03/05/2009 - 20:02

Khi con cá tra được giải oan!

Chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam (KCN Trà Nóc - TP Cần Thơ).
Ảnh: THU HÀ

Con cá tra của Việt Nam thời gian gần đây liên tục bị “vu oan” về chất lượng tại một số thị trường trên thế giới, đã ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu mặt hàng này. 4 tháng đầu năm 2009, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng âm... Sau khi có sự can thiệp từ phía Việt Nam, một số nước như Tây Ban Nha, Ai Cập, Italia... đã công nhận con cá tra Việt Nam là sản phẩm sạch.

Trên các website chuyên ngành thủy sản gần đây có nhiều thông tin nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu minh oan cho con cá tra của Việt Nam. Ngày 21-4-2009, theo website:www.vasep.com.vn, trong thư phúc đáp tới Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương, ông Romano Marabelli - Vụ trưởng Vụ Thú y, Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm thuộc Bộ Lao động, Y tế và Chính sách Xã hội Italia, khẳng định: Italia và EU chưa hề áp dụng một biện pháp hạn chế nhập khẩu nào đối với cá tra, ba sa từ Việt Nam. Kèm theo thư là một bảng kết quả kiểm nghiệm cho thấy mọi chỉ tiêu độc hại đều âm tính.

Trước đó, sau một tuần thông báo việc tạm ngừng chứng nhận tất cả chứng từ, tài liệu liên quan đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngày 2-4-2009, Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam đã gửi công hàm số 61/2009 chính thức thông báo khôi phục lại hoàn toàn việc chứng nhận chứng từ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Ai Cập. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng Ai Cập tạm ngừng chứng nhận cho hàng thủy sản Việt Nam do nhiều thông báo của giới truyền thông Ai Cập cho rằng thủy sản (chủ yếu là con cá tra) Việt Nam được nuôi trồng trong điều kiện nguồn nước tù đọng, ô nhiễm... Do ảnh hưởng của lệnh ngừng chứng thực các lô hàng thủy sản Việt Nam nhập vào Ai Cập, hàng loạt tàu chở cá tra và ba sa Việt Nam lúc bấy giờ bị “mắc kẹt” tại cảng một số nước Trung Đông. Nhiều hợp đồng xuất khẩu cá tra, ba sa sang Ai Cập hiện bị đình lại.

Trong tháng 3-2009, cá tra, ba sa Việt Nam cũng đã được “minh oan” tại thị trường Tây Ban Nha. Theo đó, Chính phủ Tây Ban Nha khẳng định cá tra và ba sa của Việt Nam không gây bất kỳ nguy cơ nào đối với sức khỏe con người, do đó không thể ngăn cản việc nhập khẩu loại cá này vào Tây Ban Nha. Chính phủ Tây Ban Nha nói rõ, tại châu Âu vẫn chưa phát hiện những vi phạm dẫn tới áp dụng lệnh cấm nhập khẩu loại cá trên của Việt Nam. Nhập khẩu cá tra và ba sa tại châu Âu đã tăng 60%/năm kể từ năm 2004.

Theo Bộ NN&PTNT, có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự phản ứng kém “thiện chí” của các cơ quan thông tấn nước ngoài đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Thứ nhất, chỉ sau hơn 10 năm phát triển, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt và là “đối thủ” cạnh tranh “nặng ký” của các đối tượng thủy sản khác ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong nước chỉ biết ùn ùn “đổ hàng” vào khi nhu cầu của thị trường tăng cao. Không những không lên kế hoạch và chiến lược xuất khẩu lâu dài, trợ giúp thông tin thị trường với nhau mà các doanh nghiệp còn “đấu đá” nhau. Một số doanh nghiệp xuất cá tra nước ta bán sản phẩm với giá thấp “vô tội vạ”. Có doanh nghiệp xuất khẩu cá tra với giá 2,6 USD/kg, nhưng có doanh nghiệp chỉ xuất khẩu với giá 1,8 USD/kg. Mặt khác, tình trạng gian lận thương mại từng lúc, từng nơi vẫn còn xảy ra... Bên lề cuộc họp quốc tế về con cá tra được tổ chức ở TP Cần Thơ, một đại biểu người nước ngoài từng nói rằng: “Ở nước chúng tôi, giá sản phẩm thủy sản xuất khẩu cùng loại chênh lệch cao lắm cũng chỉ vài phần trăm. Nhưng con cá tra ở Việt Nam, chỉ với sản phẩm phi lê, giá xuất khẩu đã chênh lệch nhau cả mấy chục phần trăm. Tôi không hiểu như thế nào!?”. Điều này vô tình là mối nghi ngờ, làm giảm hình ảnh con cá tra của Việt Nam trên thế giới.

Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, trong tháng 4-2009, xuất khẩu thủy sản chỉ mang về 300 triệu USD, tổng cộng 4 tháng đầu năm 2009 đạt 1,05 tỉ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2008. Đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng âm. Riêng mặt hàng cá tra, ba sa, tuy có tăng nhưng chỉ với 1,5% và đạt 116.600 tấn. Đây là mức tăng về khối lượng thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Tổng giá trị xuất khẩu đạt 265 triệu USD, giảm 2,46% so với cùng kỳ, cũng là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng âm. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm vừa nêu cũng được Bộ NN&PTNT nhìn nhận: Do tác động từ những thông tin bất lợi tại thị trường Italia, Ai Cập và Nga, cùng với suy thoái kinh tế thế giới...

Hiện nay, con cá tra đã và đang được xây dựng để trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của đất nước theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp với các địa phương ở ĐBSCL bàn biện pháp đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ cá tra, ba sa theo hướng bền vững. Hiện nay, đối với thị trường Nga, Ban điều hành xuất khẩu cá tra, cá ba sa sang thị trường này đang củng cố hoạt động và triển khai các quy chế xuất khẩu. Một trong những nội dung quan trọng của quy chế này là giá xuất khẩu của các doanh nghiệp và giá bán lẻ cá tra tại thị trường Nga sẽ được thống nhất để đảm bảo có lợi cho người nuôi cá tra ĐBSCL; các doanh nghiệp thống nhất sản lượng và một giá xuất khẩu đối với từng tháng hoặc ba tháng... Thiết nghĩ đây là cách làm hay, hy vọng rằng sẽ được nhân rộng ra tất cả các thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Ngoài ra, việc kiểm soát tối đa, xử phạt mạnh tay những doanh nghiệp, cá nhân gian lận thương mại để bảo vệ được uy tín và nâng giá bán sản phẩm các mặt hàng cá tra cũng phải được xem là vấn đề cấp bách...

HÀ TRIỀU

Chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam (KCN Trà Nóc - TP Cần Thơ). Ảnh:

Chia sẻ bài viết