24/09/2022 - 12:00

Kinh tế số có thể đem lại sự tăng trưởng và đổi mới

(CT) - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2022. Theo đó, ADO đã hạ dự báo tăng trưởng khu vực châu Á từ 5,2% (dự báo của ADB vào tháng 4-2022) xuống mức 4,3% trong năm nay. Năm 2023, dự báo tăng trưởng kinh tế cũng được hạ từ 5,3% xuống 4,9%, trong khi dự báo lạm phát của khu vực đã được nâng lên.

Nguyên nhân hạ dự báo tăng trưởng do tác động của các căng thẳng Ukraina - Nga, lạm phát toàn cầu tăng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp… Việc tăng lãi suất của các nền kinh tế phát triển, kèm các rủi ro cũng tác động nghiêm trọng đến nhu cầu xuất khẩu của khu vực châu Á. Việc các nền kinh tế phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn dự kiến có thể dẫn đến bất ổn tài chính. ADB khuyến cáo, các nước châu Á đang phát triển cần phải tiếp tục cảnh giác trước những rủi ro toàn cầu và thực hiện các bước cần thiết để kiềm chế lạm phát.

ADB đã nâng dự báo lạm phát ở các nền kinh tế châu Á đang phát triển trong năm 2022 từ dự báo trước đó là 3,7% lên 4,5%. Dự báo cho năm 2023 được nâng từ 3,1% lên 4,0%. Trong khi lạm phát trong khu vực vẫn thấp hơn các khu vực khác thì sự gián đoạn nguồn cung tiếp tục đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu lên cao. Dù vậy, ADB vẫn giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023.

Ngoài ra, ADO 2022 có một chương chuyên đề "Khởi nghiệp trong Kỷ nguyên Kỹ thuật số" đã đưa ra nhận định, khởi nghiệp kỹ thuật số có thể đem lại sự tăng trưởng và đổi mới mạnh mẽ hơn cho khu vực châu Á; trong đó khu vực Ðông Nam Á khởi nghiệp ấn tượng nhất, số hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc khởi nghiệp của doanh nghiệp. Vì vậy, các nước cần tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số phát triển.

S.NGUYÊN

Chia sẻ bài viết