Ðêm chung kết cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 kết thúc trong ồn ào và tai tiếng. Và chỉ trong 2 đêm liên tiếp, cả nước có thêm 3 người trở thành hoa hậu, 9 người là á hậu và hàng chục giải thưởng nghe "nổ rôm rốp" từ các cuộc thi nhan sắc này. Nhiều người phàn nàn chuyện hoa hậu đâu nhiều vậy, liệu đăng quang rồi thì sẽ đóng góp gì cho xã hội. Nhưng ở một hướng nhìn khác, nhiều người cho rằng, nếu không kỳ vọng vào các cuộc thi nhiều như nấm sau mưa này, thì hẳn sẽ không thất vọng. Chỉ nên xem các sự kiện này như là gameshow hay chương trình giải trí.
"Lạm phát hoa hậu" là cách mà nhiều người vẫn ví von về tình trạng nở rộ các cuộc thi nhan sắc hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hầu hết các cuộc thi được tổ chức đều có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, họ tổ chức không sai và nếu quá trình tổ chức thực hiện đúng theo nội dung giấy phép quy định, họ lại… càng không sai. Và nếu có sai, như một số trường hợp đã xảy ra, sẽ có sự vào cuộc của cơ quan chức năng và sự phản hồi từ dư luận xã hội.
Thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện nay có không dưới vài chục cuộc thi nhan sắc trong một năm, ở các cấp khác nhau. Chỉ riêng cuộc thi nhan sắc có liên quan đến yếu tố "du lịch", đã có khoảng chục cuộc. Sở dĩ nhiều người thấy choáng ngợp trước các danh hiệu hoa hậu là vì trước đây, nước ta chỉ có một cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, tổ chức cách năm, tạo được uy tín trong thời gian dài. Và các hoa hậu đăng quang cuộc thi này cũng ít nhiều có đóng góp cho cộng đồng.
Chính sự tiên phong ấn tượng ấy mà nhiều người kỳ vọng vào các cuộc thi nhan sắc và hoa hậu bây giờ. Và khi không được như kỳ vọng, nhiều người thất vọng, bất mãn. Thử xem lại "trăm hoa đua nở" hoa hậu vừa qua đã có đóng góp gì cho xã hội, hay chỉ là "hoa nở chóng tàn"? Họ đi thi để có danh hiệu mà tìm đường nổi tiếng? Như có hội thi trang phục truyền thống chỉ ở cấp huyện tổ chức, nhưng danh hiệu thì được xướng lên ở mức… "đại sứ". Nhưng rồi, "đại sứ" ấy có làm gì để góp phần phát triển du lịch địa phương, bảo tồn trang phục truyền thống ấy đâu! Suy cho cùng, những danh xưng mỹ miều ấy có vẻ là chiếc áo quá rộng và quá hào nhoáng đối với họ.
Trong bối cảnh các cuộc thi nhan sắc được tổ chức dày đặc, thiết nghĩ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các cơ quan chức năng liên quan cần xác định và xây dựng một "thương hiệu" riêng mang tầm quốc gia. Ðể người đẹp đăng quang cảm thấy xứng đáng và có trách nhiệm trong quảng bá hình ảnh đất nước. Còn lại, các cuộc thi khác chỉ nên xem là chương trình truyền hình thực tế, sân chơi cho người đẹp hay chương trình giải trí… theo kiểu "mua vui cũng được một vài trống canh". Nghĩ vậy và làm vậy, chắc sẽ nhẹ nhàng hơn!
ÐĂNG HUỲNH