28/09/2008 - 20:57

Khi “ma men” đưa lối

Ngày 19-9-2008, phiên xét xử lưu động của Tòa án nhân dân quận Ô Môn tại UBND phường Thới Long thu hút nhiều người đến xem. Mọi người muốn tận mắt chứng kiến sự trừng trị của pháp luật với “ma men” quậy phá xóm làng, bởi bị cáo từng là nỗi ám ảnh của người dân trong khu vực.

Lê Văn Tròn, 25 tuổi, ngụ khu vực Thới Xương 1, phường Thới Long, quận Ô Môn, từng có 2 tiền sự về hành vi gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Năm 2007, Tròn đã 2 lần vi phạm pháp luật; một lần bị xử phạt hành chánh và một lần được chính quyền áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương. Những lần phạm tội này đều bắt nguồn từ chuyện rượu chè của Tròn.

Đứng trước vành móng ngựa, Tròn với vẻ mặt hiền lành, trả lời đầy đủ những câu mà HĐXX hỏi: “Bị cáo cho HĐXX biết đã mấy lần nhậu say xỉn gây rối trật tự công cộng?”. Tròn cúi mặt: “Bị cáo không nhớ hết!”. Phiên tòa hôm ấy chỉ có cô ruột và người dì bà con xa của Tròn đến dự. Cha mẹ, anh chị em của Tròn đều không có mặt. Bên ngoài, đông đảo người dân đến xem với thái độ hiếu kỳ, thỉnh thoảng bàn tán về những chuyện quậy phá của Tròn trước kia.

Gia đình Tròn có 5 anh em sống ở phường Thới Long, quận Ô Môn. Tròn học tới lớp 4 thì nghỉ học theo cha mẹ làm thuê. Cách đây mấy năm, do gia đình làm ăn thất bát, không có đất sản xuất nên cả nhà Tròn dẫn nhau lên TP Vũng Tàu kiếm sống bằng nghề làm mướn. Tại đây, Tròn thường xuyên nhậu nhẹt bê tha, đi quậy phá xóm làng. Gia đình Tròn nhiều lần khuyên giải nhưng bị cáo bỏ ngoài tai, vẫn chứng nào tật nấy. Buồn phiền, chán nản, gia đình bị cáo buông xuôi, không nhìn mặt đứa con ngỗ nghịch.

Tròn một mình quay trở về Cần Thơ dựng căn lều nhỏ ở nhờ trên đất người chú tại khu vực Thới Xương 1, phường Thới Long, quận Ô Môn. Hàng ngày, Tròn đi làm thuê, được bao nhiêu tiền đều đổ vào những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Những lúc không có rượu, Tròn như một người hoàn toàn khác, hiền lành, chí thú làm ăn. Người dân ở xóm thường gọi Tròn là “Chí Phèo”, vì lúc nào cũng thấy anh ta say xỉn, có rượu vào thì trở nên hung hăng, luôn kiếm chuyện quậy phá xóm làng. Từ người già đến trẻ con đều sợ Tròn, không ai dám trò chuyện giao du với Tròn. Mỗi khi có rượu, Tròn trở thành nỗi ám ảnh của bà con lối xóm.

Ngày 27-5-2008, sau khi nhậu xong, Tròn nảy sinh ý định trả thù ông Đặng Văn Ba - người cùng xóm. Tròn hận ông Ba vì trước kia Tròn có hành vi gây rối trật tự công cộng đánh nhau với một số thanh niên trong khu vực và ông Ba là người cho họ mượn dây để trói Tròn giao công an xử lý. Nghĩ là làm, Tròn về nhà lấy con dao ra ngồi ở dốc cầu Bà Rui, thuộc khu vực Thới Xương 1, phường Thới Long chờ đợi. Ông Ba vừa đi ngang, Tròn lên tiếng gây hấn nhưng ông Ba im lặng đi thẳng về nhà. Ông vừa đến trước cửa, định bước vào nhà thì bất ngờ Tròn cầm dao xông tới đâm vào bụng khiến ông ngã quỵ, bất tỉnh. Lúc này, vợ ông Ba chạy ra tri hô, Công an phường Thới Long đến lập biên bản, ông Ba được đưa đi bệnh viện. Theo bản kết luận giám định của Trung tâm Pháp y TP Cần Thơ, tỷ lệ sức khỏe bị thiệt hại của ông Đặng Văn Ba là 17%.

Trong phần tranh luận, sau khi nghe vị đại diện VKSND quận Ô Môn phát biểu quan điểm luận tội, Tròn không nói thêm lời nào mà chỉ cúi gằm mặt. Khi được cho nói lời sau cùng, thay vì xin được giảm nhẹ hình phạt tù như các bị cáo trong những phiên tòa khác, thì Tròn lại xin HĐXX giảm tiền bồi thường ngày công lao động cho bên bị hại. Sau phần nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Văn Tròn 4 năm tù về tội cố ý gây thương tích và buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại hơn 4 triệu đồng. Những người hàng xóm hài lòng và thở phào nhẹ nhõm với mức án mà HĐXX dành cho Tròn. Người cô ruột của Tròn cũng bày tỏ sự đồng tình: “Cho nó đi ở tù lâu lâu để tu tâm dưỡng tính”.

Đã có không biết bao tấn bi kịch từ rượu mà ra. Cũng vì rượu mà giờ đây, Tròn phải lãnh hình phạt là những ngày dài lao lý. Giá như bị cáo biết nghe lời gia đình chăm chỉ lao động, cố vượt qua hoàn cảnh khó khăn, không sa đà vào rượu chè be bét thì có thể có gia đình đầm ấm, chứ đâu phải nhận lấy kết cục đau buồn như hôm nay. Không biết rồi đây khi mãn hạn tù, Tròn có đủ ý chí nghị lực chiến thắng “ma men” để làm lại cuộc đời?

MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết