19/01/2020 - 10:59

Kỷ nguyên streaming thay đổi ngành giải trí 

Netflix- đơn vị tiên phong trong ngành dịch vụ phát trực tuyến, đã chi đến 12 tỉ USD đầu tư nội dung trong năm 2019.

Dịch vụ phát trực tuyến khởi phát và gây chú ý từ thương hiệu Netflix. Năm 2007, khi Netflix bắt đầu phát trực tuyến phim và chương trình truyền hình trên kênh dịch vụ, đã gây ra những phản ứng trái chiều. Ủng hộ thì ít mà phản đối thì dày đặc. Nhưng cho đến nay, Netflix vẫn đứng vững và trở thành gã khổng lồ trong ngành giải trí với hơn 166 triệu thuê bao. Nhiều công ty vốn đứng bên lề, nay đã sẵn sàng nhảy vào địa hạt này. Theo Công ty nghiên cứu Parks Associates, chỉ riêng tại Mỹ, hiện đã có khoảng 271 dịch vụ trực tuyến phục vụ đa dạng sở thích của người dùng. Cụ thể, kênh Pongalo chuyên dành cho phim Mỹ Latinh, hay AeroCinema dành riêng cho phim tài liệu về hàng không, còn Shudder là kênh riêng cho những ai yêu thích thể loại kinh dị… Brett Sappington, chuyên gia nghiên cứu và phân tích cấp cao của Parks Associates, nói về cuộc cạnh tranh khởi phát từ dịch vụ phát trực tuyến: “Mọi chuyện chỉ mới bắt đầu”. Các ông lớn giải trí Disney, NBC Universal, WarnerMedia cũng không đứng yên, ngay cả những công ty công nghệ như Apple, Amazon cũng nhảy vào. Dịch vụ phát trực tuyến đang tạo ra cuộc đua khốc liệt mới trong ngành công nghiệp giải trí.

Disney Plus ra đời vào tháng 11-2019 với mức chi phí được cho là rẻ hơn Netflix, chỉ có 6,99 USD/tháng cho gói cơ bản. Kênh này hấp dẫn không chỉ là giá rẻ mà còn là nội dung phong phú. Không khó để trở thành thuê bao của Disney Plus và xem thỏa thích các phim thương hiệu của Disney, Pixar, Star Wars, Marvel… và kho phim hơn 7.500 tập thuộc các thể loại khác. Vì vậy chỉ sau vài tháng ra mắt, Disney Plus đã có hơn 10 triệu thuê bao đăng ký.

Tháng 5-2020, WarnerMedia sẽ ra mắt một kênh dịch vụ phát trực tuyến mang tên HBO Max (giá khoảng 14,99 USD/tháng), cung cấp hơn 10.000 giờ giải trí tức thời với hàng loạt nội dung hấp dẫn: phim của Warner Bros., phim tài liệu của CNN, thư viện phim của HBO… NBC Universal cũng không đứng yên khi nhanh chóng đưa dịch vụ phát trực tuyến Peacock đi vào hoạt động. Dịch vụ này cung cấp khoảng 15.000 giờ nội dung với hàng loạt phim thương hiệu: The Fast and the Furious, Despicable Me…

Sự cạnh tranh càng leo thang với sự tham gia của “ông lớn công nghệ” Apple, khi chính thức đưa Apple TV Plus vào hoạt động từ tháng 11-2019. Trong khi đó, Facebook, Snapchat, YouTube cũng không bỏ lỡ cuộc chơi này. Sự tấn công ồ ạt làm cho mô hình kinh doanh trong ngành công nghiệp giải trí Hollywood điêu đứng đủ kiểu.

Trước đây, nội dung (các sản phẩm phim, chương trình…) được thông qua một bên trung gian (các rạp, đơn vị phát hành, nhà đài…) mới đến tay người tiêu dùng. Nhưng với sự phát triển của dịch vụ phát trực tuyến thì nội dung đã đến thẳng người tiêu dùng. Do đó, các hãng phim hiện đang phát hành phim ở rạp ít hơn rất nhiều. Nhiều đơn vị lựa chọn bỏ hẳn luôn ở rạp để phát độc quyền trên kênh trực tuyến của mình. Cụ thể, WarnerMedia đã quyết định phát thẳng “Superintelligence” trên HBO Max thay vì ra rạp.

Vấn đề này đã gây ra nhiều sự thay đổi. Các nhà phân tích cho rằng, dịch vụ trực tuyến là nguyên do khiến đài cáp rơi vào khủng hoảng. Nhiều người dùng đã hủy đăng ký cáp truyền thống, thay vào đó lựa chọn đăng ký thuê bao trực tuyến. Tỷ lệ các thuê bao cáp đã giảm hơn 5,4 %. Vấn đề cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị truyền thống lớn như Disney hay NBC Universal. Khi kinh doanh đài cáp giảm, việc đàm phán các hợp đồng quảng cáo sẽ càng khó khăn hơn. Các nhà phân tích cho rằng, các kênh truyền hình cáp lớn, như: ESPN, Fox News, Bravo, HGTV sẽ không biến mất, nhưng những kênh có tỷ suất người xem thấp, như: BabyFist, Ovation, Viceland sẽ khó khăn hơn. Việc đào thải cũng đã bắt đầu, các kênh: Cloo, Esquire, Pivot… đã ngừng hoạt động.

Khi dịch vụ phát trực tuyến phát triển nhanh, ngay cả các công ty kinh doanh dịch vụ này cũng gặp không ít khó khăn. Để giữ khách hàng và cạnh tranh, Netflix không ngừng tăng chi phí cho nội dung. Năm 2019, Netflix đã phải chi đến 12 tỉ USD cho phần nội dung. Các đơn vị cũng bắt đầu săn đón các nhà sản xuất, biên kịch tài năng bằng những gói thù lao cao ngất. Netflix đã tốn không ít tiền để mang về những Kenya Barris, Ryan Murphy, Adam Sandler, David Benioff, D.B.Weiss... Còn WarnerMedia cũng chi mạnh tay để giữ Greg Berlanti, hay đạt thỏa thuận cùng J.J.Abrams. Brett Sappington, chuyên gia nghiên cứu và phân tích cấp cao của Parks Associates, nói: “Người ta đang vung tiền vào con người, ý tưởng, kịch bản ở mức độ chưa từng có ở Hollywood”.

Dịch vụ phát trực tuyến cần lượng lớn nội dung để thu hút người dùng và điều này khiến cho những người làm trong mảng giải trí ở Hollywood càng thêm bận rộn. Để giữ cho dây chuyền sản xuất nội dung chạy hết tốc lực, các công ty đang “siết” người lao động. Số liệu thống kê cho thấy có khoảng 495 phim nguyên bản được phát trong năm 2018, tăng đến 85% so với năm 2011. Nội dung đặt hàng từ các dịch vụ trực tuyến ngày càng tăng, người lao động trong ngành sản xuất phải làm việc với cường độ rất cao, nhất là các biên kịch luôn phải thay đổi, chuyển đổi công việc thường xuyên. Bởi lẽ, các đơn vị đặt hàng nhanh, thay đổi liên tục và hủy cũng rất nhanh.

BẢO LAM (Nytimes)

Chia sẻ bài viết