02/12/2008 - 21:22

Khi giao kết hợp đồng lao động thì công ty có quyền thu tiền hoặc giữ bản chính bằng tốt nghiệp của tôi không?

Hỏi:

Hợp đồng thử việc như thế nào là đúng quy định pháp luật? Trong bản hợp đồng giữa tôi và công ty TNHH M ký với nhau (hợp đồng 3 tháng) tôi thấy không quy định quyền lợi cho tôi mà toàn quy định nghĩa vụ. Công ty thu 1 triệu đồng hoặc giữ bằng tốt nghiệp bản chính trong 8 tháng (nếu ai không có tiền đóng). Vả lại, nếu tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng (mà không cần biết có lý do chính đáng hay không) thì phải mất luôn 1 triệu đồng tiền công ty kêu tôi đóng để bảo đảm sẽ làm việc lâu dài với công ty (làm việc trên 8 tháng trở lên công ty mới trả tiền hoặc bằng tốt nghiệp lại). Công ty làm vậy đúng không?

T.V.H (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

Thắc mắc của bạn T.V.H được Luật sư Ngô Công Minh, Cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Cần Thơ, trả lời như sau:

“Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về việc làm thử, thời gian thử việc, về quyền, nghĩa vụ của 2 bên. Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc ít nhất bằng 70% mức lương cấp bậc của công việc đó. Thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với lao động chuyên môn kỹ thuật cao và không được quá 30 ngày đối với lao động khác.

Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận làm thử mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà 2 bên đã thỏa thuận. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải nhận người lao động vào làm việc chính thức như đã thỏa thuận (Điều 32 Bộ luật Lao động).

Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây: Công việc phải làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, địa điểm làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn mức được quy định trong pháp luật lao động; thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đang áp dụng trong doanh nghiệp hoặc hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó phải được sửa đổi, bổ sung (khoản 1, khoản 2 Điều 29 Bộ luật Lao động).

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

+ Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng.

+ Không được trả công đầy đủ hoặc trả công không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng.

+ Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động.

+ Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.

+ Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước.

+ Người lao động nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của thầy thuốc.

+ Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 3 tháng liền đối với người làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được phục hồi (khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động).

Mặt khác, người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước thời gian nghỉ việc của mình tùy theo từng loại hợp đồng lao động với một thời gian ít nhất từ 3 ngày hoặc 30 ngày hoặc 45 ngày (khoản 2, khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động).

Theo quy định của Bộ luật Lao động việc chủ sử dụng lao động và người lao động khi giao kết hợp đồng lao động không có điều nào quy định người chủ sử dụng lao động thu tiền hoặc giữ bản chính bằng tốt nghiệp, ngoại trừ thu học phí tại cơ sở dạy nghề.

BÍCH ANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết