Thầy và trò Trường Tây Ðô - Nguyễn Việt Hồng thời kháng chiến chống Mỹ vừa có buổi họp mặt nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường (1964-2024). Những thầy giáo, cô giáo, học sinh từng gắn bó như ruột thịt, vượt qua bao khó khăn, bom đạn để dạy tốt, học tốt, nay đã tóc bạc da mồi, tay bắt mặt mừng ôn lại kỷ niệm xưa.
Cựu học sinh Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng tri ân thầy cô.
Tự hào truyền thống
Tại buổi họp mặt, thầy cô và học sinh của trường xúc động khi gặp lại thầy cũ, bạn xưa. Thầy, trò kể về thời gian cùng gắn bó dưới mái trường trong kháng chiến chống Mỹ, về những người thầy, người bạn đã anh dũng hy sinh. Từ những ký ức đó, diện mạo về một ngôi trường trong chiến tranh được phác họa...
Sau Ðồng khởi 1960, ở tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang), vùng nông thôn giải phóng ngày càng mở rộng. Nhu cầu học tập của con em nhân dân vùng nông thôn rất bức thiết, đặc biệt là con em cán bộ, bộ đội, gia đình chí cốt cách mạng và cán bộ, chiến sĩ trẻ. Ðồng chí Lư Văn Luận (Tư Thái), Ủy viên Ban Tuyên huấn, Trưởng Tiểu ban Giáo dục tỉnh Cần Thơ, đề xuất và được Tỉnh ủy đồng ý mở Trường Phổ thông nội trú cấp II, đóng tại huyện Long Mỹ. Ngày 20-7-1964, Trường phổ thông nội trú cấp II Tây Ðô (thường gọi Trường Tây Ðô) được thành lập và khai giảng khóa đầu tiên, do đồng chí Lư Văn Luận làm Hiệu trưởng. Ðồng chí Ngô Chi Lăng (tức Ba Lăng) cùng các thầy cô chuẩn bị tổ chức khai giảng.
Khóa đầu tiên, Trường Tây Ðô có 2 lớp 5 (lớp đầu cấp II hệ 10 năm) với 72 học sinh, tại vịnh Cả Mười, ấp 6, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Hậu Giang). Ðến năm 1966, Trường Tây Ðô hình thành 3 phân hiệu. Phân hiệu ở Long Mỹ có 4 lớp với 107 học sinh, do 10 giáo viên phụ trách. Phân hiệu ở huyện Ô Môn có 4 lớp với 97 học sinh, do 6 giáo viên phụ trách. Phân hiệu ở huyện Châu Thành - Phụng Hiệp có 5 lớp với 90 học sinh, do 6 giáo viên phụ trách.
Sau Xuân 1968, địch thực hiện chiến dịch “Bình định tràn ngập lãnh thổ” đổ quân đóng đồn bót dày đặc vùng nông thôn. Nhiều giáo viên trường Tây Ðô đã được điều động làm công tác khác: binh vận, địch vận, công tác nội thành, đi bộ đội, thanh niên xung phong... Nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ Tiểu ban Giáo dục lần lượt hy sinh. Sang năm 1969, Trường Tây Ðô phải tạm ngưng hoạt động.
Ðến năm 1972, với khí thế Mùa hè đỏ lửa, vùng giải phóng ở nông thôn mở rộng. Tiểu ban Giáo dục đề nghị và được Tỉnh ủy Cần Thơ đồng ý, thành lập lại loại Trường Nội trú Tây Ðô, đặt lại tên Trường Thanh, thiếu niên công nông Nguyễn Việt Hồng (thường gọi là Trường Nguyễn Việt Hồng). Tiểu ban Giáo dục bổ nhiệm đồng chí Lê Thành Nghiệp (Sáu Hiệp) làm Hiệu trưởng và đồng chí Nguyễn Văn Thái (Tám Thái) làm Phó Hiệu trưởng, với 11 cán bộ giáo viên và 90 học sinh. Trường có chi bộ, chi đoàn, trực thuộc Ðảng bộ Tiểu ban Giáo dục - Ban Tuyên huấn tỉnh Cần Thơ. Trường được tái lập và hoạt động với tinh thần kiện toàn, sáng tạo và quyết tâm đào tạo nguồn cán bộ trẻ, trung kiên, ưu tú, phục vụ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của cách mạng.
Bà Phạm Thị Ngọc Ánh, Trưởng Ban liên lạc Thầy trò Trường Tây Đô - Nguyễn Việt Hồng (thứ 2, từ trái qua) vui mừng gặp lại thầy cô, bạn bè. Bà Ánh từng là học sinh, sau là giáo viên của trường.
Sau ngày 30-4-1975, Trường Nguyễn Việt Hồng chuyển ra thị xã Vị Thanh và đến giữa năm 1976 thì sáp nhập vào Trường Bổ túc văn hóa Thanh thiếu niên công nông Vị Thanh. Ðến năm 1985, trường giải thể.
Theo Ban Liên lạc Thầy trò Trường Tây Ðô - Nguyễn Việt Hồng, thời chiến tranh, có lúc, có nơi chiến sự quá ác liệt nên học được ngày nào là mừng ngày đó. Kết thúc chương trình một lớp học được xem là thắng lợi. Trường Tây Ðô đã mở 10 lớp cấp I, trong đó có 3 lớp dạy theo chương trình bổ túc văn hóa cho giáo viên cấp I chưa toàn cấp; 13 lớp cấp II, trong đó có 1 lớp 7, với tổng số 450 học sinh. Trường Nguyễn Việt Hồng đã mở được 9 lớp cấp I và 1 lớp cấp II, với 200 học sinh. Sau khi trường Nguyễn Việt Hồng sáp nhập với Trường Bổ túc Thanh, thiếu niên công nông Vị Thanh, quy mô trường phát triển lớn hơn với 400 học sinh, 39 giáo viên.
Học văn hóa trong điều kiện chiến tranh, thầy và trò nỗ lực để đạt kết quả cao nhất có thể. Chương trình chính khóa giúp học sinh có kiến thức văn hóa cần thiết, có lý tưởng cách mạng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Tổ quốc cần. Chương trình ngoại khóa giúp hình thành kỹ năng sống, biết làm công tác vận động quần chúng, tạo hành trang cần thiết khi học sinh ra trường.
Theo số liệu chưa đầy đủ, có trên 120 học sinh và 5 giáo viên tham gia lực lượng vũ trang; 10 học sinh và 3 giáo viên đi Thanh niên xung phong miền Ðông; hơn 75 học sinh tham gia công tác cơ quan, ban, ngành tỉnh, Quân khu 9 và Trung ương; 9 học sinh và 2 giáo viên tham gia công tác nội thành Cần Thơ; nhiều học sinh đã trở thành cán bộ giáo viên huyện, xã và giáo viên kế tiếp của Trường Tây Ðô - Nguyễn Việt Hồng. Ðây là nguồn cán bộ lãnh đạo ưu tú của Ðảng và Nhà nước, sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước.
“Có máu thầy trò Trường Tây Đô”
Trong chiến tranh, thầy trò Trường Tây Ðô - Nguyễn Việt Hồng được trang bị súng để tự vệ và tham gia chiến đấu. Năm 1965, trong một trận chống càn, học sinh Dương Thanh Minh, học sinh lớp 5 Trường Tây Ðô, phân hiệu Long Mỹ đã bắn rơi 1 chiếc trực thăng. Năm 1966, học sinh Hoàng, ở phân hiệu Ô Môn, bắn rơi 1 máy bay trinh sát. Năm 1966, các học sinh lớp 5 phân hiệu Ô Môn đang gặt lúa tiếp dân ở Kinh Dậy, xã Trường Long, trực thăng địch bắn phá dọn bãi, đổ quân “Trận Bảy Ngàn”, thầy trò Trường Tây Ðô tổ chức chống trả và rút về căn cứ an toàn.
Hay vào năm 1973, các học sinh nam lớp 3 của Trường Nguyễn Việt Hồng phối hợp chiến sĩ Trường Quân chính và Trung đoàn Sông Hương chiến đấu bẻ gãy cuộc càn quy mô của bọn biệt kích Chi khu Long Mỹ. Ðặc biệt từ năm 1972-1975, thầy trò Trường Nguyễn Việt Hồng phối hợp lực lượng du kích địa phương ngăn chặn nhiều cuộc càn quét lấn chiếm vùng nông thôn. Lúc bấy giờ các học sinh xin được ra trường và một số học sinh đã “trốn học” đi theo bộ đội, trực tiếp chiến đấu, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Quá trình tham gia chiến đấu và công tác, có 8 thầy và hơn 80 học sinh đã anh dũng hy sinh.
Thầy Nguyễn Chi Lăng, tức thầy Ba Lăng, một trong những người thầy đầu tiên của Trường Tây Ðô, dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn nhớ câu chuyện khi thầy Tư Thái đề xuất với Tỉnh ủy xin mở trường nội trú cấp II thì đồng chí Phạm Trọng Yêm (Chín Công), Phó Bí thư Tỉnh ủy nêu những khó khăn: “Gạo, tiền lấy đâu ra nếu số lượng học sinh đông?”, “Tình hình chiến tranh ngày càng ác liệt liệu có đảm bảo an toàn không?” và một khó khăn nữa là “Tìm đâu ra giáo viên?”.
Tiểu ban Giáo dục đã thao thức tìm lời giải đáp. Cách khắc phục chính là muốn có gạo, tiền phải biết tin và dựa vào dân; muốn đảm bảo an toàn phải biết vận dụng chủ trương, nghị quyết như chia thành nhiều điểm trường lớp, học sinh tập trung trước khi khai giảng phải đào hầm tránh pháo…; muốn giải quyết tình trạng thiếu giáo viên phải biết khai thác nhiều nguồn, vận dụng nhiều phương thức như xin Bộ Giáo dục, liên hệ tiếp nhận từ các tổ chức, cơ sở nội thành, những trường hợp bị lộ, tiếp nhận từ các tỉnh bạn, vận động gia đình có người thân có trình độ văn hóa…
Niềm vui ngày họp mặt.
Thầy Ba Lăng kể, có khi trường bị bom cháy, chưa di dời đến điểm mới, phải ra vườn ngồi học bên cạnh hố công sự. Có lớp mượn nhà dân đi sơ tán để ở, mùa khô lấy rơm lót dưới đất trải ni lông lên nằm ngủ. Những hôm tình hình động, lớp không đi cải hoạt được, nên bữa cơm có “sườn kho tương” (tức dừa cứng cạy đem kho tương), hay canh đực (nước rau luộc nêm làm canh)…
Với quyết tâm chính trị cao, thầy và trò Trường Tây Ðô - Nguyễn Việt Hồng luôn dạy tốt, học tốt. Có người anh dũng hy sinh, có người học xong xung phong cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương… Thầy Ba Lăng đọc lại mấy câu thơ đầy xúc động của đồng chí Trương Văn Nhì, Trưởng Ban Giáo dục xã Vĩnh Viễn, người góp nhiều công sức vận động nhân dân xây dựng điểm Trường Tây Ðô: “Không sao quên được Trường Tây Ðô/ Cột cây mái lá trông thấy thô/ Nơi ấy ươm mầm bao hạt giống/ Rất đáng yêu, con cháu Bác Hồ/ Ðất nước cần em đi cầm súng/ Diệt Mỹ xâm lăng lũ hung nô/ Giải phóng quê nhà công lao đó/ Có máu thầy trò Trường Tây Ðô”.
Trong những học trò thầy Ba Lăng nhắc tên, có ông Huỳnh Quang Ðiệp, khi đó là học sinh phân hiệu Ô Môn, học xong lớp 4 và lớp 5 thì đi Thanh niên xung phong miền Ðông Nam Bộ. Tại buổi họp mặt, nghe lời kể của thầy, ông Huỳnh Quang Ðiệp, năm nay đã 74 tuổi, xúc động nhớ lại ông vào học Trường Tây Ðô năm 1964, khi mới 14 tuổi. Bài học đầu tiên là cách đào công sự, đào lỗ giấu tư trang, tập vở. Trong ký ức của ông vẫn vẹn nguyên hơn 3 tháng hành quân vượt lộ, băng sông từ miền Tây lên miền Ðông đất đỏ. Vừa tới vùng đất mới đã cầm súng chiến đấu. Thanh niên xung phong cùng bộ đội chủ lực chiến đấu ròng rã hơn 3 tháng mới giành được chiến thắng, bẻ gãy cuộc hành quân của Mỹ mùa khô 1966-1967. “Thắng trận rồi tôi mới chực nhớ chưa gởi lá thư nào về cho gia đình. Lấy lá thư đã viết trước đó, tôi ghi thêm mấy dòng: Con kể ba nghe ba ơi, chiến trường miền Ðông gian lao và ác nghiệt, nhưng ba yên tâm con không để phụ công ơn nuôi dưỡng, dạy dỗ của ba má và thầy cô đối với con đâu. Thắng xong giặc Mỹ con sẽ về!” - ông Huỳnh Quang Ðiệp nhớ lại.
Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH