14/04/2018 - 19:18

Khi Cánh Diều không còn no gió 

Tối 15-4, Lễ trao giải thưởng điện ảnh Cánh Diều lần thứ 15-2017 diễn ra tại Hà Nội. Khác với cảm giác háo hức, đón chờ như những mùa đầu tiên, mùa giải năm nay khá yên ắng bởi những năm gần đây “ diều” đã không còn “no gió” trong lòng những người làm điện ảnh Việt.

Cánh Diều 2017 thu hút 13 phim truyện điện ảnh, 16 phim truyền hình, 13 phim hoạt hình, 34 phim tài liệu, 9 phim khoa học, 32 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh sản xuất trong năm 2017. Những con số này được xem là khiêm tốn. Trong các hạng mục này, phim điện ảnh được nhiều người chú ý bởi nó phản ảnh phần nào bức tranh điện ảnh Việt trong suốt một năm qua.

Dù được đánh giá tốt nhưng “Lô tô” vẫn không dự giải Cánh Diều. Ảnh: poster phim

Ngay từ số lượng 13 phim tranh giải cho thấy bức tranh đơn điệu ấy, bởi chỉ bằng 1/3 so với mùa giải 2016 (38 phim). 13 phim gồm: "Bạn gái tôi là sếp", "Giấc mơ Mỹ", "Em chưa 18", "Mẹ chồng", "Cô gái đến từ hôm qua", "Ở đây có nắng", "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa", "Sắc đẹp ngàn cân", "Ngày mai Mai cưới", "Đảo của dân ngụ cư", "Cô Ba Sài Gòn", "Dạ cổ hoài lang" và "Yêu đi, đừng sợ". Trong số này, những phim như "Giấc mơ Mỹ", "Sắc đẹp ngàn cân" dù bị khán giả lẫn giới phê bình chê tơi tả nhưng vẫn tranh giải. Trong khi đó, những bộ phim được xem là hiện tượng phòng vé, được đánh giá cao cả về nội dung lẫn nghệ thuật như "Lôi Báo" của Victor Vũ, "Khi con là nhà" của Vũ Ngọc Đãng, "Lô Tô" của Huỳnh Tuấn Anh lại không tham gia giải. Điều này một phần chứng tỏ Cánh Diều đã không còn sức hút.

Lý giải vấn đề này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, chia sẻ, nhiều nhà sản xuất khi được mời cho biết phim của họ chỉ là phim giải trí, hướng tới tiêu chí doanh thu nên không muốn gửi dự thi. Một số nhà sản xuất đang có phim ra rạp, ngại gửi dự thi vì nếu phim không đạt giải lại ảnh hưởng đến doanh thu. “Vậy nên, ban tổ chức chỉ có thể mời gọi mọi người gửi phim dự thi, ai gửi tới đều rất trân trọng, còn không gửi thì cũng không thể ép được” - bà Ngát cho biết.

Cũng bởi nhiều nhà làm phim không mặn mà với giải thưởng mà năm nay, ban tổ chức “mở cửa” cho các phim Việt hóa từ các nguyên bản nước ngoài, nhưng không được tranh hạng mục Phim xuất sắc nhất. Thay vào đó, những người tham gia sáng tạo phim như đạo diễn, biên kịch, diễn viên, quay phim sẽ được tranh giải cá nhân.

Cánh Diều là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam. Lễ trao giải Cánh Diều năm 2017 sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 20 giờ Chủ nhật, ngày 15-4, trên kênh VTV2. Ngoài phần trao giải, chương trình còn có phần trình diễn của các nghệ sĩ: Đông Nhi, Tùng Dương, Khánh Linh, Vũ Cát Tường…

Những lý giải mà nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đưa ra chỉ là một trong số rất nhiều nguyên nhân khiến ngày càng ít người tham gia Cánh Diều. Trong đó, chất lượng và “gu” thẩm mỹ của ban giám khảo suốt những mùa giải gần đây cũng là điều đáng bàn. Đỉnh điểm là câu chuyện đạo diễn Lương Đình Dũng của phim “Cha cõng con” trả lại Bằng khen cho ban tổ chức mùa giải 2016. Bộ phim từng đoạt hàng chục giải thưởng quốc tế lại chỉ được trao Bằng khen. Trong khi đó, một bộ phim khác là “Sút” dù bị chê tơi tả, chất lượng dưới mức trung bình nhưng lại được trao giải Nam diễn viên chính (cho Hà Hiền) và Quay phim xuất sắc (Bob Nguyễn).

Hơn nữa Cánh Diều những mùa giải gần đây trao giải có tính “vui cả làng” khi liên tục trao đồng giải Vàng, đồng giải Bạc, hay phát sinh hạng mục mới để “ai cũng được vui”. Cụ thể là năm nay, ban tổ chức cho biết: “Để tránh tình trạng khó xử hai người đồng giải, nhưng chỉ một người được nhận cúp như năm trước, năm nay Ban tổ chức Cánh Diều sẽ chuẩn bị lượng cúp dự phòng”.

Cũng từ những bất cập này, giới chuyên môn đặt vấn đề: Khi Cánh Diều đã hết thời và đừng cố duy trì một giải thưởng mà ngay cả người trong cuộc cũng chẳng mặn mà.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết