13/01/2008 - 21:17

Kiểng lá Bến Tre xuất ngoại

Nghề làm kiểng ở huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre nổi tiếng ĐBSCL với các loại bon sai, mai vàng và gần đây là kiểng lá giống ngoại nhập. Nếu như kiểng mai vàng Bến Tre từ hàng chục năm qua luôn tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường mỗi khi Tết đến, thì kiểng bon sai vẫn thăng trầm, kiểng lá sau 3-4 năm nổi đình nổi đám cũng rơi vào cảnh vắng khách hàng. Mới đây, khi được các công ty Hàn Quốc ký hợp đồng đặt hàng mua số lượng lớn, thị trường kiểng lá tại Bến Tre lại sôi động...

Cơ hội mới

Cây kiểng lá ngoại nhập ở Chợ Lách đa dạng, nhưng được trồng số lượng lớn phải kể đến cây kim phát tài. Giống kiểng này 8 năm trước đây đã tạo nên sự sôi động bất ngờ cho làng hoa kiểng Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách). Người đem giống kiểng này về Cái Mơn là chị Nguyễn Thị Nguyệt Thu (Út Thu) ở xã Vĩnh Thành. Vào những năm 2000–2003, chị Út Thu được biết đến như “nữ hoàng” kiểng lá với vài chục ngàn bụi kiểng và thu vào bạc tỉ nhờ bán kiểng lá kim phát tài và một số loại kiểng lá ngoại nhập khác. Thị trường kiểng lá lúc đó rộng mở, thương lái thu mua kiểng của chị Út Thu bán khắp các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh. Với đặc tính dễ nhân giống của cây kim phát tài, người dân có kinh nghiệm sản xuất cây kiểng ở Chợ Lách đã đua nhau nhân giống cây này bán ra thị trường. Chỉ tính riêng xã Vĩnh Thành có trên 100 người sản xuất kiểng kim phát tài với số lượng lớn. Nhưng kể từ năm 2004, cây kiểng kim phát tài dần mất giá do lượng cung nhiều hơn cầu và người dân bán tháo, bán đổ. So với thời điểm năm 2002–2003, giá kiểng kim phát tài năm 2005 giảm đến 4–5 lần. Lợi nhuận từ cây kiểng lá đã không còn hấp dẫn.

Kiểng kim phát tài ở Chợ Lách tăng giá trở lại nhờ xuất ngoại.

Kiểng lá kim phát tài bất ngờ “sống lại” khi vào giữa năm 2007 có các công ty Hàn Quốc đến mua. Trong đó, Công ty Đại Nam ký hợp đồng với UBND xã Vĩnh Thành mua 1 triệu bụi kiểng kim phát tài loại 2 ngó (thời gian trồng và nuôi kiểng 8 tháng), với giá 2.500 đồng/bụi. Nhưng số lượng kim phát tài hiện có tại chỗ không đủ cung cấp, nên địa phương chỉ có khả năng cung cấp, 800.000 bụi. Giá kim phát tài ở Chợ Lách tăng hơn 2 lần so với lúc chỉ tiêu thụ ở nội địa. Sau hợp đồng này, Công ty Đại Nam tiếp tục đặt hàng 5 triệu bụi kiểng kim phát tài loại 1 ngó, nhưng địa phương không có hàng cung cấp... Ngoài ký hợp đồng với xã Vĩnh Thành, các công ty Hàn Quốc cũng đặt hàng mua vài chục ngàn bụi kiểng kim phát tài của chị Út Thu. Dân kiểng Cái Mơn lại một lần nữa nể cách tính toán làm ăn của chị. Khi nhiều người bỏ kiểng kim phát tài, chị Út Thu vẫn đeo theo, dám đầu tư tiền tỉ để mua đất, mở rộng cơ sở và mua thêm kiểng kim phát tài về dưỡng chờ giá.

Tập tành làm ăn với “Tây”

Những năm trước đây, dân làm kiểng ở Chợ Lách đã làm ăn “lai rai” với người nước ngoài như: Đài Loan, Singapore, Malaysia. Nhưng đã có trường hợp “bể” hợp đồng do chất lượng sản phẩm không bảo đảm, hợp đồng không chặt chẽ. Anh Nguyễn Thanh Sơn ở ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, đã làm ăn với một tập đoàn của Singapore 10 năm nay. Thời gian đầu, tập đoàn này đặt hàng anh Sơn mỗi năm vài trăm kiểng thú các loại với mẫu mã do bên mua hàng thiết kế sẵn. Những năm gần đây, đối tác không còn mua kiểng thú mà chuyển sang đặt hàng anh Sơn mỗi năm 400–500 cây kiểng bon sai gồm: mai chiếu thủy, mai vàng, kim quýt, cần thăng. Anh Sơn cho biết: “Buôn bán với người nước ngoài luôn được giá cao hơn nội địa từ 10–20%, nhưng vấn đề uy tín, chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, phải đáp ứng được những đơn hàng số lượng lớn, nếu không sẽ dễ dàng mất hợp đồng”. Cách nay 4 năm, ở Vĩnh Thành cũng có một hộ dân làm kiểng bán cho công ty Đài Loan, nhưng sản phẩm không đảm bảo chất lượng, công ty này bắt bồi thường nên lỗ nặng. Vì vậy, phần lớn dân làm kiểng chưa tự tin khi làm ăn với người nước ngoài.

Cây kiểng ở huyện Chợ Lách, Bến Tre xuất ngoại năm 2007 mở ra một triển vọng mới cho người làm kiểng Bến Tre. Tuy nhiên, một địa phương nổi danh cung cấp kiểng hàng đầu ĐBSCL lại không đủ nguồn hàng cung ứng cho đơn hàng của đối tác là một điều đáng tiếc. Các công ty nước ngoài thường thu mua sản phẩm thông qua một đầu mối có uy tín lâu năm. Chị Út Thu hiện có nhiều công ty đặt hàng mua số lượng lớn kim phát tài, nhưng chị từ chối vì không đủ hàng, mà chị thì không dám thu mua thêm của người dân. Anh Sơn cũng không dám mua kiểng bon sai của người khác để bán cho đối tác do không kiểm soát được chất lượng sản phẩm đầu vào. Còn Hợp tác xã Cây giống hoa kiểng Cái Mơn lâu nay chỉ hoạt động mạnh trong lĩnh vực cung cấp cây giống. Việc các công ty Hàn Quốc đặt hàng số lượng lớn cây kim phát tài là một cơ hội mới. Đã đến lúc huyện Chợ Lách cần có định hướng phát triển cây kiểng phù hợp với thị trường trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết