07/04/2019 - 07:21

Kiểm soát tăng trưởng tín dụng

Theo báo cáo của Ngân hàn Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong 3 tháng đầu năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành và chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định: lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại nhà nước còn chủ động giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên, với mức giảm phổ biến khoảng 0,5%/năm. Theo đó, mức tín dụng tính đến ngày 25-3-2019 tăng 2,28% (cùng kỳ năm 2018 tăng 2,78%).

Lãnh đạo NHNN cho biết, năm 2019, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Năm 2019 cũng là năm NHNN đưa ra lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ. Trong 3 tháng đầu năm 2019, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, nguồn cung ngoại tệ dồi dào, thanh khoản thị trường tốt. Song song đó, NHNN cũng định hướng các TCTD cần tăng trưởng tín dụng hướng vào các lĩnh vực ưu tiên và hạn chế phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân; kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.

Năm 2018, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 14% so với cuối năm 2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,89%. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 tương đương với năm 2018, một số ý kiến của chuyên gia lo ngại, hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp sẽ đẩy lãi suất cho vay đầu ra tăng. Và trong thời gian gần đây, một số TCTD đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất cho vay đối với kỳ hạn trung và dài hạn, điều này cũng gây tâm lý lo ngại cho DN, cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh, đầu tư. Bởi không phải DN nào cũng tiếp cận được mức lãi suất cho vay ưu đãi của các ngân hàng thương mại. Muốn vay với lãi suất ưu đãi, DN phải có lịch sử tài chính lành mạnh và doanh thu hằng năm tăng, ổn định.

Mới đây, kết quả công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2018) của VCCI cũng cho biết, 60% DN phản hồi cho rằng khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải là tìm kiếm khách hàng, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng khó (37%) và những biến động của thị trường (32%). Còn theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I-2019 của Tổng cục Thống kê, có tới 33,7% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý trước; 25,8% số DN đánh giá gặp khó khăn và 40,5% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định... Việc siết tăng trưởng tín dụng đi đôi với tăng chất lượng tín dụng là điều cần thiết nhằm hạn chế tối đa nợ xấu, giảm rủi ro tín dụng ở các lĩnh vực tiền ẩn rủi ro, nhưng phải đảm bào sức chịu đựng của DN, nhất là DN cần vốn thật sự.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết