22/12/2021 - 11:04

Kiến tạo hệ sinh thái phát triển mô hình liên kết đổi mới sáng tạo 

Với nhiều lợi thế cũng như yêu cầu từ thực tiễn, các mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo (ÐMST) tại vùng Ðông và Tây Nam Bộ thời gian qua xuất hiện khá nhiều. Tuy nhiên, hoạt động ÐMST của vùng vẫn tồn tại nhiều bất cập: hệ sinh thái ÐMST chưa hoàn thiện, thiếu tính liên kết, chưa có nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp… Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp kịp thời để gỡ các nút thắt, tăng cường liên kết để các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST phát huy tiềm năng, phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành gần 2 năm qua.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt thích ứng với hạn mặn tại tỉnh Hậu Giang.

Chuyển biến

Tại Hội thảo “Thực trạng và đề xuất mô hình liên kết ÐMST tại khu vực Ðông và Tây Nam Bộ”, ông Vương Ðức Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh: Mặc dù có lợi thế lớn trong phát triển kinh tế, song vùng Ðông và Tây Nam Bộ đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cả ngắn và dài hạn: thói quen tiêu dùng thay đổi, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nguồn tài nguyên cạn kiệt… Ðặc biệt, dưới tác động của dịch COVID-19, việc xây dựng và phát triển các mô hình ÐMST trong doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi sản xuất, tạo ra động lực tăng trưởng mới, đảm bảo an sinh xã hội…

Thực tế, nhiều địa phương tại khu vực Ðông và Tây Nam Bộ đã hình hành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST. Ông Vũ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Với khả năng liên kết khá tốt, hệ sinh thái khởi nghiệp của TP Cần Thơ đã hình thành một số thành phần cơ bản với 18 viện, trường; 15 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp,… Ðồng thời, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp với 120.000 thành viên, đã và đang hỗ trợ hơn 150 dự án khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST của thành phố hiện đang ở cấp độ 1 và đã có dấu hiệu chuyển dần qua cấp độ 2. Theo ông Lê Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Long An, tỉnh chuẩn bị ra mắt Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp. Khi đi vào hoạt động, Trung tâm dự kiến hỗ trợ khoảng 30 doanh nghiệp, ươm tạo 10 dự án khởi nghiệp và tổ chức các khóa đào tạo về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp. Các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ là thực phẩm, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, môi trường, năng lượng tái tạo...

Vùng Ðông và Tây Nam Bộ có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận, kế thừa các mô hình liên kết ÐMST trong và ngoài nước. Theo TS Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Ðại học Văn Hiến, nhiều giải pháp công nghệ cao đã được du nhập và ứng dụng và thực tế sản xuất tại TP Hồ Chí Minh. Trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp ÐMST trong lĩnh vực nông nghiệp từ công nghệ tưới nhỏ giọt, thủy canh, xưởng cây trồng (plant Factory), nông nghiệp công nghệ kết hợp năng lượng mặt trời… Trong khâu quản lý, vận hành, các mô hình ÐMST từ công nghệ số cũng được ứng dụng: hệ thống quản lý quy hoạch đất canh tác trên nền tảng bản đồ số; ứng dụng Blockchain truy xuất nguồn gốc và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị; Smart Argi system…

Hợp lực

Hiện nay, hoạt động ÐMST tại vùng Ðông và Tây Nam Bộ vẫn tồn tại nhiều bất cập. Hệ sinh thái ÐMST của vùng vẫn chưa phát triển hoàn thiện; số doanh nghiệp khởi nghiệp có tính ÐMST còn khiêm tốn so với tiềm năng. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã hình thành, nhưng hoạt động còn hạn chế, chưa bài bản, chưa tạo thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp gắn kết, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông Vũ Minh Hải, nhìn nhận: Hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST của TP Cần Thơ đến nay vẫn thiếu sự tham gia của các thành phần then chốt: huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm và các tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Không ít startup và doanh nghiệp khởi nghiệp ÐMST chưa hình thành được tâm thế và văn hóa khởi nghiệp ÐMST một cách sâu rộng để đủ bản lĩnh vượt khó và tiến lên trong quá trình khởi nghiệp… Vấn đề liên kết giữa các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đôi lúc chưa chặt chẽ nên chưa tạo được tính mới, tính đột phá trong hoạt động khởi nghiệp ÐMST.

Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần rà soát, đánh giá, thu thập thông tin về nhu cầu, mong muốn của các thành phần để có giải pháp hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và thiết thực cho các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST. TS Từ Minh Thiện chia sẻ: Những năm qua, hoạt động khởi nghiệp của chúng ta rầm rộ nhưng khởi nghiệp có yếu tố ÐMST chiếm tỷ lệ nhỏ. Ðể thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ÐMST, các bên có liên quan cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình. Trong đó, Nhà nước có vai trò hỗ trợ đào tạo các kỹ năng về quản lý doanh nghiệp, tài chính, marketing; cung cấp thông tin và tổ chức các hoạt động kết nối thị trường; cập nhật xu hướng công nghệ trên thế giới và trong nước. Về phía doanh nghiệp, nắm bắt các xu hướng phát triển về công nghệ; nắm bắt những nhu cầu tiêu dùng chưa được khai thác…

Trong bối cảnh nhiều khó khăn trước mắt và dài hạn “bủa vây”, theo ông Vương Ðức Tuấn, vấn đề nâng cao ý thức hợp tác và liên kết giữa các bên liên quan là yêu cầu đặt ra hàng đầu. “Hơn bao giờ hết, tất cả chúng ta cần ngồi lại cùng khắc phục những khó khăn; chung tay thực hiện các quá trình liên kết ÐMST với mục tiêu cuối cùng là phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa các nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn của từng tỉnh, thành vùng Ðông và Tây Nam Bộ. Bởi khi liên kết tốt, các bên mới cùng nhau chia sẻ hài hòa lợi ích và rủi ro; chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và thúc đẩy ÐMST của Nhà nước mới đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả thiết thực, bền vững…”- ông Vương Ðức Tuấn nói.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết