10/01/2017 - 09:07

Đồng bằng sông Cửu Long

Không lơ là hạn, mặn

Quang Đăng

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô năm 2016-2017 thuộc năm thủy văn có dòng chảy nhỏ. So với mùa khô năm 2015-2016 ít nghiêm trọng hơn nhưng diễn biến mặn tương đối phức tạp: xâm nhập khá sớm, sâu và kéo dài so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, ngay từ thời điểm này, chủ động phòng chống hạn, mặn là yêu cầu cấp thiết của các dịa phương vùng ĐBSCL.

Diễn biến tương đối phức tạp

Nông dân huyện Phong Điền nạo vét kênh mương để chủ động nguồn nước tưới cho vườn cây ăn trái. Ảnh: Mỹ Hoa 

 Nhiều kênh nội đồng ở ĐBSCL trơ đáy, đất nứt nẻ trong mùa khô 2015-2016. Ảnh: T.Long

Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương nhận định: Khu vực ĐBSCL lượng mưa từ tháng 12-2016 đến 2-2017 giảm do bắt đầu vào mùa khô. Từ tháng 3 đến tháng 6-2017, lượng mưa có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong suốt mùa khô 2016-2017, tổng lượng dòng chảy sông Mê Công về khu vực ĐBSCL dự báo sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 15-30%, tương đương mùa khô năm 2014-2015, nhưng cao hơn 2015-2016.

Cuối tháng 12-2016 và tháng 1-2017, các vùng cách cửa sông 20-30km đã có mặn vượt quá 4g/l vào thời kỳ triều cường. Khi triều thấp, chân triều vẫn xuất hiện nước ngọt nhưng khả năng lấy được ngọt hạn chế. Trong tháng 2 và 3-2017, mặn có thể xâm nhập sâu vào đồng bằng. Vùng từ 40-45km trở ra mặn 4g/l xâm nhập thường xuyên, nhất là trong các đợt triều cường. Vùng này vẫn có khả năng lấy ngọt khi triều thấp. Vùng từ 45-55km, mặn 4g/l xuất hiện không thường xuyên, chỉ vào lúc triều cường. Do vậy, có khả năng tranh thủ lấy nước ngọt trong thời kỳ này. Đây là thời gian xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi. Trong tháng 4-2017, xâm nhập mặn như tháng 3 nếu lượng nước về ĐBSCL tăng và phạm vi xâm nhập mặn tương tự như tháng 1, 2. Trong tháng 5, nếu không có mưa, thì độ mặn trên các cửa sông vẫn còn cao như trong tháng 4 và có khả năng kéo dài trong tháng 6.

Với những dự báo như trên, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cảnh báo: Vụ đông xuân 2016-2017, các vùng ven biển 20-30km có khả năng thiếu nước. Vụ xuân hè, hè thu 2017, vùng ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn nếu không có mưa sớm. Khi đó, chi phí sản xuất tăng do sử dụng bơm chuyền (2 - 3 cấp) để tận dụng nguồn nước thấp trong kênh nội đồng chống hạn. Một số vùng không có khả năng cấp ngọt, thủy sản (tôm nước lợ) có thể bị thiệt hại hoặc giảm năng suất do nồng độ mặn cao, như: các huyện An Minh, An Biên (Kiên Giang); phía Nam quốc lộ 1A thuộc tỉnh Bạc Liêu; các huyện Thạnh Phú, Ba Tri (Bến Tre)... Có khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt cho người dân vùng ven, đặc biệt là các vùng cù lao cửa sông (Tân Phú Đông – Tiền Giang, Hòa Minh – Trà Vinh, Cù Lao Dung- Sóc Trăng, các huyện ven biển tỉnh Bến Tre...).

