27/10/2023 - 21:55

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - nền tảng phát triển kinh tế - xã hội 

Qua 20 năm thực hiện nhiệm vụ, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển ngành. Trong đó, đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy phát triển, ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) phù hợp điều kiện thực tiễn của thành phố và định hướng phát triển chung của cả nước, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH. KH&CN và ĐMST từng bước khẳng định vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KH&CN

Cơ sở vật chất - kỹ thuật của các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập được thành phố quan tâm đầu tư. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Thông tin KH&CN và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP) được xây mới, nâng cấp hiện đại, đáp ứng các yêu cầu chuyên ngành về KH&CN trên nhiều lĩnh vực. Giai đoạn 2021-2025, Sở KH&CN đã tham mưu lãnh đạo thành phố đầu tư phát triển 8 dự án, trong đó có 5 dự án đã được HĐND và UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư.

Nhân lực KH&CN với đội ngũ trí thức, nhà khoa học có trình độ cao ngày càng tăng, đóng góp tích cực trong nghiên cứu, tư vấn phản biện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và vùng ĐBSCL. Năm 2022, có 68 tổ chức có hoạt động KH&CN với số lượng nhân lực là 6.768 người (trình độ tiến sĩ là 14,33%, thạc sĩ 39,3%, đại học 31,74%, cao đẳng 5,59%...). Giai đoạn 2016-2023, có khoảng 2.000 lượt nhà khoa học tư vấn cho thành phố thực hiện, đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN, thẩm định công nghệ các dự án đầu tư...

Diễn đàn Khởi nghiệp và ĐMST vùng ĐBSCL được TP Cần Thơ tổ chức hằng năm. Ảnh: Trung tâm Thông tin KH&CN TP Cần Thơ cung cấp

Diễn đàn Khởi nghiệp và ĐMST vùng ĐBSCL được TP Cần Thơ tổ chức hằng năm. Ảnh: Trung tâm Thông tin KH&CN TP Cần Thơ cung cấp 

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN có sự chuyển dịch cơ cấu từ lĩnh vực nông nghiệp, môi trường sang công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin, y tế kỹ thuật cao, công nghệ cơ khí chế tạo máy, công nghệ tự động hóa… đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH sản xuất; phát triển đồng bộ các lĩnh vực. Giai đoạn 2004-2023, toàn thành phố có hơn 16.380 nhiệm vụ KH&CN các cấp được triển khai thực hiện. Kết quả các nhiệm vụ giải quyết những vấn đề trọng điểm phục vụ cho sản xuất, phát triển xã hội, đóng góp tích cực trong hoạch định các chủ trương, đường lối, định hướng phát triển thành phố.

Ứng dụng công nghệ, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ 

Các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp do Sở KH&CN TP Cần Thơ thực hiện nhiều năm qua mang lại lợi ích và có ý nghĩa thiết thực với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giai đoạn 2016-2020, các chương trình, dự án đã hỗ trợ cho 221 đơn vị với kinh phí trên 14 tỉ đồng. Trong đó, sự lan tỏa của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị, đã giúp hoạt động chuyển giao đổi mới, ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp TP Cần Thơ chuyển biến mạnh mẽ. Đến năm 2022, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp TP Cần Thơ đạt 13,31%. Tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao, công nghệ trung bình so với tổng giá trị sản phẩm là 32,5%. Qua đó, TP Cần Thơ có tốc độ đổi mới công nghệ, giá trị sản phẩm công nghệ cao xấp xỉ so với mặt bằng chung cả nước.

Dự án Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, được thành phố triển khai từ năm 2013, là bước đột phá khuyến khích doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự án hỗ trợ 82 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống: ISO 9001, ISO/IEC 17021, ISO/IEC 17025, VietGAP...

Chương trình Phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ TP Cần Thơ được triển khai từ những năm 2009, được đầu tư thực hiện đồng bộ theo từng giai đoạn. Theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2004 toàn thành phố chỉ có 492 văn bằng được bảo hộ; đến tháng 8-2023, thành phố có 5.089 văn bằng sở hữu trí tuệ, số văn bằng cấp mới tăng hơn 37% so với giai đoạn 2016-2019.

Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST

Từ năm 2017 đến nay, thành phố ban hành các chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Cần Thơ hiện có 14 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó 5 tổ chức có không gian làm việc chung; mạng lưới các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm đã hình thành từ nguồn vốn của các cá nhân và doanh nghiệp. Thành phố đã hỗ trợ 150 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp cận nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư với tổng số tiền đầu tư là 45,5 tỉ đồng. Đặc biệt, diễn đàn Khởi nghiệp và ĐMST vùng ĐBSCL là sự kiện thường niên được Sở KH&CN thành phố tổ chức từ năm 2020, nhận được sự quan tâm của các Bộ, ngành trung ương, các địa phương ĐBSCL và cả nước.

Đề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và ĐMST TP Cần Thơ đã được Sở KH&CN TP Cần Thơ xây dựng hoàn chỉnh. Trung tâm này là tổ chức đầu mối của thành phố kết nối và khai thác các nguồn lực trong và ngoài thành phố cho khởi nghiệp và ĐMST, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST TP Cần Thơ, vùng ĐBSCL.

Thị trường KH&CN tiếp tục phát triển thông qua nhiều hoạt động xúc tiến như triển lãm chuyên ngành, xây dựng các điểm kết nối cung - cầu công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị… Đến nay, Sàn giao dịch Công nghệ Cần Thơ (sàn ảo) tại địa chỉ www.catex.vn đã đăng tải trên 11.708 thông tin về thiết bị - công nghệ với 240 gian hàng tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghệ, thiết bị. Mỗi năm, có trên 1.000 sản phẩm công nghệ, thiết bị mới được cập nhật và hàng trăm sản phẩm, dịch vụ được quan tâm, tìm kiếm trên Sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ. Đồng thời, Sở cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng Dự án Sàn giao dịch công nghệ vùng ĐBSCL (sàn thực). Hoạt động của Sàn giao dịch công nghệ sẽ đưa Cần Thơ trở thành trung tâm giao dịch công nghệ cấp vùng, đồng thời thực hiện vai trò kết nối của vùng ĐBSCL với các trung tâm trong nước và quốc tế.

Phát triển dịch vụ về KH&CN và tăng cường liên kết, hợp tác

Năng lực kỹ thuật về kiểm định đo lường, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Cần Thơ hiện đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và đo lường pháp quyền, phục vụ sản xuất kinh doanh góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh vùng ĐBSCL. Đến nay, Trung tâm đã được 7 bộ ngành chỉ định thực hiện thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, huấn luyện trên nhiều lĩnh vực như môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và VietGAP... Giai đoạn 2020 đến nay, trung bình mỗi năm hỗ trợ cho khoảng 2.500 lượt cơ quan, doanh nghiệp của thành phố và các tỉnh ĐBSCL thực hiện công tác quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa và đảm bảo đo lường pháp quyền.

Với hạ tầng thông tin KH&CN được đầu tư hoàn thiện, Trung tâm Thông tin KH&CN thành phố đã hỗ trợ tích cực việc chia sẻ thông tin chuyên sâu về thành tựu KH&CN. Đến nay, đã duy trì cập nhật hơn 60.000 tin tổng hợp về KH&CN, hơn 53.000 tài liệu chuyên ngành; 11.000 thông tin thiết bị công nghệ; hơn 15.500 tài liệu, thông tin về sở hữu trí tuệ; hơn 6.300 thông tin về khởi nghiệp ĐMST và hơn 1.500 thông tin về tổ chức KH&CN lên Cổng thông tin điện tử Sở KH&CN, các trang thông tin điện tử do Trung tâm quản lý, đồng thời đã liên kết hơn 4 triệu tài liệu điện tử từ các nhà xuất bản uy tín trên thế giới nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu thông tin của người dùng.

Hoạt động triển khai ứng dụng tiến bộ KH&CN, ươm tạo công nghệ của thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã phối hợp với chuyên gia nghiên cứu và chuyển giao thành công 14 công nghệ, 10 quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường tại Cần Thơ và cả nước. KVIP đã thực hiện 11 dự án hỗ trợ doanh nghiệp ươm tạo thuộc lĩnh vực cơ khí, chế biến thủy sản, chế biến nông sản.

Việc liên kết, hợp tác về KH&CN, ĐMST giữa Cần Thơ và các địa phương, với các viện, trường, các tổ chức KH&CN trong và ngoài nước có sự chuyển biến tích cực, tạo nên sức mạnh tổng thể góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

*  *  *

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: “KH&CN và ĐMST có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, sự quyết tâm cao của ngành KH&CN thành phố, thời gian qua ngành đã thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra của Nghị quyết số 02 -NQ/TU ngày 1-8-2016 của Thành ủy góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Từ đó, tạo động lực, sức bật để phát triển KH&CN TP Cần Thơ, trở thành khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Và đây là minh chứng rõ nét nhất cho sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền TP Cần Thơ, từng bước nêu cao vai trò TP Cần Thơ là trung tâm ĐBSCL trên tất cả các lĩnh vực theo đúng tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị.

LỆ THU

Chia sẻ bài viết