30/06/2020 - 05:59

Kiên trì để cai thuốc lá 

Ai cũng biết tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, bỏ hút thuốc lá không dễ dàng. Có nhiều người chỉ bỏ được thuốc lá khi phát hiện mình bị các bệnh: lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi...

Bỏ thuốc vì bệnh

Bác sĩ BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ khám cho bệnh nhân bị COPD. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây COPD.

Tham dự sinh hoạt Câu lạc bộ Bệnh nhân Hen - COPD ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, qua hỏi thăm, đa số bệnh nhân đều có tiền sử hút thuốc lá. Dù bệnh, biết thuốc lá là thủ phạm gây bệnh và làm bệnh nặng hơn nhưng có người bỏ được thuốc lá, có người không bỏ được.

Chú Dư Văn Diềm, 62 tuổi, quận Ô Môn, hút thuốc lá gần 40 năm, mỗi ngày hút 1,5 gói. Cách đây hơn 5 năm, chú bị khó thở, đau ngực. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán bị COPD. Hàng ngày, đều phải uống thuốc, xịt thuốc. Chú Diềm kể: “Bác sĩ nào khám cho tôi cũng khuyên bỏ thuốc lá, nhưng tôi không bỏ được. Cách đây vài tháng, thấy bệnh ngày càng nhiều, dù rất nhớ, rất thèm, bứt rứt tay chân, tính tình tự nhiên nóng nảy nhưng vì sức khỏe, cố gắng bỏ. Ban đầu giảm hút dần dần, không tụ tập bạn bè, không đến chỗ có nhiều người hút thuốc lá...”.

Cô Huỳnh Kim Thu, ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, vợ của chú Phan Ngọc Huỳnh, kể: “Ổng hút 1 gói/ngày, ho sáng đêm. Không ngủ được, tôi kêu ổng bỏ thuốc, vậy mà ổng vẫn hút. Ổng đổ bệnh, đi cấp cứu”. Sức khỏe của chú Huỳnh ngày càng yếu vì chú bị cả lao và COPD. Chú đang điều trị ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, phải ngồi xe lăn vì quá yếu không đi lại được. Chú Huỳnh kể: “Tôi bỏ thuốc rồi. Ban đầu, bớt hút dần, rồi bỏ, rồi hút lại. Vài lần, sức khỏe yếu quá, mới bỏ thuốc lá được”.

Còn chú Bùi Văn Thắng, xã Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, hơn 7 năm bị COPD. Chú kể: “Đi bộ có 200m tôi cũng mệt, nói chuyện nhiều cũng mệt, hút thuốc vô mệt thêm, thở không nổi nên bỏ thuốc lá luôn. Dù có muộn cũng hơn không. Nhờ bỏ thuốc, tôi ít đi cấp cứu ở bệnh viện hơn”.

Số điện thoại tư vấn cai nghiện thuốc lá
Bệnh viện Bạch Mai - Trung tâm Hô Hấp, điện thoại tư vấn: 1800 - 6606 (miễn phí từ 8h-22h). Trung tâm chăm sóc hô hấp - Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, điện thoại: 08.8.8.594.470. Bệnh viện Nhân dân Gia định, điện thoại tư vấn: 1800 - 1214 (miễn phí). Bệnh viện phổi Trung ương (Khoa thăm dò phục hồi chức năng), điện thoại: 04. 32373260.

Có thể bỏ thuốc trong 5 ngày

Theo chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá, có 4 giai đoạn của cai nghiện cần phải vượt qua: Nghĩ về việc bỏ thuốc, chuẩn bị các yếu tố cần thiết để bỏ thuốc, bỏ hẳn thuốc và duy trì thời gian hoàn toàn không lệ thuộc vào thuốc lá.

Trước hết bạn cần chọn ngày bỏ thuốc. 5 ngày trước ngày cai thuốc: Liệt kê, tuyên bố với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp rằng bạn đang tiến hành bỏ thuốc và dừng mua thuốc lá!

4 ngày trước ngày cai thuốc: Để ý một cách nghiêm túc khi nào và tại sao bạn lại hút thuốc. Hãy suy nghĩ xem có cái gì khác thay thế điếu thuốc trong tay. Hãy nghĩ đến những thói quen sinh hoạt và làm việc thường ngày khác thay thế cho hút thuốc.

3 ngày trước ngày cai thuốc, tìm xem ai mà bạn có thể hỏi và chia sẻ khi bạn cần sự giúp đỡ (bác sĩ, gia đình, bạn bè, người đã cai thuốc…) và bạn sẽ làm gì với số tiền tiết kiệm được khi không phải mua thuốc lá.

2 ngày trước ngày cai thuốc: Xem lại khi nào và tại sao bạn hút thuốc và tìm cách khắc phục vượt qua những thử thách đó. Mua một số thứ thay thế cho thuốc lá như: Hạt dưa, kẹo cao su, hai quả cầu nhỏ, bút chì... Cách vượt qua cơn thèm thuốc: Uống nhiều nước, hít thở sâu, không ngồi lại bàn ăn lâu; làm việc khác: đánh răng, đi bộ, ăn hạt dưa…; trì hoãn: đếm đến 100 hoặc nhẩm bài thơ, bài hát mình thích…

1 ngày trước ngày cai thuốc: bỏ gạt tàn, hộp quẹt, giặt toàn bộ quần áo để không còn mùi thuốc lá. Buổi tối, hút điếu thuốc cuối cùng để chia tay với kẻ thù của mình.

Ngày cai thuốc, nói với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp rằng hôm nay là ngày bạn cai thuốc lá. Hãy tạo công việc bận rộn nhưng không căng thẳng, không uống rượu, cà phê hay những thứ bạn hay dùng với thuốc lá. Hãy tự làm cho đầu óc thoải mái hoặc cái gì đó đặc biệt làm phần thưởng cho thành công đầu tiên.

Nếu bạn không chịu nổi và hút lại thì cũng đừng bỏ cuộc, hãy chuẩn bị làm lại từ đầu. Trước khi thành công có người đã phải làm đi làm lại, gọi phòng khám cai nghiện thuốc lá để có thêm kinh nghiệm.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết