20/05/2018 - 09:38

Kiểm soát hoạt động giao dịch, thanh toán qua ngân hàng 

Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ. Phấn đấu giảm lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất, kinh doanh. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tăng cường các hoạt động thanh tra, giám sát các giao dịch thông qua ngân hàng.

Quyết liệt xử lý nợ xấu

Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 đã xác định nhiều mục tiêu quan trọng. Theo đó, ngành ngân hàng cần tiếp tục thực hiện quyết liệt và khẩn trương Nghị quyết số 42 của Quốc hội (hiệu lực từ ngày 15-8-2017) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Đẩy mạnh triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; tạo chuyển biến căn bản về quản trị ngân hàng, hiệu quả và an toàn hoạt động; xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước… Sau Nghị quyết 42, trong năm 2017, Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) cùng với các TCTD đã thu hồi nợ xấu được khoảng 37.000 tỉ đồng, gần bằng một nửa so với 3 năm trở lại đây. Sự chuyển biến này là cơ sở để kỳ vọng xử lý dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu ngành ngân hàng.

Khách hàng đến giao dịch tại Vietinbank chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: Minh Huyền

 

Theo NHNN, sự quyết liệt trong xử lý nợ xấu đã góp phần tăng thanh khoản hệ thống, đưa dòng vốn đi vào sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đơn cử như TP Cần Thơ hiện có 48 TCTD với 243 địa điểm có giao dịch ngân hàng và 13 điểm tiết kiệm bưu điện; tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đến cuối tháng 4-2018, đạt khoảng 71.400 tỉ đồng, nợ xấu là 1.400 tỉ đồng, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay và đã giảm đáng kể so với trước năm 2017. Đây là nỗ lực rất lớn của các TCTD trên địa bàn thành phố; hiện thị phần cho vay của các TCTD nhà nước chiếm 56,86% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, còn lại của các TCTD ngoài nhà nước.

Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP Cần Thơ cho biết, để đạt kết quả trên, chi nhánh đã chủ động đôn đốc, hướng dẫn các TCTD thực hiện các chương trình, chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng của NNHN. Chi nhánh còn triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch; thanh tra, giám sát hoạt động các TCTD, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Xây dựng kế hoạch khảo sát việc thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội. Giám sát tình hình thanh khoản, khả năng chi trả hàng ngày của Ngân hàng TMCP Đông Á chi nhánh Cần Thơ. Triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đối với 7 Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn… Nhìn chung, thanh khoản của các TCTD trên địa bàn ở mức khá tốt, vốn huy động đáp ứng được 96% nguồn vốn cho vay.

Tăng kiểm tra, giám sát giao dịch

Ngoài xử lý nợ xấu, để phòng chống tham nhũng và rửa tiền của các tổ chức, cá nhân lợi dụng các hoạt động thanh toán qua ngân hàng, mới đây, NHNN đã triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát các giao dịch tiền ảo. NHNN cũng vừa có văn bản số 3436/NHNN-TTGSNH yêu cầu các TCTD chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống để ngăn ngừa hành vi gian lận, vi phạm các quy định của pháp luật về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, bảo đảm quyền lợi khách hàng, bảo đảm an toàn trong hoạt động cho vay, phát hành sử dụng thẻ tín dụng của các TCTD.

Trên địa bàn TP Cần Thơ, theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TP Cần Thơ, công tác thanh toán tại Chi nhánh và các TCTD cung ứng dịch vụ thanh toán luôn chấp hành đúng chế độ, đảm bảo an toàn, chính xác các quy trình thanh toán liên ngân hàng, thanh toán từng lần tại NHNN Chi nhánh cũng như các TCTD trên địa bàn. NHNN chi nhánh TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 237/KH-CTH để thực hiện Công văn số 270 của NHNN về một số giải pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo. Mục đích là triển khai hiệu quả các giải pháp về phòng chống rửa tiền, tăng cường các biện pháp kiểm soát, quản lý rủi ro nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán cho mục đích mua bán, trao đổi tiền ảo như phương tiện thanh toán. Đồng thời cảnh báo các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không cung ứng dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi ngoại tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: “Chi nhánh đã triển khai đến các TCTD chỉ đạo của NHNN Trung ương và kế hoạch thực hiện của NHNN chi nhánh; chỉ đạo các TCTD không tham gia giao dịch tiền ảo trong các hoạt động thanh toán. Nếu phát hiện các giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo  các cơ quan có thẩm quyền xử lý, đặc biệt đối với hoạt động sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái quy định pháp luật”.

Theo ông Hà, lĩnh vực cho vay tiêu dùng, các TCTD trên địa bàn Cần Thơ đều có hoạt động cho vay tiêu dùng nhưng thị phần rất nhỏ và tổng dư nợ cho vay chỉ vào khoảng trên dưới 200 tỉ đồng. Cho vay tiêu dùng là những món vay nhỏ, cần nhiều năng lực và nhiều người để thực hiện nên nhiều ngân hàng không tập trung mảng này, mà chỉ tập trung cho các hoạt động đầu tư, dự án sản xuất kinh doanh... Trên địa bàn thành phố cũng không có Công ty tài chính đặt chi nhánh, mà họ thông qua các đại lý bán hàng (siêu thị, cửa hàng điện máy…) để cho vay trực tiếp với khách hành có nhu cầu.

Ngoài ra, vay tiêu dùng rất rủi ro vì không có tài sản thế chấp, người vay chỉ cần có chứng minh nhân dân, hộ khẩu nên lãi suất cho vay của các công ty tài chính tương đối cao so với mặt bằng lãi suất của ngân hàng. “Rất khó để nói về mức trần cụ thể với mức lãi suất cho vay tiêu dùng, bởi đây là sự thỏa thuận giữa hai bên”- ông Hà cho biết. Tuy nhiên, NHNN chi nhánh sẽ giám sát các hoạt động cho vay của các đơn vị này, nếu cố tình thông qua đại lý bán hàng để lôi kéo người tiêu dùng vay thì NHNN sẽ xử phạt hành chính, không cho hoạt động trên địa bàn tùy mức độ vi phạm.

  Song Nguyên

Chia sẻ bài viết