Chủ động phòng, chống

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các địa phương vùng ĐBSCL cần tích trữ nguồn nước ngọt tối đa ngay từ thời điểm này trở đi và chuẩn bị kế hoạch cho công tác phòng, chống hạn, mặn. Một số khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn ngọt cần xem xét lựa chọn loại cây chịu mặn, ít sử dụng nước. Lâu dài, cần có chiến lược cấp nước ngọt cho các vùng xa nguồn ngọt ven biển, trong đó đặc biệt chủ yếu nâng cấp các kênh chuyển nước ngọt.

"Công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, mặn trong đợt ảnh hưởng của El Nino 2014-2016 đã mang lại hiệu quả tích cực, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai này gây ra. Vì thế, các địa phương vùng ĐBSCL cần phát huy các giải pháp thực hiện mang lại hiệu quả cao. Điển hình như: Dự báo sớm xâm nhập mặn, giúp chủ động dịch chuyển thời vụ. Điều chỉnh cơ cấu cây trồng né được thời kỳ xâm nhập mặn lên cao. Ngoài ra, việc dừng sản xuất lúa những diện tích không đảm bảo nguồn nước ở khu vực Nam Trung bộ giúp không mất chi phí sản xuất; nạo vét kênh mương, đắp đập tạm, đào ao, giếng sẽ giúp ích lớn trong tạo nguồn nước…", ông Nguyễn Văn Tỉnh đề xuất.

Chủ động đối phó với hạn, xâm nhập mặn, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, khuyến cáo: Các địa phương cần lưu ý quản lý nước trong ruộng lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng và chủ động tưới lúa tiết kiệm nước, giảm phát khí thải nhà kính. Quán triệt đến từng địa phương một cách cụ thể về khả năng đảm bảo của nguồn nước cho sản xuất. Trong đó, cần lưu ý đối với những diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước. Đối với cây ăn trái, thực hiện rải vụ thu hoạch. Tùy theo nguồn nước, bố trí rải vụ hợp lý, tránh thiệt hại do hạn, nhập mặn gây ra. Các tỉnh xa vùng biển, như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, một phần Long An, Tiền Giang có thể áp dụng các biện pháp rải vụ thu hoạch đối với một số loại cây trồng, như: thanh long, sầu riêng, nhãn. Các tỉnh ven biển, như: Bến Tre, Trà Vinh, một phần Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An cần chuẩn bị phương án tích trữ nước ngọt ngay từ đầu vụ và chỉ xử lý ra hoa trái vụ ở những vùng đủ nước ngọt… Đặc biệt, trước khi lấy nước, cần kiểm tra độ mặn một cách cẩn thận, tuyệt đối không lấy nước khi độ mặn cao hơn 1‰; đối với sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn lớn hơn 0,51‰.

TP Cần Thơ Đề nghị cấp khoảng 20 tỉ đồng xây trạm bơm điện, nạo vét kênh mương

Theo Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, để đảm bảo có đủ nguồn nước phục vụ sản xuất các vụ lúa, nhất là kịp thời thu hoạch trước mùa lũ năm 2017, đề nghị Tổng cục Thủy lợi trình Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ kinh phí cho thành phố: xây dựng mới 2 trạm bơm điện; nạo vét kênh mương với khoảng 1 triệu m3 đất. Tổng kinh phí khoảng 20 tỉ đổng.

Những năm qua, do nguồn vốn đầu tư cho thủy lợi hạn chế nên phần lớn các hệ thống kênh cấp 2 và nội đồng trên địa bàn TP Cần Thơ bị bồi lắng nghiêm trọng. Điều này hạn chế rất lớn đến khả năng dẫn nước vào ruộng, nhất là trong điều kiện nắng hạn, mực nước kênh rạch xuống thấp như hiện nay. Các quận, huyện trên địa bàn thành phố có kế hoạch nạo vét các kênh cấp 2 nội đồng bị bồi lắng; sửa chữa, khôi phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng và xây dựng các trạm bơm điện nhỏ để phục vụ cấp nước cho sản xuất.

Chia sẻ bài viết