05/11/2023 - 13:42

Kỳ vọng thị trường phục hồi, tăng tốc quý cuối năm 

Bài, ảnh: GIA BẢO

Quý III-2023, xuất nhập khẩu cải thiện đáng kể so với quý trước; nhất là lĩnh vực nông sản, dệt may, điện tử và vật liệu xây dựng. Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) làm thủ tục giải thể ở một số lĩnh vực trọng điểm chi phối tăng trưởng ngành sản xuất như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, vận tải kho bãi, sản xuất phân phối, điện, nước, ga… trong 10 tháng năm 2023 đã giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tuy vậy, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10-2023 vẫn dưới ngưỡng 50, nên ngành sản xuất vẫn trong vòng xoáy khó khăn.

Kiểm tra sản phẩm xuất khẩu tại Công ty CP May Meko Cần Thơ.

Kiểm tra sản phẩm xuất khẩu tại Công ty CP May Meko Cần Thơ. 

Thị trường phục hồi nhưng vẫn thấp điểm

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10-2023 tăng khoảng 5,5% so với tháng 9 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,6%... Số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tại thời điểm 1-10-2023 tăng 1% so với cùng thời điểm của tháng 9-2023. Bên cạnh đó, sản xuất và xuất khẩu phục hồi nhẹ trong quý III cũng phản ánh khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đã giảm bớt. Trong 10 tháng năm nay, tỷ lệ DN giải thể ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo giảm 11,1% (lĩnh vực chi phối toàn ngành công nghiệp), xây dựng giảm 23,6%, vận tải kho bãi giảm 0,2%, sản xuất phân phối, điện, nước ga giảm 30,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 10 diễn ra khá sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,62 tỉ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 10, xuất siêu khoảng 3 tỉ USD và có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD (chiếm tỷ trọng 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa). Tính chung 10 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 24,61 tỉ USD (cùng kỳ xuất siêu 9,56 tỉ USD).

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhận định, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,3% trong quý III-2023, do sản xuất công nghiệp dần phục hồi, phản ánh sự cải thiện trong xuất khẩu. Cải thiện rõ nhất ở sản phẩm gạo tăng 156% so cùng kỳ, dệt may tăng 121,7%, điện tử và máy tính tăng 110,7% so với quý III-2022. Kim ngạch nhập khẩu đang phục hồi nhanh hơn xuất khẩu, tín hiệu cho thấy các DN đang mong đợi mở rộng sản xuất hơn nữa.

Tuy nhiên, báo cáo của S&P Global tại Việt Nam công bố Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 10-2023 vẫn nằm trong vùng suy giảm - dưới ngưỡng 50 điểm và là tháng thứ 2 liên tiếp dưới ngưỡng 50 kể từ khi ở mốc 50,5 điểm vào tháng 8-2023. Theo S&P Global, dù số lượng đơn hàng mới tiếp tục tăng ở tháng thứ 3 liên tiếp (kể từ tháng 8) nhưng tốc độ chỉ tăng nhẹ và điều kiện này chưa đủ để khuyến khích các công ty mở rộng sản xuất, tăng sản lượng. Ðể đáp ứng đơn hàng, các nhà sản xuất đã sử dụng hàng tồn kho thành phẩm; đồng thời cũng lo ngại về chi phí đầu vào tăng đáng kể. Dù vậy, các nhà sản xuất vẫn giữ lạc quan về thị trường năm 2024.

Tận dụng cơ hội thị trường

Thực tế từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường xuất khẩu luôn đối mặt với khó khăn, thách thức, nhất là ngành dệt may, da giày… thị trường sụt giảm rất mạnh. Song, nhiều DN đã nỗ lực giữ vững các thị trường truyền thống bằng nội lực và cam kết uy tín của DN.

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP May Meko - Cần Thơ, cho hay: Năm 2023, công ty xuất khoảng 1 triệu sản phẩm may mặc. Lợi nhuận không bằng năm 2022, do giá gia công giảm nhưng vẫn giữ được sản lượng tương đương năm trước và công nhân có việc làm ổn định là điều đáng mừng. Mùa sản xuất cuối năm nay cũng hơi khó với sản phẩm cho đơn hàng thời trang xuân hè, do nguyên phụ liệu về chậm và mùa thu đông xuất sớm hơn 1 tháng so với năm trước. Nhưng hy vọng, tháng 12-2023, nguyên phụ liệu sẽ về nhiều để kịp các đơn hàng. Về dự báo đơn hàng năm 2024, đến thời điểm này, khách hàng đã chốt sơ bộ đơn khoảng 1 triệu sản phẩm.

Có thể thấy rằng, nhu cầu thị trường bên ngoài cải thiện trong 2 tháng qua, nhưng ở mức khiêm tốn, trong khi đó, nhu cầu trong nước tiếp tục trầm lắng, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, chứng tỏ niềm tin tiêu dùng vẫn yếu. Vì vậy, ngoài thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng, chính sách tài khóa cần đẩy nhanh nhằm thúc đẩy tiêu dùng tư nhân, hỗ trợ DN tăng tốc cuối năm. Về phía DN cũng cần tăng tái cấu trúc, định vị lại thị trường, đa dạng kênh bán hàng để nắm bắt các cơ hội xoay chiều trong khó khăn.

Theo các chuyên gia, ngoài vai trò thúc đẩy thực thi chính sách hỗ trợ DN vượt khó, cũng rất cần sự đồng hành của các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội DN. Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), cho biết: Thời gian qua, trong vai trò cầu nối, CBA đã kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức trong, ngoài nước nhằm hỗ trợ hội viên phát triển. Ðồng thời qua Chương trình Cà phê doanh nhân có sự tham dự của lãnh đạo TP Cần Thơ, các sở ban ngành, đoàn thể với trên 100 hội viên tham dự trên mỗi chương trình đã tạo thêm sự gắn kết giữa cơ quan nhà nước với DN; tranh thủ sự quan tâm, đồng hành và hỗ trợ từ lãnh đạo, sở ban ngành thành phố để giúp DN vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển nhiều hơn. CBA tham gia đồng hành và cũng như phối hợp tổ chức các chương trình kết nối kinh doanh với cộng đồng DN trong và ngoài thành phố cùng với VCCI Cần Thơ, Sở Công Thương và Hiệp hội tại ÐBSCL hỗ trợ DN tiếp cận và mở rộng thị trường, vượt qua khó khăn để ổn định, phát triển.

Chia sẻ bài viết