15/02/2025 - 22:03
Kiếm tiền tỉ nhờ dụ ong đến làm tổ dưới tán rừng tràm
 
Anh Phạm Duy Khanh (41 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã chọn gắn bó với quê hương bằng mô hình khai thác mật ong từ rừng tràm. Nhờ sự kiên trì và cách làm khoa học, anh hiện khai thác huê lợi từ hơn 60ha rừng tràm, thu về trên 1 tỉ đồng mỗi năm nhờ cách làm du lịch trải nghiệm đầy hấp dẫn.
Anh Khanh gác kèo ong trong 60ha đất rừng tràm của gia đình.
Theo chân anh Khanh trải nghiệm gác kèo ong với đồ nghề được trang bị từ dao, bó đuốc và đội mũ lưới xuống tận cổ. Chúng tôi tiến vào vùng xanh thăm thẳm của khu rừng tràm rộng tới 60ha của gia đình anh, nơi có hàng trăm kèo ong để lấy mật. Chỉ vài thao tác nhanh gọn, anh Khanh lấy được mật ong đặc quánh, vàng óng, tỏa hương thơm ngào ngạt. Nói về nghề, anh Khanh cho biết, anh gác kèo ong bằng kinh nghiệm đúc kết được suốt nhiều năm. Ðể làm kèo gác, phải đón đúng hướng thì ong mới về làm tổ và cho những dòng mật ngọt ngào. Cứ như vậy, quanh năm có thể thu hoạch mật, du khách đến lúc nào cũng có thể trải nghiệm gác kèo ong.
Anh Khanh sinh ra và lớn lên ở huyện Cái Nước (Cà Mau). Khoảng năm 2000, khi huyện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, gia đình anh quyết định đi thuê hơn 60ha đất rừng tràm ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời để canh tác. Suốt thời gian gắn bó với vùng đất này, gia đình anh chỉ kiếm được nguồn thu nhập ít ỏi từ việc khai thác sản vật tự nhiên dưới rừng, như giăng lưới bắt cá, hái rau dại bán.
Khi trưởng thành, anh được cha giao cho quyền quản lý diện tích đất rừng tràm để khai thác. Nhận thấy U Minh Hạ đã quá nổi tiếng với nghề khai thác mật ong rừng nhờ vào hệ sinh thái rừng tràm đặc trưng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thành công với nghề này. Với sức trẻ dám nghĩ dám làm, anh Khanh đã mạnh dạn đầu tư, quản lý và khai thác mật ong theo hướng bền vững. Ðể tích lũy kinh nghiệm, anh xin theo chân những bậc cao niên đi gác kèo ong. Dần dần, anh được truyền nghề, kỹ thuật khuất phục được loài ong rừng vốn rất hung dữ. Suốt 3 năm theo học nghề, anh càng gần gũi với thiên nhiên, yêu mến thiên nhiên, từ đó ra sức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Sau khi nắm hết kỹ thuật gác kèo ong, anh Khanh bắt đầu tự dựng kèo dụ ong về làm tổ trên phần đất gia đình thuê. Ban đầu, lượng ong về rất thấp, điều đó cũng không khiến anh nản lòng mà kiên trì công việc. Dần dần đàn ong kéo đến làm tổ ngày càng đông, lượng mật thu được tăng dần theo từng năm. Những năm sau đó, mật ong trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.
Theo anh Khanh, gác kèo ong là một nghệ thuật, đòi hỏi phải có nhiều năm kinh nghiệm, kỹ thuật và chọn vị thế hợp lý để thu hút đàn ong làm tổ. Kèo ong có thể được làm từ cây cau, cây bình bát. Ðối với nghề gác kèo ong, việc chọn trảng là vô cùng quan trọng. Vị trí chọn trảng để gác kèo ong phải rộng, thoáng và phải có ánh nắng len lỏi vào thân kèo. Thời gian ong xây tổ đến thời điểm thu hoạch khoảng 15-20 ngày. Mỗi năm, có 2 thời điểm ong làm mật nhiều nhất là từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch và tháng 7 âm lịch. Ðây cũng là thời điểm ong cho chất lượng mật tốt nhất. Với nguyên tắc khai thác sản vật đi kèm với việc giữ và trồng rừng. Trong hơn 60ha rừng hiện giá đình anh giữ quyền khai thác có hơn 10ha rừng tràm nguyên sinh, có những cây hơn 100 tuổi.
Năm 2010, được tỉnh khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng anh Khanh quyết định bỏ ra hàng tỉ đồng tích góp nhiều năm để cải tạo làm nơi tham quan cho khách. Anh cũng là người đầu tiên thực hiện thành công trải nghiệm vào rừng ăn ong lấy mật, thu hút hơn 500 du khách gần xa đến trải nghiệm mỗi tháng.
Ngoài ăn ong lấy mật, du khách khi đến tham quan điểm du lịch cộng đồng của anh Khanh còn được trải nghiệm “một ngày làm người Cà Mau chính hiệu” khi đi giăng lưới bắt cá đồng, bắt lươn, thưởng thức các món ăn chế biến từ những sản vật hái, bắt được. Những năm gần đây, việc làm ăn “thuận buồm xuôi gió”, mỗi năm khu du lịch sinh thái cộng đồng của anh Khanh đón khoảng 6.000 lượt khách, lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH
Chia sẻ bài viết |
|
Tổng biên tập: TRƯƠNG VĂN CHUYỂN
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thanh Tuấn - Dương Hồ Vũ
Giấy phép số 789/GP-BTTTT, do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 02-12-2021
24 Trần Văn Hoài, P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ - Điện thoại: (0292) 3830098 - Fax: (0292) 3830561
Email: toasoan@baocantho.com.vn
Liên hệ giao dịch quảng cáo, rao vặt: quangcao@baocantho.com.vn
Ghi rõ nguồn "Báo điện tử Cần Thơ" khi phát hành lại thông tin từ website này