30/01/2008 - 09:22

Phát triển đàn bò thịt ở Đồng bằng sông Cửu Long

Không nên chạy theo phong trào!

Bài 1: Sự trở lại của con bò thịt

Khoảng sáu năm trước, phong trào “nhà nhà nuôi bò” phát triển rầm rộ, làm cho giá bò thịt ở vùng ĐBSCL rớt thê thảm. Nghề nuôi bò thịt ở nhiều địa phương đứng trước nguy cơ “phá sản”. Gần 3 năm trở lại đây, dịch cúm gia cầm, bệnh heo tai xanh và thêm vào đó là giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... liên tục tăng làm cho nghề nuôi gà, vịt, heo ngày càng khó khăn hơn. Trên thị trường, giá cả các loại thực phẩm tương ứng theo đó cũng tăng vùn vụt. Người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang thực phẩm thay thế, trong đó thịt bò là một trong những thực phẩm được ưu tiên. Trước thực trạng này, nghề nuôi bò ở ĐBSCL đã và đang phát triển như thế nào?

Giảm nghèo, tăng thu nhập

Năm 1999, gia tài cha mẹ hai bên cho vợ chồng anh Lê Thành Tuấn (ở ấp Cầu Ván, xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) khi ra riêng là 1 công đất ruộng và 1 con bê cái. Chín năm sau, gia đình anh mua thêm được 2 công đất ruộng và đàn bò phát triển lên được 5 con. Anh Tuấn cho biết: “5 năm trước, tui bán hai con bò đực được 10,4 triệu đồng. Số tiền này, vợ chồng tôi dành hết để nuôi heo, nuôi vịt chạy đồng, mua ruộng, cố ruộng để sản xuất. Cũng nhờ nuôi bò mà gia đình mới thoát được cảnh thiếu trước, hụt sau khi ra ở riêng”. Mấy năm nay, vịt thì bị cúm gia cầm, heo bị bệnh heo tai xanh, giá cả thức ăn chăn nuôi lại ngày càng đắt đỏ, do đó, hai loại vật nuôi này tỏ ra không hiệu quả đối với những hộ nông dân nghèo như hộ anh Tuấn. Anh Tuấn nói: “Cúm gia cầm nghe nói còn diễn biến phức tạp; giống, thức ăn nuôi heo thì cao quá. Làm sao kham nổi! Bây giờ, nuôi bò thịt, lấy công làm lời sẽ hiệu quả nhất”.

 Nhờ nuôi bò, gia đình anh Lê Thành Tuấn (ở ấp Cầu Ván, xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) thoát nghèo. Ảnh: THANH LONG 
Cũng với phương pháp “lấy công làm lời”, mô hình nuôi bò tỏ ra khá hiệu quả ở hai huyện miền núi của tỉnh An Giang là Tịnh Biên và Tri Tôn. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nuôi bò sinh sản là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer của hai huyện này. Ngoài việc tận dụng lượng cỏ tự nhiên ở đồi núi, nuôi bò sinh sản có nhu cầu vốn nhỏ nên thích hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình ở đây. Vì thế, tổng đàn bò của Tịnh Biên và Tri Tôn hàng năm luôn chiếm trên 50% tổng đàn bò của tỉnh.

Còn tại Trà Vinh, các dự án xóa đói giảm nghèo bằng cách đầu tư vốn nuôi bò sau thời gian tạm ngưng đã chuyển động trở lại. Điển hình ở huyện Trà Cú, năm 2008, Ngân hàng Chính sách huyện có kế hoạch giải ngân 4 tỉ đồng cho 500 hộ dân vay chăn nuôi bò. Một hộ dân sẽ được vay tối đa 10 triệu đồng để đầu tư mua một bò mẹ, một hoặc hai bò nghé. Anh Thạch Ca Tháp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng, cho biết: “Với giá bò như hiện tại, người dân nuôi bò sẽ mau thoát nghèo. Bởi nuôi bò chỉ tốn chi phí ban đầu mà không tốn chi phí đầu tư nuôi. Dù có gặp rủi ro cũng không sợ thua lỗ như nuôi heo”.

Không riêng gì Vĩnh Long và Trà Vinh, nhiều tỉnh khác như Sóc Trăng, Bến Tre... có nhiều hộ dân bắt đầu tính chuyện nuôi bò. Những dự án giảm nghèo từ việc nuôi bò đã và đang được các cấp, các ngành hữu quan triển khai thực hiện. Bởi theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dịch cúm gia cầm, dịch heo tai xanh sẽ còn diễn biến phức tạp. Để đảm bảo sức khỏe, nhiều người tiêu dùng chuyển hướng sang dùng các loại thực phẩm khác thay thịt gia cầm, thịt heo. Thịt bò trở thành một trong những đối tượng ưu tiên hàng đầu.

Sức cuốn hút mới

Ở tỉnh Trà Vinh, con bò thịt đang thắp lên tia hy vọng cho nông dân, khi giá bò đang tăng trở lại. Trước đây, anh Thạch Phương, ấp Trạm, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú rất đau lòng khi đàn bò 14 con trị giá cả trăm triệu đồng của mình có lúc tuột xuống còn chưa tới 50 triệu đồng. Anh Thạch Phương cho biết: “Lúc bò rớt giá, tôi rất nản chí vì bán 5 con bò cái, 3 con bò đực thu về chưa được 30 triệu đồng. Còn chừa lại 5 bò cái, 1 bò đực, bây giờ đã trị giá trên 30 triệu đồng rồi. Có thể tới đây bò sẽ còn lên giá vì gà, vịt, heo lên giá quá trời. Chi phí thức ăn lại tăng. Nhu cầu thị trường sẽ chuyển qua con bò thịt”. Đây cũng là dự báo phấn khởi cho con bò thịt ở ĐBSCL khi bước sang năm 2008.

Tổng đàn bò của tỉnh Long An hiện có trên 91.000 con, trong đó bò sữa khoảng 5.800 con, còn lại là bò thịt. Những năm gần đây, đàn bò ở Long An phát triển rất “nóng” theo phong trào chung của cả nước. Long An chủ trương đi từ con bò nền, nên đàn bò phát triển cơ bản đạt yêu cầu về chất lượng con giống. Ông Phạm Thanh Xuân, khu phố Lập Danh A, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, nuôi bò thịt 2 năm nay, hiện có đàn bò 25 con. Ông cho biết: “Chăn nuôi bò thịt ở đây, tôi tận dụng đồng cỏ rộng và rơm trong mùa thu hoạch lúa. Nuôi bò vỗ béo có lời và quay vòng cũng nhanh, cứ trên 1 năm, tôi xuất chuồng và gầy giống nuôi trở lại”. Bình quân một năm ông Xuân thu nhập hơn 50 triệu đồng từ tiền bán bò thịt. Còn bà Phạm Thị Gái, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, nuôi 7 con bò sữa và 2 con bò thịt, cũng cho biết: “Tôi mới nuôi bò thịt mấy năm nay, chứ hơn chục năm qua tôi nuôi bò sữa. Bây giờ giá thức ăn cho bò sữa tăng, dù giá sữa có tăng, nhưng không có lời, nên chuyển sang vỗ béo bò thịt để đắp đổi cho con bò sữa”. Tại Long An, giá bò thịt đang ở mức 62.000 đồng/kg tính theo trọng lượng con bò (trừ lại 40 kg hơi). Nhiều người dân ở Long An cho biết, giá thịt bò loại thường ở chợ chỉ 60.000 đồng/kg, nếu đem so với thịt heo rẻ hơn nhiều. Nhiều người chọn mua thịt bò chế biến cho bữa ăn hàng ngày, làm đám tiệc thay thế thịt heo. Thịt bò được bày bán rất nhiều ở các chợ trong tỉnh.

Năm 2007, đàn bò, chủ yếu là bò thịt, của tỉnh Vĩnh Long khoảng 67.600 con, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2006. Trong đó, huyện Vũng Liêm chiếm gần 23.000 con. Ông Hồ Công Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện này, cho biết: “Năm 2007, tổng đàn bò của huyện tăng gần 2.000 con so với năm 2006. Chi phí chăn nuôi gia cầm và heo tăng cao, trong khi đó, dịch cúm gia cầm, heo tai xanh ở ĐBSCL còn diễn biến phức tạp là những nguyên nhân chính cho sự phát triển trở lại của con bò thịt ở Vĩnh Long và cả ĐBSCL”.

Theo Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT, từ 2001-2006 đàn bò cả nước tăng từ 3,89  triệu con lên đến 6,51 triệu con, đạt tốc độ bình quân 9,67%/năm. Phấn đấu tổng đàn bò cả nước đạt khoảng 7,84 triệu con vào năm 2010, 10 triệu con vào năm 2015 và 12,46 triệu con vào năm 2020.

Ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nơi chuyên nuôi bò thịt vỗ béo (người dân mua bò lớn nhưng gầy về cho ăn thúc để bò mập lên thì bán - PV) có một đặc trưng khá thú vị trong sản xuất nông nghiệp là những cánh đồng bắp xanh mướt và những chuồng nuôi bò thịt nối tiếp nhau. Anh Lê Văn Hùng, ở xã Mỹ An, một trong những “tay nuôi bò vỗ béo lớn” ở huyện Chợ Mới, nói : “Cách đây 5 năm, cây bắp là cây màu chủ lực ở đây. Thời điểm đó, trồng bắp chỉ để lấy trái, còn thân cây thì chặt bỏ. Khi ấy, chỉ có một vài hộ nuôi bò. Họ xin thân cây bắp về cho bò ăn. Bò lớn rất nhanh. Thế là phát triển nghề nuôi bò vỗ béo”. Đến cuối năm 2007, tổng đàn bò của huyện Chợ Mới đã lên đến 12.600 con. Nói về sự phát triển khá nhanh này, anh Hùng chứng minh: “Tôi vừa bán 3 con bò thịt được 27,5 triệu đồng, lời 13 triệu đồng chỉ sau 8 tháng nuôi. Rõ ràng, nuôi vỗ béo bò thịt vốn ban đầu nhiều, nhưng lợi nhuận thì chắc ăn. Trong khi các vật nuôi khác như heo, gà, vịt phải tốn tiền mua thức ăn, chịu nhiều rủi ro do dịch bệnh và biến động giá”.

*

* *

Với những tác động hiện nay, theo nhiều dự báo có khả năng con bò sẽ còn phát triển nhanh về số lượng trong thời gian tới. Tuy nhiên, bài học của 5-7 năm trước (phát triển ồ ạt nghề nuôi bò trong khi nguồn giống không đảm bảo, thiếu thức ăn) và việc nhập khẩu thịt đối với các nước trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã và sẽ tiếp tục đặt ra những bài toán khó cho sự phát triển đàn bò ở ĐBSCL và cả nước.

Nhóm PV
(Còn tiếp)

Nhóm PV (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết