08/04/2008 - 09:13

Không liên kết, ngành thủy sản khó tồn tại

(CT)– Đó là kết luận tại Hội thảo “Liên kết dọc – Giải pháp cho phát triển thủy sản bền vững” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại TP Cần Thơ vào sáng ngày 7-4.

Theo VASEP, thời gian qua, ngành thủy sản của cả nước không ngừng phát triển cả về sản lượng chế biến và kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, năm 2007, với kim ngạch đạt trên 3,762 tỉ USD, Việt Nam trở thành một trong 10 nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản... Tuy nhiên, sự phát triển này đã và đang đối mặt với nhiều thách thức như: chu kỳ giá – sản lượng khủng hoảng, biến động thường xuyên; chất lượng sản phẩm không đồng nhất và gian lận thương mại; dịch bệnh và sử dụng hóa chất, kháng sinh bị cấm; chi phí sản xuất ngày càng tăng; đàn giống thủy sản bố mẹ thoái hóa, chất lượng giống thấp; môi trường nước xuống cấp do bị ô nhiễm; khó khăn trong huy động nguồn vốn dẫn đến việc vay nóng, bán nóng gây lỗ lã, phá sản, mất an sinh xã hội...

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực VASEP, cho rằng cần có các giải pháp quản lý và kỹ thuật đồng bộ (xây dựng tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường, quy hoạch nuôi tập trung, tổ chức quản lý cộng đồng, công nghệ vaccin, xây dựng thương hiệu, phát triển kênh phân phối...) và xây dựng liên kết dọc lấy nhà máy làm trung tâm. Mô hình liên kết dọc bao gồm: nhà máy chế biến xuất khẩu, trại nuôi, cơ sở dịch vụ (thức ăn, con giống, thuốc...), ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức chứng nhận... Các chủ thể trong liên kết được “ràng buộc” bởi 5 hợp đồng: bảo lãnh cung cấp giữa nhà máy và các đơn vị dịch vụ đầu vào cho người nuôi; hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm giữa nhà máy và người nuôi; bảo trợ và cung cấp tài chính tín dụng cho liên kết giữa nhà máy và ngân hàng; bảo hiểm giữa nhà máy và công ty bảo hiểm; đánh giá chứng nhận giữa nhà máy và chứng nhận độc lập.

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết