09/07/2022 - 15:26

Kỳ vọng thị trường vốn tín dụng khởi sắc 

Trong quý III-2022, với đà phục hồi kinh tế đang cải thiện tốt hơn, có đến 72,5-80,7% tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn. Đây cũng là kỳ vọng của các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp (DN)… trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh rất cần nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

Các ngân hàng kỳ vọng kinh doanh năm 2022 tốt hơn năm 2021. Ảnh: T.H

Lạc quan về xu hướng kinh doanh

Vụ Dự báo, thống kê - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý III-2022. Có đến 96% TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia trả lời của NHNN. Với những nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh, thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ lãi suất, thuế,… các doanh nghiệp đã vững tin triển khai kế hoạch hoạt động năm của đơn vị, góp phần thúc đẩy thị trường vốn ngân hàng sôi động hơn.  

Theo nhận định của các TCTD, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II-2022 tiếp tục có sự “cải thiện” tốt hơn so với quý I. Có tới 72,5-80,7% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý III và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với kỳ điều tra liền trước của NHNN.  

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng cũng được các TCTD đánh giá ở mức khá cao, cải thiện mạnh hơn so với các quý trước. Nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ đều được nhận định cải thiện mạnh. Theo đó, các TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng tiếp tục “tăng” trong quý III và cả năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Với cam kết đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, các TCTD ngoài đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN còn đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm phí dịch vụ để tạo điều kiện tốt hơn cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Quý II, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt” và được các TCTD đánh giá cải thiện so với thời điểm cuối quý I đối với cả VNĐ và ngoại tệ. Dự kiến quý III, thanh khoản “cải thiện” ở mức độ cao hơn quý II. Dự báo cả năm 2022, tình hình thanh khoản được kỳ vọng tiếp tục “cải thiện” so với năm 2021 cả VNĐ và ngoại tệ.

Theo Vụ Dự báo, thống kê, các TCTD đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh trong quý II có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với quý I. Trong quý III, có 54,6% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tiếp tục “tăng nhẹ” so với quý II và 38,9% TCTD kỳ vọng “không đổi”, chỉ 6,5% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ. Trong năm 2022, 87,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2021, nhưng vẫn có 8,5% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 (tăng so với tỷ lệ 5,8% TCTD dự kiến tại kỳ điều tra tháng 3-2022) và 3,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Trong bối cảnh áp lực lạm phát và xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương tại nhiều quốc gia trên thế giới, NHNN tiếp tục giữ nguyên các lãi suất điều hành cơ bản để hỗ trợ các TCTD đẩy vốn ra thị trường. Theo dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay và huy động có thể tăng nhẹ trong quý III và năm 2022, nhưng chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đang được các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai được kỳ vọng làm dịu bớt khó khăn cho DN.

DN mong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn. Trong ảnh: gia công sản phẩm may mặc xuất khẩu tại công ty CP May Meko, TP Cần Thơ. Ảnh: T.H 

Kỳ vọng gói hỗ trợ lãi suất 2%

Kết quả điều tra về kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2022 của Vụ Dự báo, thống kê cũng ghi nhận, các TCTD nhận định huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4,9% trong quý III và tăng 11,5% trong năm 2022. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,1% trong quý III và tăng 15% trong năm 2022.

Theo báo cáo của NHNN, đến ngày 30-6-2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỉ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỉ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%). Các TCTD tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Song song đó, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ lũy kế đạt 709.038 tỉ đồng, tổng số tiền miễn, giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến nay đạt trên 50.000 tỉ đồng.

Thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất cho khách hàng cũng đồng thời gia tăng áp lực rủi ro lên hệ thống ngân hàng. Theo nhận định của các TCTD, quý II mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng về cơ bản là ổn định nhưng vẫn ở mức “khá cao”. Tuy nhiên, các TCTD kỳ vọng rủi ro có chiều hướng giảm trong quý III, với các nhóm khách hàng là cá nhân, DN nhà nước, DN nhỏ và vừa. Trong khi nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài, công ty cổ phần, công ty TNHH, DNTN vẫn chưa thiết lập được xu hướng giảm rủi ro. Dù vậy, các TCTD vẫn dự báo mặt bằng rủi ro năm 2022 sẽ giảm so với năm 2021.

Mới đây, Thống đốc NHNN đã triển khai hội nghị trực tuyến thực hiện Nghị định Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư 03/2022/TT-NHNN để hướng dẫn NHTM thực hiện Nghị định 31. Theo đó, các NHTM đã xác định việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành. NHNN đã kịp thời, chủ động theo thẩm quyền xem xét, phân bổ lại hạn mức cho các NHTM để tổng số vốn kế hoạch nằm trong mức vốn 40.000 tỉ đồng được giao trong 2 năm 2022-2023.

Để hỗ trợ các NHTM sớm triển khai chính sách, NHNN đã có văn bản 4593/NHNN-TD ngày 5-7-2022 trả lời, giải đáp các vấn đề thuộc phạm vi, chức năng quản lý của NHNN về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc, điều kiện, thời hạn, phương thức hỗ trợ lãi suất, thực hiện dự toán, quyết toán, thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất, quản lý hạn mức hỗ trợ lãi suất... Với những nỗ lực này, kỳ vọng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% sẽ đạt mục tiêu đề ra, góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí vốn cho DN, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã và thúc đẩy phát triển kinh tế.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết