01/04/2008 - 21:19

Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ

Không chuyên nghiệp, khó đi xa

Sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Việt Nam hiện có mặt tại 136 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN đạt khoảng 750 triệu USD, tăng 19% so với năm 2006. Chỉ tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN trong năm 2008 đạt 1 tỉ USD, tăng hơn 35% so với năm 2007. Theo định hướng của Chính phủ, từ nay đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN đạt 1,5 tỉ USD, mức tăng trưởng trung bình mỗi năm trên 20%/năm. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu và tiếp thị quảng bá sản phẩm TCMN là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tiềm năng lớn

Cả nước hiện có hơn 2.000 làng nghề, thu hút 1,4 triệu hộ gia đình và khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất - xuất khẩu, giải quyết việc làm cho trên 13 triệu lao động. Trong những năm gần đây, các làng nghề chuyên về hàng TCMN phát triển khá nhanh và sản phẩm đã có mặt ở các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Nga, một số nước khối ASEAN và EU. Hiện nay, trên thị trường thế giới, hàng TCMN Việt Nam chiếm nhiều ưu thế so với một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines... nhờ phần lớn sử dụng nguyên liệu trong nước, tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu chỉ chiếm trên 10%, chi phí nhân công rẻ, đội ngũ lao động lành nghề.

Một số mặt hàng TCMN của TP Cần Thơ được trưng bày tại Hội thảo khoa học bàn về tiềm năng và hướng phát triển đối với hàng TCMN xuất khẩu Việt Nam, được tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 25-3-2008. Ảnh: N.H 

Trong xu thế chung đó, những năm gần đây, làng nghề TCMN tại ĐBSCL được nâng chất đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng sản phẩm. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước mà ngày càng có nhiều mặt hàng TCMN xuất khẩu ra nước ngoài, được khách hàng ưa chuộng, như các sản phẩm gia dụng và trang trí được làm bằng nguyên liệu lục bình, cói, lác, tre, gốm... Ông Châu Dũng Khanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Quang Minh (tỉnh Tiền Giang), cho biết: “HTX chuyên sản xuất các mặt hàng TCMN dùng cho trang trí nội thất được làm từ nguyên liệu lục bình, cói ... Năm 2007, HTX đạt kim ngạch xuất khẩu 4,2 triệu USD; tăng 20% so với 2006. Hiện tại 40% mẫu sản phẩm do HTX tự thiết kế, còn lại 60% là khách hàng đặt mẫu”.

Theo Bộ Công Thương, hàng TCMN là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu tiềm năng và được dự báo có khả năng tăng trưởng mạnh trong năm nay. Trong 2 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN đạt hơn 150 triệu USD, tăng gần 25% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là một tín hiệu lạc quan. Ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống, Canada và các nước Trung Đông đang là những thị trường tiềm năng của mặt hàng TCMN Việt Nam.

Để phát triển bền vững

Kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng khá. Song, việc sản xuất và xuất khẩu hàng TCMN tại Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng , còn khá manh mún, quy mô hoạt động nhỏ, lực lượng lao động được đào tạo chủ yếu theo phương pháp truyền nghề, chứ chưa qua đào tạo chính qui. Một mặt do doanh nghiệp thiếu thông tin về thị trường, mẫu mã đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng...; việc xử lý nguyên liệu cho sản xuất hàng TCMN còn rất thủ công, chưa hình thành được nhà máy chế biến và xử lý nguyên liệu chuyên cung cấp cho hàng TCMN. Mặt khác, việc xây dựng thương hiệu gần như chưa được các doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm đúng mức. Do vậy, để đạt được mục tiêu theo định hướng của Chính phủ cần có sự thay đổi lớn từ sản xuất đến thiết kế sản phẩm, tiếp thị, xây dựng thương hiệu...

Ông Trần Thanh Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Phước Hưng, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, chuyên gia công xuất khẩu các loại giỏ xách làm từ lục bình, cho biết: “Đối với một doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, khả năng xuất khẩu trực tiếp rất khó, nên phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp lớn. Không chủ động được nguồn nguyên liệu và kỹ thuật sơ chế nguyên liệu nên chúng tôi cũng chỉ làm theo kinh nghiệm, thủ công. Nếu chúng tôi xuất khẩu trực tiếp thì lại ngại sự cạnh tranh không lành mạnh về giá với nhau. Tôi nghĩ các doanh nghiệp cùng ngành hàng cần liên kết lại để tạo dựng thương hiệu, chứ không nên cạnh tranh để triệt tiêu lẫn nhau”. Còn bà Lê Thị Hồng Hoa, chủ cơ sở mỹ nghệ Hoàng Cung, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, chia sẻ: “Sản phẩm hàng TCMN của ĐBSCL có nhiều thế mạnh, nhưng vẫn chưa đủ sức vươn ra thị trường thế giới là do chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở, doanh nghiệp trong ngành với nhau”.

Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, có nhiều cách để cơ sở, doanh nghiệp chọn lựa con đường hội nhập như: hợp tác làm gia công sản phẩm với công ty nước ngoài, doanh nghiệp trong nước và “xông thẳng” ra thị trường nước ngoài. Chẳng hạn, HTX thêu- may Kim Chi, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, chấp nhận tốn kém chi phí để tham dự Hội chợ quốc tế và trong nước nhằm quảng bá sản phẩm cùng thương hiệu của mình. Hàng năm HTX nghiên cứu, cho ra thị trường 200 – 300 mẫu mã có mẫu thêu tay mới. Sản phẩm thêu tay Kim Chi đang có mặt ở các thị trường Pháp, Đức, Ý, Hy Lạp, Mỹ... HTX được công nhận đơn vị xuất khẩu uy tín 3 năm liền (2004- 2006). Ngoài thị trường xuất khẩu, HTX còn chú trọng đến thị trường nội địa với những sản phẩm phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, Nhật Bản là thị trường chiếm đến gần 30% lượng hàng TCMN xuất khẩu của Việt Nam. Các chuyên gia đến từ nước này khuyến cáo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng TCMN Việt Nam cần phải chuyên nghiệp hơn nếu muốn thâm nhập sâu vào những thị trường khó tính. Bà Miyoko Sawada, Chuyên gia cao cấp Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nhận định: “Hàng TCMN Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường thế giới. Theo tôi, Việt Nam có 3 thuận lợi để sản xuất hàng TCMN, đó là: nguồn nguyên liệu, kỹ năng và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh xuất khẩu phải làm tốt các việc như xây dựng ý tưởng, tìm hiểu thông tin về sản phẩm, nhu cầu thị trường, để tạo ra sản phẩm vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc, đạt yêu cầu thẩm mỹ và phù hợp với thị hiếu, văn hóa của khách hàng. Không nên bắt chước quá nhiều những cái có sẵn, những mẫu sản phẩm đang hút hàng”.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, để phát triển bền vững hàng TCMN xuất khẩu thì vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất cũng rất quan trọng.

KHÁNH NAM- GIA BẢO

Chia sẻ bài viết