01/07/2011 - 21:27

Kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đảm bảo vốn cho sản xuất

Giao dịch tại Agribank Chi nhánh Cần Thơ.
Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp và đạt kết quả quan trọng. Huy động vốn và cho vay vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) đều tăng, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh; tỷ lệ nợ xấu giảm so với cùng kỳ... Những kết quả này góp phần quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát của thành phố.

* Tín hiệu khả quan

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Cần Thơ, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ ở góc độ ngân hàng trên địa bàn thành phố đã đạt kết quả bước đầu. Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm của các TCTD trên địa bàn là 3,35% (chỉ tiêu cả năm dưới 20%). Cơ cấu dư nợ cho vay phi sản xuất từ 20,9% tháng 2-2011 đến cuối tháng 5-2011 còn 15,9%, giảm đúng hướng Nghị quyết 11 (đến ngày 30-6 là 22%). Bên cạnh đó, cơ cấu cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh đều tăng ở 4 lĩnh vực: phát triển nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính đến ngày 25-6, trên địa bàn thành phố hiện có 50 TCTD với 220 địa điểm có giao dịch ngân hàng. Trong đó có 1 trụ sở chính, 1 sở giao dịch, 47 chi nhánh ngân hàng trực thuộc các trụ sở chính, 6 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, 164 điểm giao dịch khác dưới cấp chi nhánh cấp 1 và 1 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn huy động của các TCTD trên địa bàn thành phố ước đạt 26.200 tỉ đồng, tăng 3,22% so với đầu năm và tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, tiền gửi trên 12 tháng ước đạt 3.200 tỉ đồng, chiếm 12,21% trên tổng vốn huy động. Nguồn vốn huy động đáp ứng gần 67,9% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Tính trên tổng vốn huy động thì vốn huy động bằng VND 6 tháng ước đạt 22.300 tỉ đồng chiếm 85,11%, vốn huy động bằng ngoại tệ quy VND đạt 3.900 tỉ đồng, chiếm 14,89%. Còn xét theo khối tín dụng thì vốn huy động của TCTD nhà nước chiếm 32,44%, cổ phần 69,61%...

Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ, phân tích: “Xu hướng 6 tháng đầu năm, vốn huy động tăng chậm hơn vốn cho vay. Trong tổng vốn huy động thì TCTD ngoài nhà nước tăng nhiều hơn khối nhà nước, nhưng dư nợ cho vay thì khối ngân hàng nhà nước lại tăng nhiều hơn khối ngoài nhà nước. Bởi dự trữ của khối ngân hàng nhà nước nhiều hơn và “sức khỏe” ổn định. Còn tiền gửi VND cao hơn tiền gửi ngoại tệ do lãi suất huy động của VND vẫn đang hấp dẫn hơn lãi suất tiền gửi ngoại tệ”. Cũng theo ông Ngọc, lãi suất cho vay và lãi suất huy động của các TCTD trên địa bàn chấp hành theo quy định của NHNN trong từng thời kỳ. Lãi suất huy động phổ biến ở mức 14%/năm, lãi suất cho vay ở lĩnh vực sản xuất 16- 20%/năm, lãi suất cho vay tiêu dùng 18- 22%/năm; lãi suất cho vay USD 6,7- 8%/năm. Song song với việc chấp hành lãi suất huy động và lãi suất cho vay, hầu hết các TCTD trên địa bàn đều quan tâm đến chính sách ưu tiên đối với cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng, cho vay mua lúa gạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa...

* Đảm bảo vốn cho sản xuất, kinh doanh

Theo thống kê của NHNN chi nhánh Cần Thơ trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn thành phố ước đạt 38.600 tỉ đồng, tăng 4,71% so với đầu năm và tăng hơn 18,9% so với tháng 6-2010. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6 chỉ khoảng 650 tỉ đồng, chiếm 1,65% tổng dư nợ và giảm so với cùng kỳ (cùng kỳ là 1,83%). Dư nợ cho vay VND đạt 30.800 tỉ đồng, chiếm gần 79,8% tổng dư nợ và tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2010; còn lại 7.800 tỉ đồng là dư nợ cho vay ngoại tệ quy VND cũng tăng 13,74% so cùng kỳ. Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ cho rằng, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn giảm, chứng tỏ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định và phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, dù nền kinh tế đang khó khăn. Các TCTD trên địa bàn vẫn đảm bảo nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, những lĩnh vực cần ưu tiên vốn theo Nghị quyết 11 đều đạt tăng trưởng.

Trên địa bàn thành phố hiện có 40 TCTD cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn, dư nợ cho vay đến cuối tháng 6-2011 chiếm khoảng 32% trên tổng dư nợ. Riêng vốn cho vay khu vực nông thôn chiếm 9% tổng dư nợ đến cuối tháng 6. Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua, chế biến thủy sản chiếm 17% tổng dư nợ; còn dư nợ cho vay mua lúa gạo chiếm 13%. Hầu hết các lĩnh vực trên đều có mức vay tăng so với cùng kỳ. Còn riêng lĩnh vực bất động sản, trên địa bàn thành phố hiện có 38 TCTD cho vay lĩnh vực này, đến cuối tháng 5-2011, dư nợ giảm so với đầu năm và đạt 4.483 tỉ đồng, chiếm 11,76% tổng dư nợ; ước đến cuối tháng 6, dư nợ lĩnh vực này chỉ chiếm 11,5% tổng dư nợ.

Theo ông Hà Hồng Ngọc, trong 6 tháng đầu năm 2011, các TCTD không ngừng tăng cường các giải pháp huy động vốn; đồng thời tranh thủ vốn từ hội sở chuyển về để cho vay. Vốn huy động và dư nợ cho vay về số dư so với cùng kỳ năm trước tuy có tăng khá, nhưng mức tăng có phần chậm hơn. Tuy nhiên chất lượng tín dụng vẫn trong phạm vi an toàn; các hoạt động thanh toán đảm bảo kịp thời, chính xác. Công tác điều hòa lưu thông tiền tệ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động ngân hàng cũng được tăng cường. Thực hiện Nghị quyết 11, các giải pháp tiền tệ của NHNN thực hiện thời gian qua đang đi đúng hướng, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Lạm phát ở mức cao, nhưng đang có dấu hiệu chựng lại. Việc huy động vốn rất khó khăn, nhưng vốn huy động của các TCTD trên địa bàn thành phố đã đáp ứng 67,9% tổng dư nợ cho vay, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế thành phố. Theo ông Hà Hồng Ngọc, tăng trưởng tín dụng và giảm cơ cấu nợ khu vực phi sản xuất năm 2011 sẽ đạt chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ đề ra.

GIA BẢO

Giao dịch tại Agribank Chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Chia sẻ bài viết