Trong nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon tại khu vực, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong phát biểu tại “Hội nghị Thượng đỉnh Sáng kiến Trung Ðông Xanh” ngày 25-10 cam kết phân bổ 15% trong số 39 tỉ riyal (tương đương 10,4 tỉ USD) để thành lập một quỹ đầu tư và thúc đẩy dự án năng lượng sạch.

Thái tử Salman phát biểu tại “Hội nghị Thượng đỉnh Sáng kiến Trung Đông Xanh”. Ảnh: Reuters
Nhiều nỗ lực cắt giảm carbon
Theo Thái tử Salman, Saudi Arabia có kế hoạch thành lập một quỹ nhằm hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn carbon và thiết lập quỹ Sáng kiến Trung Ðông Xanh. Ông cho biết Riyadh sẽ hợp tác với các nước cũng như các quỹ phát triển khác để cung cấp tài chính và thực hiện sáng kiến này. “Giữ vai trò tiên phong trong việc phát triển thị trường năng lượng, Saudi Arabia sẽ thành lập quỹ đầu tư về các giải pháp cho nền kinh tế tuần hoàn carbon trong khu vực và đưa ra các giải pháp năng lượng sạch để phục vụ hơn 750 triệu người trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ nỗ lực để hiện thực hóa các sáng kiến này” - Thái tử Salman tuyên bố. Ông khẳng định Saudi Arabia đang thúc đẩy một “kỷ nguyên xanh” cho khu vực, tin tưởng rằng những thay đổi đó không chỉ vì môi trường mà còn cho nền kinh tế và an ninh.
Thái tử Salman còn tuyên bố sẽ thành lập một nền tảng hợp tác để triển khai nền kinh tế tuần hoàn carbon, một trung tâm khu vực về biến đổi khí hậu, một cộng đồng khu vực để thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon, một trung tâm cảnh báo bão sớm, một trung tâm phát triển nghề cá bền vững cũng như thiết lập chương trình làm mưa nhân tạo. Ngoài ra, vương quốc dầu mỏ còn tham gia “Cam kết mê-tan toàn cầu” để góp phần cắt giảm 30% lượng khí mê-tan trên thế giới vào năm 2030 do Mỹ và Liên minh châu Âu khởi xướng nhằm tạo động lực cho Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sắp tới.
Mới đây, Thái tử Salman cũng tổ chức Diễn đàn Sáng kiến Saudi Arabia Xanh, trong đó nước này đặt mục tiêu carbon trung tính vào năm 2060.
“Saudi Arabia Xanh” và “Trung Đông Xanh”
Trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi năm ngoái, Saudi Arabia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ thế giới khỏi tình trạng khí hậu ngày càng xấu đi do khí thải carbon và các vấn đề môi trường khác. Bằng chứng là NEOM, thành phố và khu kinh tế đa quốc gia dự kiến được Saudi Arabia xây dựng trên diện tích 26.500km vuông ở phía Tây Bắc nước này, sẽ ứng dụng các kỹ thuật xây dựng dựa trên nguyên tắc nền kinh tế tuần hoàn nhằm loại bỏ chất thải và tái chế vật liệu.
Ngoài sáng kiến “Saudi Arabia Xanh” và “Trung Ðông Xanh” nhằm mục đích cắt giảm lượng khí thải carbon, Saudi Arabia cũng chuyển hướng sang sử dụng năng lượng Mặt trời theo Tầm nhìn 2030. Kế hoạch năng lượng này của Saudi Arabia là nhằm sản xuất hơn 3.600 MW điện, đủ cung cấp năng lượng cho hơn 600.000 ngôi nhà và giảm phát thải ít nhất 7 triệu tấn khí nhà kính. Bên cạnh đó, Saudi Arabia sẽ trồng 450 triệu cây xanh và cải tạo 8 triệu hecta đất bạc màu vào năm 2030 cùng với các sáng kiến bổ sung sẽ được công bố trong những năm tới.
Khi Sáng kiến Trung Ðông Xanh lần đầu được công bố vào tháng 3, Thái tử Salman cho hay mục tiêu của sáng kiến này là nhằm cắt giảm 60% lượng khí thải carbon trong khu vực. Riyadh khi đó tuyên bố rằng sáng kiến này sẽ liên quan đến các khoản đầu tư trị giá hơn 700 tỉ riyal (tương đương 190 tỉ USD) vào năm 2030. Trong khi đó, Sáng kiến Saudi Arabia Xanh được cho sẽ mang lại cơ hội đầu tư lớn cho khu vực tư nhân, mang đến cơ hội việc làm chất lượng cho thế hệ tiếp theo cũng như giúp tăng cường các mối quan hệ quốc tế được cho sẽ tác động tích cực đến khu vực và thế giới.
Như vậy, với những nỗ lực của mình, Saudi Arabia đang từng bước trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc chống biến đổi khí hậu.
Saudi Arabia là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đồng thời là một trong những quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất hành tinh.
Trước Saudi Arabia, các nước láng giềng giàu dầu mỏ như Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain cũng đã đưa ra mục tiêu trung tính carbon vào năm 2050. Tổ chức Greenpeace (Hòa bình Xanh) nghi ngờ các cam kết này có lẽ nhằm làm giảm sức ép chính trị quốc tế trước COP26. Thực tế, trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, các nước xuất khẩu dầu mỏ muốn tăng sản lượng khai thác nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách chi cho an sinh xã hội và phục hồi kinh tế.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)