cái mới. Chú trọng sự phối hợp với viện, trường trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố và DN...

Cần Thơ định hướng phát triển đến năm 2015, tăng dần tỷ trọng công nghiệp- thương mại dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Theo tiến sĩ Mai Văn Nam, phát triển công nghiệp tách khỏi nông nghiệp là không ổn. Bởi Cần Thơ vẫn là thành phố nông nghiệp chiếm đến 54%, do đó phát triển công nghiệp trên nền nông nghiệp và phải là nông nghiệp chất lượng cao thì mới phù hợp. Mặt khác, xác định phát triển nông nghiệp phục vụ cho công nghiệp- thương mại- dịch vụ và ngược lại, rồi dần dần giảm tỷ trọng nông nghiệp, chú trọng công nghiệp công nghệ cao, sạch, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng... và phát triển không phải cho Cần Thơ mà cho cả vùng. Vai trò của Cần Thơ là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, mà kinh tế ĐBSCL chính là nông nghiệp!

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết