Chợ Gạo, tên chữ là “ Mễ Quán”, là trung tâm mua bán gạo và là một trong 4 chợ sung nhất của huyện khi xưa. Được biết, chợ do ông Trần Văn Ngoạn tạo lập tại làng Bình Phan, tổng Hòa Hảo từ thời Cảnh Hưng để mua bán gạo và các mặt hàng nông sản. Trong “Tự vị tiếng nói miền Nam”, tác giả Vương Hồng Sển có ghi: “Năm 1897, Chợ Gạo là một trong tổng số 26 ngôi chợ của Mỹ Tho”. Năm 1912, Pháp thành lập quận Chợ Gạo, cho đến năm 1939 thì Chợ Gạo trở thành một trong 5 quận trọng yếu của tỉnh Mỹ Tho.
Sau ngày hòa bình 30-4-1975, huyện Chợ Gạo thuộc tỉnh Tiền Giang. Huyện có ba con đường quan trọng đi qua, đó là quốc lộ 50, kinh Bảo Định và kinh xáng Chợ Gạo. Kinh Bảo Định là một con kinh được vua Gia Long đời thứ 8 cho dân đào để nối liền Mỹ Tho với sông Tiền. Khi đào xong, con kinh được đặt tên là Bảo Định Hà. Theo Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp, người Pháp đã sử dụng xáng múc để nạo vét lại kinh Bảo Định vào năm 1867, sau đó mới tiếp tục nạo vét, mở rộng kinh Bà Bèo và kinh Chợ Gạo nhằm mục đích giao thông và quân sự.
Kinh Chợ Gạo đầu tiên do nhân dân đào vào năm 1875, sâu 3 mét, rộng 20 mét. Đến năm 1913 kinh được chính quyền thực dân nạo vét và mở rộng bằng xáng múc. Pháp đặt tên kinh nầy là Canal Duperré. Kinh nối liền sông Tiền tại rạch Kỳ Hôn, cách Mỹ Tho 4 km với sông Vàm Cỏ Tây tại rạch Lá và chảy ngang qua địa phận huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) và huyện Châu Thành ( Long An), có bề dài tổng cộng 28,5 km.
Vào đầu thế kỷ 17, lưu dân người Việt từ Trung bộ đã đến Mỹ Tho và các vùng lân cận khai khẩn, trồng lúa đánh bắt cá tôm để sinh sống. Tuy gian nan vất vả nhưng đoàn người khai hoang đi đến đâu cũng gặp mưa thuận gió hòa, cá tôm hào sảng, phù sa màu mỡ nên kinh tế nông nghiệp phát triển rất nhanh. Đến cuối thế kỷ 17, Mỹ Tho đã trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất ở đồng bằng Nam bộ (Mỹ Tho đại phố). Lúc bấy giờ ngoài thương nhân người Việt còn có người Hoa, người Tây Dương, Nhật, Java... đến giao dịch mua bán bằng đường thủy và lần hồi họ mở rộng thương trường, tiến dần về các vùng nông nghiệp trù phú như Chợ Gạo, Cái Bè, Gò Công...
Thời kỳ khai hoang mở cỏi, việc đào kinh, mở lộ đều do nhân dân lao động cật lực từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, biến những vùng đất hoang hóa trở thành những mảnh ruộng phì nhiêu và vườn cây trĩu quả.
* * *
Ngay từ lúc kinh Chợ Gạo mới đào, đời sống của cư dân đã bắt đầu sung túc, náo nhiệt nhất là từ năm 1902, thương thuyền qua lại tấp nập. Công ty giang vận (Messageries Fluriales) cũng sắm tàu đưa khách chạy trên tuyến kinh nầy. Để tránh tai nạn và tránh sự chen lấn, giành giật, nhà cầm quyền đã đặt một đồn kiểm tra và một chiếc đò đưa khách qua sông, gọi là “bắc Chợ Gạo” (*).
 |
Ghe tàu lưu thông trên kênh xáng Chợ Gạo. |
Ngoài việc khai thác vùng đất hoang hóa, kinh Chợ Gạo còn cung cấp phù sa cho ruộng đồng, xổ phèn, giúp cho hàng ngàn hộ dân thoát nghèo. Hai bên bờ kinh dần dần mọc lên nhiều ngôi chợ, nhiều nhà máy sản xuất nước mắm, lại còn nuôi sống hàng ngàn thương lái, tiểu thương, trong đó ngày càng xuất hiện nhiều thương nhân thành đạt, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế nước nhà. Ông Huỳnh Văn Tân, nhà ở cạnh bên bờ kênh bồi hồi nhớ lại khoảng trước năm 1980, nhờ bám theo những chiếc ghe chài chở hàng để bán hàng xén mà gia đình mới khá lên và nuôi được con cái ăn học thành tài.
Cũng như kinh Xà No ở Hậu Giang, sau khi đào xong, dọc theo hai bên bờ kinh Chợ Gạo đã mở ra những bước phát triển mới không những về nông nghiệp mà còn thúc đẩy các ngành công, thương, và dịch vụ. Bà con nông dân huyện Chợ Gạo đã tỏ ra năng động, kịp thời nắm bắt được nền kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường nên đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và nhanh chóng chuyển đổi vật nuôi cây trồng cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Kinh Chợ Gạo còn mở ra một hệ thống kinh đào cùng với mạng lưới thủy lợi giúp cho nội đồng canh tác được quanh năm.
