Truyện ngắn: Nguyễn Cẩm The
Tôi về nhà. Má đang ngồi vo gạo nấu cơm. Tôi cười "Trời! Má biết con về hay sao mà nấu nồi cơm to vậy?". Má tôi tỉnh rụi "Bây về thì ăn cơm nguội cũng được, cái này là má nấu cho mấy đứa ăn đi kéo lúa nhà mình". Tôi nhìn ra cánh đồng đang rộn ràng vào mùa gặt, rồi hỏi "Ba có kêu anh Thảo qua phụ không má?". "Dễ không à!". Vậy là tôi lấy cớ mang nước ra đồng cho mấy người khuân vác uống đỡ mệt.
|
|
Nắng buổi sáng đang hậm hực như báo hiệu chiều nay trời sẽ đổ mưa to. Ngoài đồng, những chiếc máy kéo thi nhau phình phịch khói, những làn khói đen xì cuộn tròn vướng vào gốc rạ vừa mới cắt. Mùi lúa mới bốc lên thơm lừng, ngọn gió đung đưa mấy đọt tràm trổ bông vàng rộm. Nhìn cảnh này tôi bùi ngùi nhớ những ngày mình còn hì hục lội theo mấy đường máy kéo để bắt ốc, bắt cá sặt, cá rô
Bây giờ quen sống ở phố nên cảnh này dòm tôi như xa lạ, ý như hỏi "Ai vậy? Ai mà lạ quá nhìn không ra?". Nhìn không ra vì lâu quá tôi mới về, vì móng chân tôi đã không còn mùi phèn của đất. Nhưng anh Thảo vẫn nhận ra tôi, vẫn cái mỉm cười đôn hậu.
Anh nói anh vừa vác xong mấy chục bao lúa lên máy kéo, còn chừng ba chuyến nữa là rồi. Làm xiết sợ chiều trời mưa thì khổ. Anh ngồi bệt trên liếp tràm, trán lã chã mồ hôi, anh hỏi tôi về rồi chừng nào đi? Dường như ai cũng mặc định cho tôi sinh ra để về phố sống, tôi là con người của chữ nghĩa, chứ chẳng thể thuộc về chốn ruộng đồng. Mà đâu ai biết là tôi cũng yêu thương chốn quê nhà lắm chứ. Không thương nhớ thì tôi về làm gì, lấy cớ xách nước ra ruộng chi cho sình chân, nắng tóc. Tôi đáp anh bằng một ánh nhìn tinh nghịch "Không có. Em về lần này rồi ở nhà luôn. Anh Thảo khỏe hả? Anh có gặp lại Ngọc không?". Câu hỏi của tôi vô tình chạm vào đáy lòng anh, làm vết thương xưa đứt chỉ, khẽ khàng máu chảy. Sau câu hỏi ấy tôi thấy lòng mình chùng lại, trước mắt tôi là gương mặt chữ điền rám nắng của người thanh niên ba mươi mốt tuổi. Hình như anh đang nhớ Ngọc. Người con gái mà tưởng chừng như sẽ cùng anh đi suốt cả cuộc đời nhưng ai ngờ đến buổi chiều nhóm họ, cô dâu nói đi ra chợ trang điểm rồi đón đò dọc đi mất. Đám cưới mất cô dâu, hai họ ngỡ ngàng chạy kiếm xấc bấc xang bang. Chỉ có chú rể ngồi lặng thinh ngay cửa an ủi bà má vợ đang khóc sụt sùi. Anh nói "Tại con, má đừng có trách cổ. Tháng trước Ngọc có nói với con rồi, cổ nói con với cổ nghèo quá, hai đứa ráp lại thì biết lấy gì mà ăn. Ý cổ là muốn lấy chồng về phố sống để được đổi đời với người ta. Chứ con thì nghèo quá má à! Mà tại con thương Ngọc quá, con tính cưới cổ về rồi con lấy số tiền dành dụm hồi đó đến giờ cho cổ ra chợ buôn bán với người ta, ai dè
". Rồi anh khóc, lần đầu tiên người ta thấy anh Thảo khóc vì một người con gái. Chứ nào giờ người ta chỉ thấy anh khóc lần ba anh mất hay lần má anh đau nặng chuyển lên xe cấp cứu, anh vừa khóc vừa gọi "Ráng lên nghe má!".
***
Anh Thảo nổi tiếng có hiếu nhất cái xóm này. Nhà anh Thảo nghèo, mới học xong lớp chín, ba anh mất nên anh nghỉ học rồi lao vào chuyện mưu sinh, gồng gánh gia đình. Má anh sau nhiều lần phát bệnh mà không có tiền chữa trị, đôi mắt bà đã không còn thấy đường nên anh phải một mình lo liệu mọi thứ trong nhà. Anh đi đồng về là lụi hụi xuống bếp nấu cơm, vừa trông lửa vừa mần mớ cá rô còm nhom nhảy rột rẹt trong rổ. Củi ngoài vườn anh đã chẻ chất đầy vào cựa, nước xách đầy lu, rảnh thì chạy ra vườn thả giàn cho mấy dây mướp, chiều đi xách cặn cho heo ăn, chạng vạng ngồi thu lu ở hàng ba chập chờn tiếng mũi vo ve chùi ống khói, châm dầu đốt đèn. Có bữa còn thấy anh dẫy nền nhà, hỏi anh dẫy chi cho cực vậy, anh nói để cho má dễ đi. Tánh tình anh hiền lành, siêng năng chẳng chê vào đâu được nhưng chỉ có mỗi cái tội anh nghèo.
Mà cũng tại cái nghèo nên Ngọc mới bỏ anh. Từ thuở nhỏ ba đứa chơi chung, tôi đã biết là anh thích Ngọc. Nhà Ngọc cũng nghèo, lại em đông. Ngọc lớn nhất nên mười hai tuổi đã biết ra đời lăn lộn ở chợ cá, chợ rau. Chỉ có tôi là gia đình khá giả, tôi được ăn học đàng hoàng, cũng chẳng biết mùi cực khổ mưu sinh. Tôi thương anh Thảo vì thấy anh hiền. Anh Thảo thường sang nhà rủ tôi đi hái ổi. Hễ có trái nào to nhất, ngon nhất, anh cũng dành phần cho Ngọc. Tôi về nhà buồn thiu mà không dám nói với má.
Rồi tôi lớn lên, đậu vào đại học. Bữa sang nhà anh Thảo, thưa bác Tám- má ảnh, tôi đi, bác Tám rờ rẫm bàn tay tôi dặn dò "Đi mạnh giỏi, lên thành phố ráng học nghe con, tới nữa được làm cô giáo". Tôi cười, nhìn anh Thảo. Phải chi khi ấy anh nắm tay tôi một cái, hoặc nói một lời gì đó với tôi, thì chắc sau này tôi không làm nghề gõ đầu trẻ mà chuyển thành một nhà văn đem hết lời anh nói viết vào trong tiểu thuyết. Đằng này, anh chỉ đứng ngay hàng lu nước nhìn tôi đi xuống bến sông. Khoảng sân lát gạch tàu màu rêu làm lạnh ngắt đôi bàn chân, tôi bàng hoàng sợ mình sẽ ngã. Dưới bến sông nhìn lên tôi thấy một mái nhà thâm thấp xiêu vẹo sang một bên, không biết có qua được mùa mưa này không. Còn hàng ô môi bông trổ tím, đến mùa trái chín không có tôi chắc trái sẽ rụng đầy. Cảnh này sao thiệt buồn quá. Mà biết đâu mai mốt anh Thảo cưới Ngọc về thì cảnh này đâu còn buồn vậy nữa. Nghĩ vậy rồi tôi đi.
Bốn năm ở Sài Gòn tôi quen với cảnh phố thị, những kỷ niệm ngày xưa cũng dần chìm vào quên lãng. Tôi bắt đầu biết hò hẹn với những yêu đương, cũng biết bắt đầu mộng mơ về một mái gia đình sau khi tốt nghiệp. Nhưng rồi người tôi yêu lại nói với tôi một lời hẹn năm năm khi người ta đã chuẩn bị du học. Nghĩa là tôi phải chờ đợi. Nhưng rồi đã bảy mùa lá đổ trôi qua, chỉ có tôi một mình hoài vọng xa xăm. Mỗi năm tôi về thăm nhà vào dịp tết, tôi nghe má nhắc chuyện bên nhà bác Tám, chuyện anh Thảo với Ngọc mà buồn. Ba đứa tôi cùng một tuổi thơ, vậy mà lớn lên mỗi đứa buồn một chuyện. Cánh chim trời hẹn với tôi một lời rồi bay đi biền biệt, còn Ngọc bỏ anh Thảo để đi tìm hạnh phúc xa xôi. Không biết khi đi, Ngọc có để lại lời hẹn nào không mà sao anh Thảo ở vậy chờ hoài? Mà phải chi hồi xưa anh Thảo chịu nói một lời hứa hẹn với tôi thì chắc tôi đã sớm quay về thay anh nấu cơm chiều, châm dầu đèn mỗi tối. Tôi hỏi má "Rồi anh Thảo có tính cưới vợ nữa không má?". Má tôi trở giọng "Con này, bây hỏi vậy sao má biết? Sao bây không đi hỏi nó đi?". Thì lần này gặp anh tôi sẽ hỏi, gần ba chục tuổi rồi ai lại mắc cỡ với yêu thương. Nhưng mà nhìn vào đôi mắt của anh, tôi không thấy bóng hình mình trong đó. Chỉ có một khoảng nắng mông lung. Tôi đành cười, nói "Bữa nay nắng quá anh Thảo hen!".