30/03/2016 - 20:52

Kiên trì sống

"Phật ở tầng áp mái" (NXB Phụ Nữ)- tiểu thuyết của nữ nhà văn người Mỹ gốc Nhật Julie Otsuka- lật lại một phần lịch sử khi kể câu chuyện của những cô gái Nhật sang Mỹ lấy chồng với ước vọng đổi đời ở đầu thế kỷ XX. Hoàn toàn trái ngược với những gì mong đợi, thực tế nơi miền đất hứa đã biến cuộc đời các cô thành những tấn bi kịch. Vượt trên tất cả, những người phụ nữ ấy đã bền bỉ, kiên cường trước mọi khó khăn, vất vả để tiếp tục sống và hy vọng…

Tiểu thuyết kể về những cô gái Nhật đủ thành phần, lứa tuổi đến Mỹ ôm theo giấc mộng đổi đời, thoát khỏi cuộc sống khốn khó nơi quê nhà. Nhưng tất cả đã vỡ mộng khi chồng của các cô, những người đàn ông đã viết thư, gửi ảnh cho các cô qua mối lái, nói rằng họ là những ông chủ nhà băng, là luật sư, bác sĩ, doanh nhân… thực chất chỉ là những nông dân đi làm thuê, hoặc là kẻ vô công rỗi nghề. Trước mặt là tương lai mờ mịt, sau lưng không còn đường quay về. Những người phụ nữ chấp nhận hiện thực nghiệt ngã, sống câm nín, nhịn nhục như những chiếc bóng bên cạnh chồng. Đa số phải lao động cực nhọc trên những cánh đồng, những trang trại; một số làm hầu gái cho các gia đình khá giả, một số bị đẩy vào ổ mại dâm…

Kể về những phận người bất hạnh, tác giả dùng một danh xưng cho tất cả là "chúng tôi", nhằm nhấn mạnh cả một thế hệ phụ nữ Nhật chứ không đơn lẻ một vài cá nhân. Do đó, câu chuyện càng có sức mạnh, càng gây ấn tượng với người đọc. Đặc biệt, khi miêu tả hay kể về chuyện gì, tác giả liên tục nhắc đi nhắc lại điệp từ, điệp ngữ: "Nhà là một cái chõng ở… Nhà là một cái lều… Nhà là một cái lán gỗ ở… Nhà là một chỗ trước kia từng là chuồng gà… Nhà là một chiếc giường bằng rơm ở…" hay "Chúng tôi sinh con dưới gốc sồi… Chúng tôi sinh con bên bếp củi… Chúng tôi sinh con trên những bãi nổi đầy gió… Chúng tôi sinh con trong những lán trại bẩn thỉu ở…". Cứ như thế, bao số phận bị hòa lẫn trong một cuộc sống khốn khó, bức bí và không thấy tương lai.

Vượt lên mọi khổ đau, biến cố dồn dập, những người phụ nữ Nhật cho thấy tinh thần, sức sống mãnh liệt, kiên trì trước mọi nghịch cảnh để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây cũng chính là điểm sáng trong gam màu đầy u ám của tác phẩm. Họ đã chăm chỉ làm việc, có tinh thần kỷ luật cao, sống chan hòa với mọi người, cố gắng gìn giữ nét văn hóa truyền thống… để dần hình thành những khu phố người Nhật đặc trưng trên đất Mỹ. Từ hai bàn tay trắng, từ chỗ vô gia cư, họ đã có nhà, có trang trại, cửa hàng kinh doanh buôn bán, con cái được học hành đến nơi đến chốn…

Tuy nhiên, cuộc đời không ai biết được chữ ngờ. Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, cuộc sống của cộng đồng người Nhật trên đất Mỹ hoàn toàn bị đảo lộn. Họ càng bị kỳ thị, xa lánh, bị đe dọa, bị bắt bớ vô cớ… Đỉnh điểm là toàn bộ người Nhật phải chấp hành lệnh của chính phủ di cư đến những nơi xa xôi, hẻo lánh. Họ đi đâu không ai biết. Chỉ biết rằng những ngôi nhà của họ, khu phố của họ bị người nhập cư, người đủ quốc tịch chiếm đóng. Chuyện về họ trên đất Mỹ khép lại bằng những câu chuyện buồn, đầy ám ảnh và day dứt.

"Phật ở tầng áp mái"- tựa đề đầy tính tôn giáo nhưng những chi tiết về đạo Phật xuất hiện rất ít trong sách. Nếu có, chỉ là điểm tựa tâm linh cho những người phụ nữ để họ có thêm tinh thần, động lực tiếp tục sống, chiến đấu với những khổ đau, cơ cực của cõi đời. Ở một khía cạnh khác, tôn giáo được thể hiện qua sự khác biệt, va đập của văn hóa Đông- Tây, tạo nên những sắc thái riêng cho tác phẩm. "Phật ở tầng áp mái" là một trong những tiểu thuyết được yêu thích, sách hay nhất của năm, sách bán chạy nhất năm…do các tờ báo nổi tiếng của Mỹ bình chọn năm 2011; đạt giải PEN/ Faulker dành cho tiểu thuyết năm 2012.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết