17/10/2017 - 21:04

Kiến tạo để ĐBSCL phát triển an toàn, bền vững
Bài 1: Thiên tai và nhân tai 

Nằm ở lưu vực sông Mê Công, tiếp giáp với biển, ĐBSCL được xác định là một trong những đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Đặc biệt, các tác động của BĐKH, xâm nhập mặn và tình trạng sụt lún, sạt lở đất bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL càng trở nên nặng nề và khó ứng phó hơn khi chế độ dòng chảy, phù sa bùn cát của sông Mê Công bị biến đổi, suy giảm và bị chặn lại bởi các đập thủy điện, các công trình dẫn nước ở thượng nguồn. Những tác động tiêu cực này làm cho ĐBSCL càng gặp khó khăn, phải gồng mình chống chịu.

Thiệt hại nặng nề

Là một tỉnh cực Nam tại vùng ĐBSCL, Cà Mau có 3 mặt giáp biển, với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt hơn 10.000km và 87 cửa sông thông ra biển. Do đó, Cà Mau là địa phương chịu tác động nặng nề từ BĐKH. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, lốc xoáy làm sập và tốc mái 147 căn nhà; hàng trăm km bờ biển, bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, làm ảnh hưởng hơn 331 ha đất nuôi trồng thủy sản, sụp đổ 63 căn nhà và cơ sở kinh doanh... Nguy hiểm nhất là có 25 phương tiện bị chìm trên biển làm 16 người chết, 14 người mất tích và 7 người bị thương. Ước tổng thiệt hại trên 23 tỉ đồng.

Triều cường lên cao, đường Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều bị ngập nghẹt, ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt của người dân. Ảnh: H.V 

Tại TP Cần Thơ, mức độ thiệt hại do diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa, bão, lốc xoáy, sạt lở đất, triều cường… gây ra, ngày càng gia tăng. Cụ thể, năm 2010 thiệt hại trên 2,5 tỉ đồng; đặc biệt năm 2011: thiệt hại trên 230,8 tỉ đồng; năm 2012: 3,26 tỉ đồng; năm 2013: trên 4,3 tỉ đồng; năm 2014: 5,72 tỉ đồng; năm 2015: 9,440 tỉ đồng; năm 2016: 5,62 tỉ đồng; 9 tháng năm 2017: gần 4 tỉ đồng. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, TP Cần Thơ đã xuất hiện 153 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài trên 5km, thiệt hại tài sản hàng chục tỉ đồng. Ngoài ra, thành phố còn 106 điểm đang có nguy cơ sạt lở cao, với tổng chiều dài gần 53km, đe dọa sinh mạng, tài sản của người dân.

Tại thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), vụ sạt lở bờ sông Hậu xảy ra ở phường Thành Phước vào cuối tháng 8-2017, làm 4 căn nhà sụp đổ xuống sông, 19 căn còn lại bị ảnh hưởng, phải di dời khẩn cấp. Ông Nguyễn Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Bình Minh cho biết, vụ sạt lở đã được khắc phục tạm, nhiều căn nhà bị ảnh hưởng được di dời đến nơi an toàn. Bờ sông được gia cố tạm bằng cừ tràm, dừa...

Bà Trần Kim Chi ở khóm 3, phường Thành Phước, nhớ lại: “Lúc đó, tôi cùng đứa con gái 10 tuổi và đứa con trai 20 tuổi ngồi ăn cơm, bỗng nhiên nghe một tiếng ầm, rồi 3 mẹ con cùng căn nhà rơi xuống sông. Chúng tôi kêu la chới với dưới dòng nước xoáy. Tôi và con gái bị nước nhấn chìm vì không biết bơi, may nhờ đứa con trai bơi giỏi nên cứu 2 mẹ con thoát chết”. Còn bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ cùng địa phương) cho biết: “Nghe tiếng kêu răng rắc dưới nền nhà, tôi kịp bỏ chạy ra ngoài. Vài phút sau một phần căn nhà của tôi rơi xuống sông, tài sản bị cuốn trôi...”.

Theo Tổng cục Thống kê, do tác động của BĐKH, 9 tháng năm 2017 thiên tai làm 169 người trên cả nước chết và mất tích, 232 người bị thương; 1.600 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 233.800 ngôi nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái; 66.100ha lúa và 45.400 ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng thiệt hại gần 21.500 tỉ đồng. ĐBSCL là một trong những vùng chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai. Trong đó nổi bật nhất là tình trạng sạt lở bờ biển, sông, kênh, rạch, với gần 800km bị sạt lở, gây thiệt hại nặng nề. 9 tháng qua, tại các địa phương vùng BĐSCL có trên 17.000ha lúa đông xuân 2016-2017 bị thiệt hại bởi sâu bệnh (ở Kiên Giang, Cần Thơ...), do ảnh hưởng nền nhiệt thấp và mưa sớm. Vụ lúa đông xuân và xuân hè đang trong giai đoạn thu hoạch bị mưa lớn vào cuối vụ, gây thiệt hại năng suất từ 10% đến 20%...

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định: “Trước tác động của BĐKH, vùng ĐBSCL không còn là miền đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân như bao đời nay. Vì vậy cần thay đổi tư duy phát triển. Chúng ta không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững, biến thách thức do BĐKH thành cơ hội để ĐBSCL phát triển bền vững và lâu dài...”.

Những tác động cộng hưởng

Theo thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, nguyên nhân chủ yếu gây xói lở bờ sông, biển ở ĐBSCL là do hiện tượng tự nhiên địa chất và sự bồi lắng xảy ra ở những đoạn sông cong. Bên cạnh đó, còn bởi việc quản lý chưa tốt, để xảy ra những hành vi xâm chiếm bãi, bờ để xây công trình và nhà ở. Ngoài ra nạn khai thác cát trái phép và phương tiện đường thủy chở quá tải cũng là nguyên nhân chính dẫn đến làm gia tăng nguy cơ gây xói lở ở nhiều địa phương. Đặc biệt, việc khai thác cát quá mức đã tạo ra những hố sâu dưới lòng sông và phải cần một khoảng thời gian rất dài những hố này mới được bồi đắp trở lại. Vì vậy, trong một thời gian ngắn, những hố sâu này lấy vật liệu ở bờ để tự bồi đắp, lâu ngày tại bờ xuất hiện hiện tượng hàm ếch. Từ đó dẫn đến hiện tượng sạt lở bờ rất nhanh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tình trạng sạt lở ở ĐBSCL diễn biến sạt lở rất nhanh, với 49 điểm/266km bờ biển bị sạt lở; 513 điểm/520km bờ sông bị sạt lở, trong đó có 40 điểm/131km bờ sông sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh mạng, sản xuất, kinh doanh, tài sản của người dân. Trước mắt, các địa phương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tập trung triển khai các công trình và phi công trình để ứng phó, ngăn chặn sạt lở. Về lâu dài, các điểm sạt lở này sẽ được khảo sát, đánh giá hiện trạng và lập quy hoạch trình Chính phủ xem xét, phê duyệt thực hiện các giải pháp (gồm cả giải pháp cứng và mềm) theo lộ trình thời gian…

ĐBSCL đang cùng lúc chịu tác động lớn từ nhiều phía. Trước hết, ĐBSCL là một trong năm đồng bằng trên thế giới hứng chịu nặng nề nhất những ảnh hưởng do BĐKH gây ra. Kế đến là tác động từ phía thượng nguồn, do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước, như: thủy điện, chuyển nước khỏi lưu vực dòng chính sông Mê Công, suy giảm nhanh diện tích rừng, thảm thực bì (nơi giữ nước, điều tiết nước) đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng, làm thay đổi quy luật dòng chảy khi vào đến địa phận châu thổ Cửu Long. Đó còn là tác động từ những điểm bất hợp lý trong phát triển kinh tế nội tại vùng đồng bằng, như: khai thác tài nguyên cát sỏi, nguồn nước ngầm, các hoạt động kinh tế khác. Ba nhóm nguyên nhân chính cùng lúc tác động và với sự cộng hưởng của chúng, tạo ra những tác động tiêu cực lớn nhất trong lịch sử kiến tạo châu thổ Cửu Long. Những tác động tiêu cực này sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế xã hội, đời sống cư dân; trong đó, sản xuất nông nghiệp –  nông dân – nông thôn là những đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất...

Tại tỉnh An Giang hiện có 51 đoạn sông cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài hơn 165 km. Gần đây, vụ sạt lở bờ sông kinh hoàng xảy ra tại khu vực sông Vàm Nao thuộc ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới đã làm 15 căn nhà và 2 nền nhà bị nhấn chìm xuống sông. Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận định: “Các đập thủy điện và các công trình ngăn dòng chảy chính ở thượng nguồn sông Mê Công đã gây ra hiện tượng “nước đói phù sa”, đất đai không được bồi đắp và bổ sung dinh dưỡng, gây bạc màu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị suy giảm, an ninh nguồn nước của vùng bị đe dọa. Đặc biệt, sự thiếu hụt phù sa, bùn cát làm cho tình hình sạt lở diễn biến nhanh hơn, trầm trọng và phức tạp hơn; nguồn nước tiếp tục bị suy giảm cả về chất lẫn lưu lượng, dòng chảy thay đổi không theo quy luật tự nhiên dẫn đến khô hạn, sạt lở và xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng hơn...”.

Bờ sông Hậu tại khu vực xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh bị sạt lở nghiêm trọng do tình trạng khai thác cát bừa bãi. Ảnh: H.V

Theo các nhà khoa học, trong những năm tới, BĐKH tiếp tục diễn biến phức tạp, khốc liệt cộng với việc xây dựng hoàn thành các đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Công, khai thác tài nguyên “vô tội vạ” sẽ gây tác động mạnh mẽ và tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, sản xuất của vùng ĐBSCL trong tương lai.

KHÁNH TRUNG - HÀ VĂN 

Bài 2: Đối mặt với thách thức

Chia sẻ bài viết