29/05/2022 - 11:00

"Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973"
Một tham khảo cho Việt Nam 

GS.TS Trần Văn Thọ vừa ra mắt sách “Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973” (NXB Phanbook, tháng 5-2022). Theo tác giả và nhiều chuyên gia kinh tế, đây là một công trình tham khảo cho mục tiêu phát triển của Việt Nam trong những năm tới.

 “Tôi viết cuốn sách Kinh tế Nhật Bản giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 này để cung cấp một tham khảo cho những bàn luận về mục tiêu năm 2045 của Việt Nam”, tác giả nhấn mạnh như vậy, ngay ở Lời nói đầu. Vì theo ông, gần đây, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước tiên tiến, thu nhập cao vào năm 2045. Trong khi đó, những đặc điểm về cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay rất giống với Nhật Bản vào giữa thập niên 1950, khi Nhật bắt đầu giai đoạn phát triển thần kỳ, trung bình 10% mỗi năm, kéo dài gần 20 năm.

Tác giả cũng nói rõ: “Dĩ nhiên bối cảnh quốc tế và nhiều điều kiện khởi đầu của Nhật Bản 50-60 năm trước không giống Việt Nam ngày nay nhưng có thể nói những yếu tố cơ bản làm nên sự thành công của phát triển kinh tế thì phổ quát trong mọi thời đại”.

Sách gồm chương Tổng luận “Nhật Bản theo kịp phương Tây: mô hình nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội” cùng hai phần phân tích tiếp theo (10 chương), “Kỳ tích phát triển hậu chiến Nhật Bản” và “Năng lực xã hội và kỳ tích phát triển”. Ngoài ra còn có phần ba, “Kinh tế Nhật Bản sau giai đoạn phát triển thần kỳ”.

Theo tác giả, về các lĩnh vực cụ thể, cuốn sách luận về tố chất của lãnh đạo chính trị, của quan chức, của doanh nghiệp, của trí thức… và kinh nghiệm về chiến lược hội nhập, chiến lược công nghiệp hóa, chính sách đào tạo nguồn nhân lực, du nhập và hấp thu công nghệ nước ngoài, quan hệ lành mạnh và hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp. Trong cuốn sách này, hai thuật ngữ xuyên suốt cuốn sách là “nhà nước kiến tạo phát triển” và “năng lực xã hội”.

Xin trích ý kiến của một số chuyên gia khi họ đọc cuốn sách này:

“Quả là một tập sách cần đọc cho hầu hết cán bộ lãnh đạo các cấp từ địa phương đến trung ương tại Việt Nam để có một nhận thức đầy đủ về một “nhà nước kiến tạo và phát triển”. Từ đó, soi lại tình hình kinh tế xã hội của ta hiện nay sẽ thấy cần phải sửa đổi những gì để có thể xây dựng nên một chiến lược phát triển cho Việt Nam trong 25-30 năm tới. Chí ít, chương Tổng luận của cuốn sách phải được đọc và hiểu để ứng dụng như bản cửu chương”. (Phan Chánh Dưỡng, nguyên thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt).

“Đây là một cuốn sách cực kỳ quan trọng, được biên soạn rất công phu, phản ánh kiến thức sâu và rộng của tác giả về cả lý thuyết lẫn thực hành của ngành kinh tế phát triển. Sách được đúc kết dựa trên các phân tích số lượng chặt chẽ và đem lại những kiến thức mới để hiểu quá trình Nhật Bản trở thành một cường quốc kinh tế. Những bài học được tác giả rút ra từ Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam trên con đường công nghiệp hóa và phát triển. Đặc biệt ấn tượng là kinh nghiệm Nhật Bản được tổng kết qua hai khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội”. (TS Đinh Trường Hinh, nguyên chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới).

“Cuốn sách trình bày rất sáng tỏ về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển của Nhật Bản và những yếu tố bảo đảm sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản trong giai đoạn 1955-1973. Do có nhiều điểm tương đồng về văn hóa Đông Bắc Á, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có nhiều khả năng sẽ phù hợp cho Việt Nam. Cải cách thể chế kinh tế theo mô hình này nên là định hướng chúng ta cần theo đuổi. (TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội).

GS.TS Trần Văn Thọ quê ở Quảng Nam. Năm 1968 ông sang Tokyo du học với học bổng của chính phủ Nhật Bản. Ông từng làm nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và giáo sư kinh tế tại Đại học Oberlin và Đại học Waseba (Tokyo). Ông cũng từng là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của hai thủ tướng Võ Văn Kiệt và Nguyễn Xuân Phúc. Hiện ông sống cùng gia đình ở Nhật Bản và vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

Huỳnh Kim

Chia sẻ bài viết