Linh hoạt, chủ động
Tác động kép từ những yếu tố bất lợi bên ngoài, cùng với hạn chế, thách thức bên trong làm cho đà phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) chậm lại, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và thu nhập, việc làm của người lao động. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP 9 tháng tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ 9 tháng năm 2020 (2,19%) và năm 2021 (tăng 1,57%).
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp, NHNN đã nới lỏng chính sách tiền tệ ngay từ đầu năm để thúc đẩy cho vay đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế. Song, tổng cầu thị trường xuất khẩu giảm, thị trường nội địa phục hồi chậm chạp, nên các DN rất cân nhắc việc mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 20-9-2023, huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022, với tổng huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) đạt khoảng 12,9 triệu tỉ đồng (cùng kỳ năm ngoái huy động vốn tăng khoảng 7,68%). Ước đến cuối tháng 9-2023, tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,63 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 6,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Để hỗ trợ nền kinh tế, tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất cho vay, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm dù trong bối cảnh lãi suất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tăng và các ngân hàng Trung ương neo lãi suất ở mức cao. Theo lãnh đạo NHNN, việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường và tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời góp phần giảm mặt bằng lãi suất cho vay, so với cuối năm 2022, lãi suất cho vay với các khoản vay mới đã giảm 1%/năm. Hiện các lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khoản vay mới bình quân ở mức 5,5-7%/năm; trung và dài hạn khoảng 8,5-10%/năm.
Các chuyên gia cho rằng, với diễn biến thị trường 2 tháng gần đây, xuất khẩu tăng, đơn hàng mới tăng nhẹ, thị trường lao động cũng phục hồi nhẹ… sẽ là tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm. Theo lãnh đạo NHNN, với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay tới đây sẽ tiếp tục giảm thêm. DN cũng đang kích hoạt sản xuất kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm cũng là điều kiện để kích cầu thị trường vốn.
Kỳ vọng thị trường cuối năm
Để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, ngay từ đầu năm, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ; kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Song song đó, NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm tạo điều kiện cho khách hàng tùy chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu; đồng thời được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần thúc đẩy kinh tế.
Thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 7-2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được các TCTD cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 96.000 tỉ đồng với gần 97.000 lượt khách hàng. Ngoài ra, các NHTM cũng tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ (BIDV và Agribank đã giải ngân khoảng 82,7 tỉ đồng). Với gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản lãi suất cho vay bằng VND thấp hơn tối thiểu 1-2%/năm so với mức lãi cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay. Đến nay, doanh số giải ngân gói 15.000 tỉ đồng này đã đạt khoảng 37% (tương đương 5.500 tỉ đồng), có 2.000 lượt khách hàng vay vốn.
NHNN cũng đã chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến nhu cầu vốn trên thị trường, kịp thời gỡ khó cho người dân và DN. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn VND phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến đối với ngắn hạn từ 7,2-8,8%/năm; trung, dài hạn từ 8-9,2%/năm. Lãi suất cho vay USD đối với khoản vay ngắn hạn 3,5-5,5%/năm, trung dài hạn 4,5-6%/năm. Tăng trưởng tín dụng 9 tháng tăng 4,28% so với cuối năm 2022 (dư nợ đạt 147.000 tỉ đồng); vốn huy động tăng 5,98%. Trong 9 tháng, kinh tế thành phố tăng trưởng khả quan hơn, ngoài các ngành thế mạnh, thì xuất khẩu thủy sản của các DN có đơn hàng tốt hơn so đầu năm 2023. Vì vậy, theo ông Trần Quốc Hà, nhu cầu vốn cuối năm sẽ tăng. Hiện lãi suất cho vay đã giảm, nên tổng cầu vốn tăng cao, tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm tăng nhanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Theo lãnh đạo NHNN, thanh khoản ngân hàng vẫn đang dồi dào, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động và chỉ đạo các TCTD tiếp tục hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Dự báo nhu cầu vốn các tháng cuối năm, nhờ vào sự phục hồi của thị trường trong quý III và nhu cầu tiêu dùng cuối năm.
Bài, ảnh: GIA BẢO