21/06/2010 - 20:07

Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu khu vực ĐBSCL

Năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được hơn 6 triệu tấn gạo, trị giá 3 tỉ USD. Trong đó, khu vực ĐBSCL đóng góp tới 95% lượng gạo hàng hóa xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo tại khu vực này đang phải đối phó với khó khăn về vốn. Theo thống kê, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của cả nước đến nay vào khoảng 231 ngàn tỉ đồng. Riêng khu vực ĐBSCL là 71 ngàn tỉ đồng (chiếm 30,6%). Trong khi đó, huy động vốn của cả khu vực chỉ đạt xấp xỉ 115 ngàn tỉ đồng, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tại chỗ đang ngày một tăng. Hội thảo “Nâng cao sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp” khu vực ĐBSCL do Ngân hàng TMCP VIB tổ chức tại TP Cần Thơ diễn ra mới đây đã hé mở những giải pháp mới về vốn hỗ trợ DN xuất nhập khẩu trong khu vực.

Với những cam kết hỗ trợ DN xuất nhập khẩu khu vực ĐBSCL, Ngân hàng TMCP VIB sẽ dành 1.500 tỉ đồng cho ngành gạo và 1.500 tỉ đồng cho ngành thủy sản. 

DOANH NGHIỆP “KHÁT VỐN”

Tại buổi hội thảo “Nâng cao sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp” khu vực ĐBSCL do Ngân hàng TMCP VIB tổ chức tại TP Cần Thơ, bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ chia sẻ: Hiện nay, không chỉ có các doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất nhập khẩu mà ngay cả nông dân và hàng loạt DN hoạt động trong các lĩnh vực khác tại khu vực này cũng đang có nhu cầu rất lớn về vốn. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng hiện nay đang bị hạn chế do lãi suất và cơ chế vay vốn còn có nhiều điểm chưa phù hợp với đặc điểm của vùng. Nếu các ngân hàng chỉ hướng đến các DN lớn, các DN xuất nhập khẩu đem lại nhiều ngoại tệ để cho vay vốn, thì các DN nhỏ sẽ trông chờ nguồn vốn từ đâu trong khi số lượng DN nhỏ và vừa lại chiếm một phần rất lớn? Với nhiều gói dịch vụ, sản phẩm tín dụng đang hướng tới khu vực này, VIB có thể đưa ra nhiều giải pháp về vốn không chỉ hỗ trợ DN xuất nhập khẩu mà cần mở rộng hơn cho nhiều đối tượng DN khác, nhất là DN vừa và nhỏ.

Nhiều DN cho rằng, tín dụng cho khu vực ĐBSCL có đặc trưng nhu cầu vốn cho các hoạt động sản xuất thường cao hơn mức huy động được tại địa bàn, mạng lưới của các ngân hàng (ngoại trừ Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam-Agribank) chưa bao phủ rộng, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và DN từ các tổ chức tín dụng còn hạn chế... Nguồn vốn huy động tại chỗ của khu vực này chỉ đạt 115 ngàn tỉ đồng (tương đương 6% tổng vốn huy động toàn hệ thống ngân hàng trong cả nước, khoảng 1.777 ngàn tỉ đồng) trong khi dư nợ cho vay lên tới 174 ngàn tỉ đồng. Đó là còn chưa kể đến các nhu cầu chưa được ngân hàng đáp ứng và phải vay từ nguồn tín dụng khác.

Mặc dù, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm và hiện dao động quanh mức 14%/năm, nhưng việc tiếp cận vốn vay của không ít DN vẫn rất khó khăn. Những DN có tỷ lệ vốn vay ngân hàng lớn đang có nguy cơ đối mặt với thua lỗ. Muốn cải thiện tình trạng này, nhiều người cho rằng, cả ngân hàng lẫn DN đều phải làm mới chính mình. Đại diện một DN lấy ví dụ, đã từng có DN dược phẩm lớn đang thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất mới theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đòi hỏi tổng vốn đầu tư lên đến 40-50 tỉ đồng. DN khẳng định đây là dự án khả thi vì đảm bảo được đầu ra của sản phẩm do đã ký được hợp đồng bao tiêu. Tuy nhiên, đề án này lại bị một số ngân hàng từ chối với lý do không thể cho vay dài hạn.

Ông Lê Văn Tường, Giám đốc Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (PITIMEX), băn khoăn: “PITIMEX là DN có hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu lớn tại khu vực ĐBSCL và có mối gắn bó mật thiết với VIB. Tuy nhiên, với hạn mức tín dụng hàng tháng như hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng gia tăng của DN, mà phải cần sự hỗ trợ của ngân hàng thông qua việc cấp thêm hạn mức. Ngoài ra, những điều kiện khác như điều kiện mở chứng từ thanh toán (L/C), phát triển thêm mạng lưới của VIB rộng khắp tại các tỉnh, thành trong khu vực giúp DN thuận tiện liên hệ giao dịch và các dịch vụ hạn chế rủi ro về tỉ giá một cách kịp thời... để DN hoạt động tốt hơn”.

Từ những thuận lợi và khó khăn của các DN Việt Nam trong nhiều năm mở rộng hội nhập thị trường quốc tế đòi hỏi các DN phải liên kết tạo chuyển biến mới về cạnh tranh trong giai đoạn tới trước những biến động mạnh của thị trường thế giới. Các chuyên gia cho rằng, để đạt kết quả mong muốn, các DN cần đổi mới thiết bị, máy móc, tập trung sản xuất những sản phẩm có thị truờng, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. DN cũng cần phải thực hiện quản trị chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, ISO 14000-2004, SA 8000-2001, OHSAS 18001 nhằm nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, từng bước liên kết với các DN nước ngoài có cùng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.

GIẢI PHÁP NÀO?

Đại diện lãnh đạo VIB kiến nghị các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cần tăng cường hỗ trợ các DN nâng cao năng lực tài chính, trình độ quản lý, tay nghề của người lao động; hỗ trợ các DN dịch vụ kỹ thuật công nghệ, thông tin thị trường; minh bạch hóa về chất lượng sản phẩm, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, cần thiết lập hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tiếp thị, quảng cáo, nghiên cứu thị trường trong và ngoài khu vực. Xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm chủ lực; tăng đầu tư cho ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong các khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản nông, thủy, sản; hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển công nghệ sau thu hoạch.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp VN chi nhánh Cần Thơ, ĐBSCL hiện có khoảng 15.000 DN, phần lớn là DN vừa và nhỏ. Các DN trong khu vực chưa nắm thông tin đầy đủ về WTO, về thông tin thị trường trong ngoài nước, về các đối tác cạnh tranh. Việc tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng xuất khẩu của các DN chưa ổn định, việc đổi mới máy móc, thiết bị chậm. Ngoài ra, vốn phục vụ cho tái đầu tư cũng hạn chế, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN. Tuy nhiên, để làm được điều này, DN tất yếu phải có nguồn vốn đủ mạnh.

Theo bà Huỳnh Lê Mai, Giám đốc Vùng ĐBSCL Ngân hàng TMCP VIB, khu vực ĐBSCL đang có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông ngày càng được hoàn thiện... Tuy nhiên, ĐBSCL cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như thị trường xuất khẩu truyền thống chưa có dấu hiệu hồi phục, nguồn nhân lực đáp ứng cho phát triển kinh doanh, chiến lược phát triển thương hiệu DN, đảm bảo nhu cầu vốn cho sản xuất... Để giúp các DN trong vùng vượt qua thách thức, tại khu vực ĐBSCL, VIB đang dành cho các DN các dịch vụ ngoại hối với tỉ giá tốt nhất và các gói tài trợ vốn đặc biệt như: 1.500 tỉ đồng chương trình “VIB nâng niu hạt gạo vàng Việt Nam” và 1.500 tỉ đồng chương trình “VIB tiếp sức DN ngành thủy sản”... Theo đó, khách hàng thuộc đối tượng của chương trình sẽ được ưu đãi lãi suất vay vốn dài hạn, điều kiện vay linh hoạt và được tư vấn về triển khai dự án theo tiêu chuẩn quốc tế.

Còn ông Ân Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP VIB, cho rằng ĐBSCL là một trong những khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước, đặc biệt đây là thị trường đầy tiềm năng đối với các DN xuất nhập khẩu các ngành hàng như nông sản (gạo, trái cây...) thủy-hải sản... Hiểu được mối quan tâm hàng đầu của các DN, chúng tôi mong muốn luôn được đồng hành, chia sẻ, tìm ra giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh, tạo ra sự phát triển bền vững cho các DN khu vực ĐBSCL nói riêng, của cả nước nói chung theo tiêu chí trở thành ngân hàng “tận tâm” với tất cả các DN. Một trong những giải pháp hữu hiệu đó là VIB luôn chủ động tìm kiếm nguồn vốn rẻ, ổn định và dài hạn từ các tổ chức cả trong và ngoài nước như việc tham gia các dự án SMEFP III (tài trợ vốn giá ưu đãi các doanh nghiệp vừa và nhỏ), RDFII (Dự án tài chính nông thôn II), dự án Quỹ tín dụng xanh... Hỗ trợ các DN nâng cao sức mạnh cạnh tranh, biến những thách thức thành những cơ hội kinh doanh để tạo vị thế mới trên thị trường nội địa và quốc tế. VIB cam kết bằng sức mạnh của cả hệ thống để hợp tác, phục vụ hiệu quả các khách hàng DN và phấn đấu trở thành ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng nhất tại Việt Nam.

Bài, ảnh: VĂN TUẤN

Chia sẻ bài viết