01/07/2017 - 14:16

Khi thế giới không còn màu sắc và cảm xúc

Điều gì sẽ xảy ra khi cuộc sống con người không có cảm xúc, vạn vật chỉ có 2 màu đen- trắng? Bộ phim khoa học giả tưởng "Người truyền ký ức (tựa gốc "The Giver") của Mỹ sẽ mang đến những câu trả lời hấp dẫn cho người xem.
Phim phát sóng lúc 8 giờ 30 Chủ nhật, ngày 2-7-2017 trên kênh THVL1 của Đài PTTH Vĩnh Long.

Bối cảnh phim là thế giới tương lai, khi loài người sống trong một cộng đồng hoàn hảo: không có tệ nạn, chiến tranh, bệnh tật hay đói nghèo. Tuy nhiên, thế giới chỉ có 2 màu đen- trắng và con người hoàn toàn không có cảm xúc yêu, ghét, giận hờn... Mọi sinh hoạt của con người bị kiểm soát nghiêm ngặt và theo một trật tự xã hội do các bô lão đặt ra. Trong cộng đồng, chỉ có duy nhất một bô lão được phép lưu giữ ký ức và cảm xúc của con người.

Cuộc sống của con người trong xã hội kiểu mẫu rất đơn điệu và chỉ có 2 màu đen trắng.

Jonas, thiếu niên có những tố chất đặc biệt, được trưởng lão của cộng đồng chọn làm người tiếp nhận ký ức đời tiếp theo. Khi được gặp gỡ, học hỏi với người truyền ký ức, Jonas mới biết về những cảm xúc thực sự của con người, cảm nhận tình yêu, niềm vui, nỗi buồn, sự đau đớn, chết chóc và bi thương của chiến tranh trong thế giới thật. Jonas nhận ra xã hội kiểu mẫu mà tất cả đang sống chỉ là sự dối trá. Cậu quyết tâm đưa thế giới trở lại đúng với bản chất của nó...

Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Mỹ Lois và khá trung thành với nguyên tác. Xem phim, khán giả ngỡ ngàng trước một xã hội tưởng chừng là thiên đường nhưng thực chất giống như địa ngục. Bởi ở đó, con người được sinh ra từ ống nghiệm, phải qua những bước kiểm tra nghiêm ngặt, nếu không vượt qua được những thông số cơ bản thì bị loại bỏ. Hằng ngày phải tiêm thuốc để triệt tiêu cảm xúc, sống vô hồn như người máy. Những người xa lạ được ghép nối thành những "đơn vị gia đình", sống với nhau như một nhiệm vụ chứ không hề xuất phát từ tình cảm hay huyết thống. Lúc được 18 tuổi và tốt nghiệp, mỗi người được hội đồng bô lão phân công việc dựa vào năng lực, tính cách chứ không được phép lựa chọn. Ai khác biệt hoặc không tuân thủ quy định chung sẽ bị loại bỏ... Thiên đường đó bức bí và ngột ngạt, tước đoạt tất cả quyền riêng tư, tự do của con người. Người ta nhạt nhòa sống mà không có mục đích hay ý nghĩa.

Đạo diễn Phillip Noyce đã khéo léo dẫn dắt người xem khám phá cuộc sống vô cảm của con người trong xã hội khuôn mẫu. Sau đó, háo hức theo dõi hành trình tiếp nhận ký ức và những phản ứng của Jonas trước những gì học được. Cuối cùng, chờ đợi sự đột phá của nhân vật chính để khôi phục xã hội, trả lại cho con người tình yêu và cuộc sống đúng nghĩa. Tuy nhiên, do bị giới hạn bởi thời lượng nên phim chưa chuyển tải trọn vẹn tinh thần của tiểu thuyết. Đặc biệt là cái kết. Sau những nguy hiểm mà Jonas phải trải qua thì đoạn cậu vượt qua biên giới của cộng đồng, khiến cho trật tự xã hội bị phá vỡ, toàn thành phố được khôi phục màu sắc, con người có lại cảm xúc... diễn ra quá nhanh và khá dễ dàng khiến người xem chưa thỏa mãn.

Dù chưa thật trọn vẹn nhưng "Người truyền ký ức" vẫn là một bộ phim hay đáng xem và gửi gắm thông điệp nhân văn, ý nghĩa: Thế giới là muôn màu và mọi cá nhân đều có ý nghĩa tồn tại.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết