29/04/2022 - 09:30

Khát vọng đưa Cần Thơ cất cánh 

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Ðược mệnh danh là “Tây Ðô”, thủ phủ của miền Tây, TP Cần Thơ nằm ở vị trí trọng yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ÐBSCL và cả nước. Trong lịch sử phát triển, bao lớp tiền nhân, các thế hệ cán bộ, đảng viên, quân dân Cần Thơ luôn thể hiện khát vọng vươn lên, đưa Cần Thơ phát triển trở thành đô thị thịnh vượng. Tiếp sức cho khát vọng ấy, xuyên suốt thời gian dài, Trung ương luôn nhất quán chỉ đạo, định hướng và có nhiều cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành đô thị trung tâm, là hạt nhân liên kết, thúc đẩy sự phát triển của cả vùng ÐBSCL. Năm nay, cùng với nhiều hoạt động tưng bừng kỷ niệm tháng Tư lịch sử, TP Cần Thơ còn có sự kiện vô cùng ý nghĩa là triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Ðây là những quyết sách quan trọng đưa TP Cần Thơ cất cánh.

Bài 1: Vươn lên tầm cao mới

47 năm qua, từ khi đất nước thống nhất, với tinh thần tự lực tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đảng bộ, chính quyền, nhân dân Cần Thơ (tỉnh Hậu Giang trước đây) cùng với sự quan tâm hỗ trợ nhiều mặt của Trung ương, thành phố ngày càng phát triển, dần mang diện mạo, tầm vóc của một đô thị trung tâm. Ðặc biệt, nhiều công trình mang tầm vóc quốc gia được xây dựng và đưa vào khai thác tại TP Cần Thơ đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả vùng ÐBSCL. Tuy nhiên, sự phát triển ấy vẫn chưa xứng tầm với tên gọi “Tây Ðô”.

Tuyến đường Võ Văn Kiệt được đầu tư xây dựng có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phát huy có hiệu quả Sân bay Quốc tế Cần Thơ. 

Chặng đường đáng tự hào

Hình ảnh, diện mạo Cần Thơ trong những năm đầu mới giải phóng vẫn còn in đậm trong ký ức ông La Quốc Nghĩa, đảng viên hưu trí ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều. Giọng ông đầy tự hào khi kể về vùng đất bị bom cày, đạn xới, ảnh hưởng nặng nề trong chiến tranh, mọi thứ gần như bắt đầu xây dựng lại từ con số 0 nay trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương với tiềm năng, cơ hội phát triển to lớn. Nhất là sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX)về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị), TP Cần Thơ dần định hình, mang tầm vóc của một đô thị trung tâm. Nhắc đến thời điểm còn bộn bề khó khăn khi Cần Thơ mới chia tách, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 2004), ông Nghĩa phấn khởi nói: “Tôi rất mừng khi thấy thành phố phát triển nhanh về mọi mặt, các mặt đời sống xã hội được nâng cao. Quận Ninh Kiều nay thật sự trở thành đô thị trung tâm với nhiều công trình bề thế, hiện đại, hầu hết các tuyến hẻm được nâng cấp mở rộng; công viên, các kênh rạch được cải tạo sạch đẹp, nhiều trường học, bệnh viện được xây mới, siêu thị, trung tâm thương mại hàng hóa ngập tràn, đáp ứng nhu cầu mua sắm, thụ hưởng của nhân dân…”.

Bon xe trên những tuyến đường rộng mở thênh thang từ trung tâm thành phố nối dài về các quận, huyện, ghé thăm nhiều nơi trước đây từng là vùng sâu, vùng xa, giao thông cách trở, đời sống nhân dân nhiều khó khăn, càng thấy rõ sự phát triển vượt bậc mà nhiều cán bộ, đảng viên, người dân đều tự hào khi nhắc đến. Anh Lê Văn Suốt ở ấp 5, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, chủ “trang trại” trồng hơn 10ha nhãn IDO, mỗi năm thu huê lợi hơn 2 tỉ đồng hào hứng kể về sự quan tâm đầu tư của Ðảng và Nhà nước trong những năm qua, để quê hương Cờ Ðỏ của anh giờ mang diện mạo, nhịp sống sôi động không thua gì các đô thị sầm uất. Anh cần mua gì, sử dụng dịch vụ gì cũng có thể đặt hàng nhanh chóng, tiện lợi.

47 năm sau giải phóng, Cần Thơ đã có bước phát triển vượt bậc, nhất là giai đoạn từ năm 2005-2020, khi thành phố thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị. Nổi bật, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao; cơ cấu kinh tế dịch chuyển dần theo hướng Công nghiệp - Thương mại và Dịch vụ - Nông nghiệp, chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện. Ðến năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) được hơn 100.000 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2005; GRDP bình quân đầu người đạt 94,45 triệu đồng. Năm 2021, do dịch COVID-19 bùng phát kéo dài nên GRDP được 90.194 tỉ đồng; GRDP bình quân đầu người 72,3 triệu đồng. Ðến nay, thành phố có hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động, các khu công nghiệp và chế xuất thu hút 255 dự án, có hàng chục ngàn hộ tiểu thương. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được thành phố thực hiện có hiệu quả, với 4/4 huyện và 36/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tăng đáng kể. Nhiều công trình, dự án quan trọng được đầu tư xây dựng; xây dựng và phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng, làm cho diện mạo thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.

Thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, nhất là thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, kinh tế - xã hội thành phố phát triển nhanh chóng, đời sống nhân dân được nâng cao; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh. Nhiều công trình lớn như cầu Cần Thơ (có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng), Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, cầu Vàm Cống (tổng mức đầu tư 5.700 tỉ đồng), Tân Cảng - Cái Cui (có thể tiếp nhận tàu 20.000 tấn, có 6.000m2 kho, có trang thiết bị xếp dỡ hiện đại), các quốc lộ, hệ thống trường đại học, bệnh viện… không chỉ phục vụ cho sự phát triển và đáp ứng nhu cầu của nhân dân, mà còn đưa thành phố trở thành trung tâm y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, góp phần tích cực vào sự phát triển của vùng và cả nước.

Phát triển nhưng chưa xứng tầm

Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, TP Cần Thơ cũng bộc lộ một số hạn chế được chỉ rõ trong Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Văn kiện Ðại hội Ðảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Ðó là: Kinh tế phát triển nhưng chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu đặt ra đối với thành phố, nhất là vai trò, trung tâm động lực phát triển, có sức lan tỏa của vùng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông; môi trường đầu tư chưa thật sự hấp dẫn. Phát triển nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập của thành phố; khoa học công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ðời sống một bộ phận người dân còn
khó khăn…

So với các mục tiêu Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đề ra, đến nay TP Cần Thơ chỉ mới thực sự trở thành trung tâm vùng về y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, thương mại, dịch vụ. Các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, thu hút đầu tư, thu ngân sách trên một số lĩnh vực... chưa trở thành trung tâm vùng.

Tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ vừa qua, đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy phân tích, chỉ ra những điểm nghẽn, rào cản làm cho thành phố chưa thật sự trở thành trung tâm động lực, dẫn dắt sự phát triển của vùng. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất cản trở phát triển của thành phố là chưa có những tuyến đường giao thông lớn để kết nối vùng và TP Hồ Chí Minh; chưa có hệ thống giao thông tốt để xuất khẩu hàng hóa đi các nước trên thế giới; thành phố chưa thực hiện được các công trình, dự án lớn để phát triển, từ đó việc kết nối vùng rất hạn chế. Hiện nay, thành phố chưa có cơ sở công nghiệp trọng điểm lớn để đạt được sức mạnh kinh tế có thể tạo ra nguồn thu ngân sách lớn, có sức lan tỏa ra các địa phương khác nên thành phố không có vị trí trung tâm về kinh tế của vùng. Chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn một số hạn chế, một bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…

Ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59 về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 30-8-2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết 98 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 59; ngày 11-1-2022 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Cần Thơ. Ðây được xem như là những quyết sách quan trọng, mở ra cơ hội mới để TP Cần Thơ “cất cánh”.

Bài cuối: Quyết tâm cao, nỗ lực lớn

Chia sẻ bài viết