Từ khi hình thành đến nay, trải qua biết bao biến đổi thăng trầm, nhưng chợ Gạo lúc nào cũng sung túc, thịnh vượng và kinh Chợ Gạo vẫn giữ vai trò là con đường huyết mạch, ngày ngày tiếp sức cho các phương tiện vận chuyển nông sản và cát từ miền Tây đến TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước và từng là hợp điểm giao lưu kinh tế, văn hóa sôi động nhất giữa Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Ngược dòng thời gian, chúng ta được biết trước khi có chiếc tàu Tây, nhiều thương lái Việt Nam và Hoa kiều phải chịu bao vất vả gian truân mới vận chuyển được hàng hóa và lúa gạo. Ông Lư Văn Tròn, người gốc Hoa, hiện cư ngụ tại phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ còn nhớ: Khoảng trước năm 1954, ông thường theo cha là chủ ghe chài chở gạo lên Sài Gòn để bán. Hồi đó kinh Chợ Gạo xuồng ghe qua lại rất đông nhưng đa số đều dùng sào để chống, mỗi chuyến hàng phải mất trên 10 ngày.
Cụ Ba Xinh, người làm công cho chành Chánh Hưng tại Cái Răng, kể lại: Thời Pháp thuộc, hầu hết các thương lái đều có ghe lớn ghe nhỏ chèo chống đi khắp nơi để thu mua lúa. Mãi đến khi những chiếc tàu sắt, gọi xà-lúp (chaloupe) (**) xuất hiện, kéo theo một đoàn ghe chài, giúp cho việc vận chuyển nhanh chóng và dễ dàng, lúc đó các chành lúa và nhà máy xay mới sắm thêm hàng trăm ghe chài chở lúa gạo, tiến về Chợ Lớn mà chỉ có con đường độc đạo “kinh Chợ Gạo”.
* * *
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thị trấn Chợ Gạo nằm ở trung tâm huyện, phía Nam giáp với kinh Chợ Gạo, cũng là con đường “huyết mạch” đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, mỗi năm chuyển tải hàng chục triệu tấn gạo, nông sản thực phẩm, cát đá... từ miền Tây lên TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Trung bộ, đồng thời cũng chuyển ngược về miền Tây nhiều mặt hàng chủ lực như phân bón, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng... Vì là con đường thủy độc đạo, con đường “yết hầu” nối liền miền Tây với TP Hồ Chí Minh nên nhiều người còn gọi là “Con đường Đông Tây”.
Ngày nay, dòng kinh Chợ Gạo lúc nào cũng uốn lượn và oằn vai, trĩu nặng, ngày ngày cần mẫn, cưu mang và chở che cho hàng ngàn chiếc sà lan, tàu bè, ghe xuồng được thông thương. Do vậy, tuyến đường thủy độc đạo nầy đã trở nên quá tải, nhiều lúc bị ách tắc giao thông gây thiệt hại cho tàu thuyền, nhất là ở đoạn cầu Chợ Gạo quá hẹp và việc phân luồng, tuyến cũng còn nhiều bất cập. Theo ước tính, hiện nay vào những ngày cao điểm có tới hàng ngàn lượt phương tiện có trọng tải nặng qua lại, đa phần là sà lan. Do đó tai nạn xảy ra trên con kinh nầy cũng nhiều. Để khắc phục tình trạng ùn tắc, các ngành chức năng đã tiến hành nạo vét, làm bờ kè, xây dựng mới các đoạn bị sạt lở cho tàu bè qua lại dễ dàng và nhanh chóng, tuy nhiên nhiều đoạn kinh vẫn tiếp tục lở, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân đang sinh sống dọc theo các tuyến kinh, đông nhất là huyện Chợ Gạo.
Cục Đường thủy Việt Nam đã dự kiến nâng cấp, chống sạt lở, đồng thời mở rộng kinh Chợ Gạo từ năm 2010 nhưng cho đến nay vẫn còn bề bộn, hai bên bờ vẫn tiếp tục lở, có nơi lở sâu vô 15 mét.
Hiện nay, Tiền Giang đang “trải thảm” để thu hút các nhà đầu tư, trong đó huyện Chợ Gạo đang mở ra một thời kỳ phát triển rực rỡ. Nếu như kinh xáng Chợ Gạo sớm khắc phục tình trạng sạt lở, khoan thông thuyền Chợ Gạo được nâng cấp và mở rộng, chắc chắn Chợ Gạo nói riêng, Tiền Giang nói chung sẽ là nơi mang tất cả đặc trưng kinh tế của vùng châu thổ Cửu Long và từng bước sẽ tiến hành nhiều dự án phát triển với qui mô lớn, điển hình như dự án khu du lịch biển Tân Thành và làng du lịch Mê Công ở Cái Bè mang đậm nét truyền thống văn hóa dân gian Nam bộ. Với điều kiện thuận lợi về nhân lực, khí hậu, đất đai, môi trường và tính nhân văn đa dạng, đặc biệt là con đường huyết mạch kinh xáng Chợ Gạo ngày càng phát huy tác dụng, chắc chắn không bao lâu nữa, Tiền Giang sẽ vươn lên giàu đẹp, là một vùng đất lý tưởng cho du lịch xanh và là miền đất hứa của các nhà đầu tư.
Bài, ảnh: Hoài Phương
Tài liệu tham khảo:
1.-Đồng bằng sông Cửu Long Sơn Nam NXB An Tiêm 1970
2.-Nam bộ xưa và nay Nhiều tác giả - NXB TP. Hồ Chí Minh Tạp chí Xưa và nay 1999
3.-Tự vị tiếng nói miền Nam Vương Hồng Sển NXB Trẻ - 1999
4.-Bài viết “Chuyện xưa ở Đồng bằng sông Cửu Long” của Lê Thảo Nguyên.
5.-Gia Định thành thông chí Trịnh Hoài Đức NXB Tổng hợp Đồng Nai 2005
Ghi chú:
(*) Theo Vương Hồng Sển, sách đã dẫn.
(**) Theo “ Hậu Giang Ba Thắc NXB Trẻ - 2012 của Vương Hồng Sển.