04/02/2008 - 16:06

Kinh tế Việt Nam vững bước trên đường hội nhập

Sau một năm chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam từng bước thể hiện sự “trưởng thành” của một nền kinh tế năng động và hiệu quả. Sức ép cạnh tranh cũng như những biến động của thị trường toàn cầu bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nhưng đó cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định bản lĩnh của mình trên trường quốc tế. Nhiều chuyên gia nước ngoài nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ hơn trong giai đoạn 2010-2015, có thể qua mặt Thái Lan, Indonesia vào năm 2020 và sớm trở thành cường quốc hạng trung ở khu vực.

Vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt chảy vào Việt Nam

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (giữa) và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, TP Cần Thơ động thổ khởi công xây dựng Nhà máy giấy tại Hậu Giang. Ảnh: NHẬT CHÁNH

Một trong những lĩnh vực thể hiện rõ sự năng động của nền kinh tế nước ta là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh: 20,3 tỉ USD vốn FDI chảy vào Việt Nam năm 2007, vượt xa kế hoạch 13 tỉ USD. Quy mô các dự án đầu tư mới cũng lớn hơn, bình quân khoảng 8,5 triệu USD/dự án, cao hơn mức 6,7 triệu USD/dự án năm 2006.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cơ cấu vùng đầu tư được mở rộng đến nhiều tỉnh thành chứ không còn tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hay các tỉnh Đông Nam bộ. Khi những dự án có quy mô lên tới cả tỉ USD đầu tư vào các địa phương còn nhiều khó khăn, như Nhà máy giấy Lee & Man đặt tại Hậu Giang, thì có thể thấy rằng mọi nơi trên đất nước Việt Nam đều có thể trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Đó là kết quả của chủ trương đúng đắn về phân cấp dự án, giúp cho các địa phương chủ động mời gọi và quản lý hiệu quả hoạt động đầu tư nước ngoài. Không ngạc nhiên khi Công ty Kiểm toán và Tư vấn PriceWaterhouseCoopers (PwC) xếp Việt Nam đứng đầu trong số 20 nền kinh tế đang nổi lên về sức hấp dẫn đầu tư.

Về mặt đối tác, các nhà đầu tư châu Á đang chiếm giữ những vị trí đầu tại Việt Nam, nhưng tương lai sẽ có sự “đổi ngôi” nếu các doanh nghiệp Mỹ và một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) biến cam kết đầu tư thành dự án. Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Carlos Gutierrez cuối năm ngoái là cơ sở để các tập đoàn lớn của phương Tây đến với Việt Nam.

Thế nhưng, để có làn sóng FDI mới xuất hiện như dự báo còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị tiếp nhận của Việt Nam. Các thủ tục hành chính tuy được cải thiện nhưng vẫn còn rườm rà, làm cho các nhà đầu tư phải chờ đợi lâu. Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần nhắc nhở rằng: “Bây giờ chúng ta hấp thụ được bao nhiêu vốn đầu tư nước ngoài là phụ thuộc vào chính chúng ta, phải biến thời cơ thành dự án, thành công ăn, việc làm cho người lao động”.

Xuất khẩu tiếp tục khởi sắc

Năm qua, thành phố thực hiện được giá trị sản xuất công nghiệp trên 12.200 tỉ đồng, tăng trưởng 23,36% so với năm trước. Trong ảnh: Chế biến sản phẩm cá tra ,ba sa xuất khẩu ở Công Ty TNHH thủy sản Bình An (khu công nghiệp Trà Nóc II, TP Cần Thơ). Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Có thể khẳng định rằng xuất khẩu đang có những bước tiến vững chắc với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trên dưới 20%. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 49 tỉ USD, tăng từ mức 39,8 tỉ USD năm 2006. Đây là mức tăng trưởng rất đáng khích lệ trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động. Trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với kim ngạch xuất khẩu 7,8 tỉ USD, hàng dệt may đang theo sát nút và từng có thời điểm vượt qua dầu thô (8 tỉ USD). Điều này phản ánh xu thế các mặt hàng chế tạo, chế biến, gia công đang dần vươn lên thay thế vị trí của nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, xu hướng giá các loại thực phẩm thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao đang tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông thủy sản nâng cao giá trị xuất khẩu. Ví dụ như giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bình quân đạt 293 USD/tấn năm 2007, tăng 42 USD so với năm 2006, sánh ngang và thậm chí có lúc vượt gạo Thái Lan.

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả nước sẽ đạt 58 tỉ USD trong năm nay. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng hoàn toàn nằm trong tầm tay sau khi đã có 9 mặt hàng xuất khẩu gia nhập câu lạc bộ 1 tỉ USD năm qua gồm: dầu thô, dệt may, giày dép, thủy sản, sản phẩm gỗ, điện tử - linh kiện máy tính, cà phê, gạo và cao su. Trong khi đó, với việc gia nhập WTO, thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng mở rộng. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 1 phần 5 hàng xuất khẩu của Việt Nam, kế đó là EU, ASEAN và Nhật Bản. Chủ tịch EC Manuel Barroso trong chuyến thăm Việt Nam hồi hạ tuần tháng 11-2007 cho biết EU sẽ sớm bỏ thuế chống phá giá một số mặt hàng như giày da, đèn neon và xe đạp, đồng thời không tiến hành bất kỳ cuộc điều tra chống bán phá giá mới nào đối với hàng hóa Việt Nam.

Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh nhưng nhập khẩu cũng tăng rất cao, dẫn đến nhập siêu lên tới hơn 12,45 tỉ USD năm 2007, chiếm 17,5% GDP, và thâm hụt tài khoản vãng lai 3% GDP. Viễn cảnh xuất khẩu của Việt Nam rất khả quan, nhưng các chuyên gia cảnh báo thị trường sẽ không ổn định nếu các doanh nghiệp không xây dựng một kế hoạch phát triển và tạo dựng thương hiệu đáng tin cậy trên trường quốc tế. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn thấp do hiệu quả đầu tư kém. Giá nông sản trên thị trường thế giới tăng có lợi cho xuất khẩu, nhưng đồng thời dẫn đến hệ lụy là giá tiêu dùng trong nước cũng leo thang. Năm ngoái chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tới 8,3% gần bằng mức tăng trưởng GDP 8,44%.

Tiến ra “biển lớn”

Siêu thị Co.op Mart Cần Thơ thuộc hệ thống Saigon Co.op, một trong 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á. Ảnh: N. C

Doanh nhân Việt Nam được đánh giá là năng động và có hoài bão, nhưng từ khi thực hiện công cuộc “Đổi mới” cho đến nay chưa có doanh nghiệp nào đạt quy mô tầm cỡ thế giới. Thế nên việc 3 công ty Việt Nam lọt vào danh sách 500 công ty bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Tạp chí kinh doanh bán lẻ châu Á bình chọn năm 2007 là sự kiện đáng trân trọng. Saigon Co.op, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và Trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim được xem như những “người tiên phong” trong xu hướng doanh nhân Việt Nam sánh vai với thế giới. Đó là những doanh nghiệp thành công từ nền tảng trong nước, một thị trường bán lẻ đầy hứa hẹn với doanh thu năm 2007 ước đạt 42,5 tỉ USD, xếp thứ 4 thế giới về sức hấp dẫn sau Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Hòa cùng xu hướng phát triển chung của thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang vươn ra bên ngoài. Nếu như những tập đoàn lớn của Trung Quốc và Ấn Độ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, thì Việt Nam cũng có dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở Iraq và Venezuela. Các doanh nghiệp Việt Nam còn tận dụng sự gần gũi về địa lý và văn hóa để đến làm ăn ở các thị trường láng giềng như Trung Quốc, Hồng Công, Lào, Campuchia và các nước ASEAN khác... Năm ngoái, đoàn doanh nghiệp gồm các công ty hàng đầu như Tổng công ty dầu khí, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển... thực hiện chuyến đi tìm hiểu thị trường Lào và cam kết đầu tư vào 13 dự án với tổng vốn lên tới 3,5 tỉ USD. Nếu các dự án này được thực thi, Việt Nam sẽ cải thiện vị trí nhà đầu tư lớn thứ ba hiện nay tại đất nước Triệu Voi. Tính đến nay, Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trên 200 dự án ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn thực hiện hơn 1 tỉ USD.

* * *

Từ những thành tựu đạt được, Chính phủ quyết định sẽ hoàn thành sớm hơn 1 năm mục tiêu đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Điều đó có nghĩa là thu nhập bình quân đầu người của nước ta năm 2009 phải đạt khoảng 1.100 USD từ mức 835 USD năm 2007. Tỷ lệ hộ nghèo từ 14,7% năm ngoái giảm xuống còn 11-12% năm tới. Để đạt được kỳ vọng đó, Chính phủ tính toán rằng nếu mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tiếp tục tăng 8,5-9% trong năm nay thì các chỉ số trên hoàn toàn khả thi cho năm 2009. Trước mắt, mục tiêu của Việt Nam trong năm 2008 này là trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người 960 USD (theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới, nước có thu nhập thấp có GDP bình quân đầu người dưới 875 USD). Một tín hiệu lạc quan cho khả năng hoàn thành mục tiêu trên là sự chuyển dịch quan trọng trong cơ cấu kinh tế khi khu vực dịch vụ bắt đầu tăng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP trong năm 2007.

Chập chững những bước đầu tiên trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, nhìn lại chặng đường hơn 20 năm đổi mới, sự phát triển của Việt Nam có thể nói là điều kỳ diệu. Nhân chuyến thăm Việt Nam năm rồi, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick phải thốt lên: “Việt Nam luôn là câu chuyện phát triển thành công và hy vọng đây là kinh nghiệm tốt cho các nước khác”.

N.MINH

Chia sẻ bài viết