23/01/2009 - 14:31

Kinh tế Việt Nam trước cơn bão lớn...

Nguyễn Minh

Kinh tế Việt Nam trải qua năm 2008 đầy sóng gió trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, việc thực hiện có hiệu quả 8 nhóm giải pháp lớn, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát với chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt, chúng ta đã từng bước ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ khởi công dự án khu liên hợp thép - cảng tại Hà Tĩnh.
Ảnh: hatinh.gov.vn

Mô hình khu đô thị VinaCapital Square (Đà Nẵng), dự án có vốn đầu tư nước ngoài 325 triệu USD.
Ảnh: danang.gov.vn

Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các sản phẩm từ dầu, Việt Nam đang thử nghiệm sử dụng xăng pha ethanol do Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) thuộc PetroVietnam, nhập về từ Brazil .
Ảnh: AFP

Nhà đầu tư lo lắng trước sự tụt dốc quá nhanh của thị trường chứng khoán năm 2008.
Ảnh: dautuchungkhoan.com

* Kinh tế thế giới chao đảo

Nửa cuối năm 2008, thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc “Đại suy thoái” những năm 1929-1933. Khủng hoảng bắt đầu từ Mỹ lan rộng ra khắp thế giới. Hàng loạt tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ như Lehman Brothers, Merrill Lynch, Bear Stearns, AIG, Fannie Mae, Freddie Mac... đồng loạt tuyên bố phá sản, bán một phần tài sản hoặc xin cứu trợ từ chính phủ. Nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm “có máu mặt” của châu Âu cũng phải dựa vào nguồn vốn nhà nước để tồn tại, như ngân hàng lớn nhất nước Bỉ Fortis, tập đoàn cho vay bất động sản lớn thứ hai của Đức Hypo Real Estate, ngân hàng lớn thứ ba ở Iceland Glitnir Bank, công ty bảo hiểm Aegon của Hà Lan... Châu Á tuy ít bị ảnh hưởng hơn nhưng hãng bảo hiểm Yamato có lịch sử gần 100 năm của Nhật cũng bị phá sản. Một số quốc gia như Iceland, Hungary, Ukraina, Pakistan... hoặc tuyên bố vỡ nợ hoặc đứng bên bờ vực phá sản và phải cầu cứu các nước có dự trữ ngoại hối dồi dào cũng như các định chế tài chính quốc tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Trung ương các nước Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc... đã phải bơm nhiều ngàn tỉ USD để cứu hệ thống tài chính toàn cầu khỏi sụp đổ. Tuy vậy, nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, Đức, Italia... vẫn rơi vào suy thoái.

Tác động của “cơn bão tài chính” trở nên khủng khiếp hơn bởi nó diễn ra trong khi kinh tế thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng vì “cơn sốt giá” các mặt hàng thiết yếu vài tháng trước đó. Giá dầu thô trên thế giới vào tháng 7 lên tới 147,24 USD/thùng, cao nhất trong lịch sử. Tình trạng khan hiếm lương thực do nạn đầu cơ, mất mùa... cũng đẩy giá gạo lên cao, có khi tới 1.200 USD/tấn. Cùng với đó là giá vàng, giá USD biến động liên tục.

* Tác động đến Việt Nam

Hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, chúng ta không thể miễn nhiễm với những “cơn bão” hay “cơn sốt” như vậy. Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đối với Việt Nam có thể thấy rõ nhất qua sự hốt hoảng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Chỉ số VN Index năm 2008 có lúc “rơi tự do” xuống dưới ngưỡng 300 điểm, giảm khoảng 80% so với đỉnh điểm 1.174 điểm xác lập ngày 12-3-2007.

Kinh tế khó khăn đã khiến khoảng 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể tiếp tục hoạt động, 60% cắt giảm sản xuất và chỉ có 20% trụ vững. Trước tình hình đó, chính phủ buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2008 từ 8,5-9% xuống dưới 7%, và thực tế chỉ đạt 6,7%. Trong khi đó, dù Ngân hàng Nhà nước mạnh tay tăng lãi suất và chính phủ cắt giảm chi tiêu công nhưng tỷ lệ lạm phát cả năm vẫn lên tới 24%. Tình trạng thâm hụt thương mại cũng còn khá lớn, với giá trị nhập siêu khoảng 18 tỉ USD.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định cho nông sản, và nông dân, lực lượng chiếm gần 80% dân số Việt Nam, tiếp tục chịu nhiều thiệt thòi, rủi ro. Việc lúa chất đống hay cá đầy ao chờ thương lái nửa cuối năm ngoái là thực tế đáng lo ngại. Ngoài ra, việc hạ thuế nhập khẩu thịt theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà không cân nhắc đầy đủ tác động của nó cũng khiến hàng triệu hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm lâm vào cảnh lao đao. Những vấn đề này đặt ra đòi hỏi phải nhanh chóng cải tiến khả năng phân tích, dự báo và tầm nhìn bao quát của đội ngũ quản lý và tư vấn, vốn được cho là chưa bắt kịp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Lạm phát cao đã làm giảm thu nhập thực tế của người dân, xóa mất thành quả của những nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đặt ra nhiều thách thức về an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 còn tới 13,1%, không đạt mục tiêu 11-12%. Để làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và lạm phát đối với người nghèo, năm 2008 chính phủ đã phải chi ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho những người hưởng chính sách xã hội lên tới 19.800 tỉ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2008 tăng mạnh nhờ giá cao vào những tháng đầu năm.
Ảnh: argo.gov.vn

Khai thác dầu tại mỏ Bạch Hổ. Năm 2008, Việt Nam đưa vào khai thác 4 mỏ dầu mới, nâng cao kim ngạch xuất khẩu dầu thô.
Ảnh: mofahcm.gov.vn

Ngành da giày góp phần rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu.
Ảnh: AP

Thủy sản tiếp tục là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam .
Ảnh: baoanhdatmui.com

* Từng bước thích ứng

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2008 không phải hoàn toàn ảm đạm. Một trong những “gam màu sáng” đó là xuất khẩu. Khủng hoảng tài chính làm giảm sức tiêu dùng ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, cũng như chính sách thắt chặt tiền tệ trong nước khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, nhưng kim ngạch xuất khẩu cả năm vẫn đạt trên 63 tỉ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2007. “Câu lạc bộ tỉ đô” hiện đã có 10 “thành viên”, gồm dầu thô với 11 tỉ USD; dệt may 9,3 tỉ USD; giày dép 4 tỉ USD; thủy sản 4,2 tỉ USD; gạo 3 tỉ USD; sản phẩm gỗ 2,9 tỉ USD; điện tử và máy tính 2,7 tỉ USD; cà phê 2 tỉ USD; cao su 1,6 tỉ USD và than đá 1,5 tỉ USD.

Trong khi đó, thị trường bán lẻ Việt Nam thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, với đóng góp hơn 15% GDP hằng năm. Theo chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu năm 2008 của hãng nghiên cứu thị trường A.T. Kearney, Việt Nam đã qua mặt Ấn Độ, Trung Quốc và Nga trở thành thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trong số 30 thị trường mới nổi. Hiện các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như Metro (Đức), Casino (Pháp), Parkson (Malaysia)... đã có mặt ở Việt Nam, trong khi tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart (Mỹ) đang ngấp nghé vào. Khi thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn thì sức mua tăng của thị trường nội địa với 87 triệu người tiêu dùng có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam an tâm phần nào về đầu ra sản phẩm.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ về vốn đăng ký và tốc độ giải ngân. Tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm năm 2008 đạt hơn 60 tỉ USD, gấp 3 lần năm 2007. Đáng chú ý là các dự án FDI siêu lớn xuất hiện ngày càng nhiều. Chẳng hạn như dự án khu liên hợp thép ở Ninh Thuận với vốn đầu tư 9,8 tỉ USD, là liên doanh giữa tập đoàn Lion (Malaysia) và Vinashin (Việt Nam); dự án khu liên hợp thép - cảng tại Hà Tĩnh của tập đoàn Formosa (Đài Loan) có vốn đầu tư 7,8 tỉ USD; khu du lịch Hồ Tràm ở Bà Rịa - Vũng Tàu do Canada đầu tư với số vốn 4,2 tỉ USD... Theo báo cáo của công ty Tình báo kinh tế (EIU), môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện đáng kể sau khi gia nhập WTO, từ vị trí 71 giai đoạn 2004-2008, tăng lên thứ 65 giai đoạn 2009-2013 trong số 82 nền kinh tế được khảo sát.

Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới, các ngân hàng nước ngoài lại không ngần ngại đẩy mạnh đổ tiền vào thị trường tài chính nước ta. Mua cổ phần, liên doanh và sáp nhập với các ngân hàng Việt Nam trở thành xu hướng phổ biến của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm qua, Ngân hàng Société Générale (Pháp) đã mua 15% cổ phần của Ngân hàng Đông Nam Á (Seabank), HSBC (Anh) nâng tỷ lệ sở hữu trong Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) lên 20%, bốn nhà đầu tư nước ngoài (trong đó đứng đầu là Sumitomo Mitsui của Nhật Bản) mua 25% cổ phần trong Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)... Song song đó là làn sóng thành lập chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài với hai đại gia đi tiên phong là HSBC và Standard Chartered (Mỹ). Cuối tháng 10, một đoàn gồm lãnh đạo 60 tổ chức tài chính lớn của thế giới cũng đã đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào sự ổn định và tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

***

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó bình ổn trở lại vào năm 2009, nhiều chuyên gia cho rằng chưa thể lạc quan khi mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chỉ mới bắt đầu “chạm” tới Việt Nam. Trong khi đó, lạm phát tuy đã giảm vào những tháng cuối năm 2008 nhưng vẫn còn ở mức cao, nên việc thực hiện các chính sách tài chính - tiền tệ chưa thể chủ quan buông lỏng. Do đó, năm 2009 sẽ là thời điểm đầy thách thức đối với Việt Nam khi vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, thành công bước đầu trong việc đối phó với lạm phát và khủng hoảng tài chính thế giới của năm 2008 cho phép chúng ta tin tưởng rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2009 có thể sẽ đạt 6,5% và lạm phát được kiềm chế ở mức 15% như mục tiêu Chính phủ đề ra.

Chia sẻ bài viết