18/07/2023 - 10:21

Khẳng định vị thế trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao 

Bài, ảnh: Đặng Ngọc

Mạng lưới cơ sở đào tạo đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ở TP Cần Thơ được quan tâm mở rộng, đầu tư khang trang, có những bước phát triển cả về quy mô, chất lượng và đa dạng lĩnh vực đào tạo. Từ đó, tạo điều kiện để mọi người học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời, đây còn là dấu ấn khẳng định vị thế trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL của Cần Thơ, sau 20 năm là thành phố trực thuộc Trung ương.

Một góc tòa nhà công nghệ cao Trường ĐH Cần Thơ, thuộc Dự án “Nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ”.

Dấu ấn 20 năm

Năm 2004, trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ có Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Y Dược Cần Thơ (thành lập từ năm 2002, trên cơ sở Khoa Y - Nha - Dược, Trường ĐH Cần Thơ). Hiện nay đã tăng lên 5 trường ĐH: Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Tây Đô và Nam Cần Thơ; cùng 2 Phân hiệu ĐH của Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH FPT thuộc Tập đoàn FPT. Các trường kể trên có 3.159 giảng viên, với quy mô đào tạo 77.488 sinh viên.

Đó là chưa kể quy mô đào tạo từ 10.000-11.000 người/năm của 14 trường CĐ (trong đó có 5 trường CĐ đặt cơ sở chính tại TP Cần Thơ), 8 trường trung cấp. 20 năm qua, các trường ĐH, CĐ đã cung cấp hàng trăm ngàn cán bộ, kỹ sư, bác sĩ… phục vụ cho TP Cần Thơ, vùng ĐBSCL và cả nước.

Sau gần 20 năm từ khi TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH, CĐ tại thành phố hiện nay phát triển mạnh. Đó là thành quả tất yếu từ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, lãnh đạo địa phương cũng như sự nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động của các trường, nhằm mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo; đặc biệt, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chẳng hạn, Trường ĐH Cần Thơ - trường ĐH trọng điểm quốc gia tại khu vực ĐBSCL, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trung tâm, đứng đầu về đào tạo bậc ĐH trong vùng ĐBSCL. Đặc biệt, năm 2015, trường được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản chấp thuận thông qua 2 dự án (Dự án nâng cấp và Dự án tăng cường năng lực), mục tiêu là  nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ thành trường ĐH xuất sắc, được quốc tế công nhận trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản vùng ĐBSCL.

Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (trực thuộc UBND TP Cần Thơ) ngày càng được đầu tư phát triển mạnh sau hơn 10 năm thành lập. Từ 5 khoa phụ trách 4 chương trình đào tạo ở năm đầu thành lập, thì nay trường có 7 khoa phụ trách 22 chương trình đào tạo. Từ 297 sinh viên niên khóa đầu tiên 2013-2014, đến nay có trên 5.000 sinh viên. Tỷ lệ viên chức có trình độ từ thạc sĩ trở lên của trường trên 93%. Năm 2023, trường được xếp hạng nằm trong top 100 trường ÐH hàng đầu Việt Nam, cụ thể đứng thứ 75/237 trường ÐH của Tổ chức xếp hạng các trường ÐH Việt Nam (VNUR); và xếp hạng 77 trong số các trường ÐH tại Việt Nam của tổ chức xếp hạng ĐH thế giới Webometrics… Theo NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, sự phát triển của trường hiện nay là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực của lãnh đạo thành phố, cùng với sự đồng lòng nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của tập thể nhà trường.

Khối các trường CĐ cũng được đầu tư theo hướng tập trung vào các nghề trọng điểm, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, hằng năm tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 80%. Ðặc biệt, đầu tư Trường CĐ Nghề Cần Thơ thành 1 trong 45 trường chất lượng cao của cả nước theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Ðầu tư các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia cho các trường cao đẳng: Nghề Cần Thơ, Cần Thơ, Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Y tế Cần Thơ, Du lịch Cần Thơ...

Nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực 

Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, TP Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Một số giải pháp để thực hiện đạt mục tiêu trên là phải rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, chú trọng đào tạo các nghề trọng điểm đạt trình độ các nước khu vực ASEAN và thế giới; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế… Vì vậy, bên cạnh đầu tư nguồn lực từ Trung ương và địa phương, lãnh đạo các trường nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như chủ động đa dạng các hoạt động hợp tác quốc tế, xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, tạo nền tảng phát triển bền vững.

Theo lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ, với nền tảng hơn 57 năm hình thành và phát triển, nhà trường đang xây dựng đề án để phát triển thành ÐH Cần Thơ với mô hình tổ chức của ĐH công lập đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình với hệ thống quản lý, cơ cấu tổ chức hiệu quả cao và năng lực tài chính vững mạnh; đảm bảo điều kiện tốt nhất cho nâng cao chất lượng đào tạo với chi phí hợp lý nhất; phát triển và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; phát triển hợp tác trong và ngoài nước để đạt trường ĐH đẳng cấp quốc tế; hỗ trợ cho sự phát triển và xây dựng mạng lưới các trường ĐH vùng ÐBSCL…

Còn Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ định hướng đến năm 2030 trở thành trường ÐH ứng dụng liên ngành phù hợp với xu thế phát triển trong thời kỳ công nghệ 4.0. Ðể đạt được mục tiêu này, Ðảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành, phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế gắn với đào tạo liên ngành quản lý, kỹ thuật, công nghệ; chú trọng hoạt động chuyển giao công nghệ vào thực tiễn, nhằm xây dựng uy tín, thương hiệu.

Khối các trường ĐH ngoài công lập hay các trường CĐ trên địa bàn thành phố cũng hoạch định chiến lược phát triển theo hướng tiệm cận chuẩn quốc tế. Điển hình như Trường ĐH Nam Cần Thơ từng bước hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đạt top đầu của hệ thống giáo dục ngoài công lập của cả nước; đến năm 2030 trở thành trường ĐH đa ngành, đa bậc học, đa lĩnh vực, đạt top 20 tại Việt Nam, đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Còn Trường CÐ Nghề Cần Thơ đến năm 2025 đạt mục tiêu trở thành trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nghề ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

*

*           *

Trong quãng thời gian 20 năm qua, thành phố thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW năm 2005 và tiếp đó là thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TP Cần Thơ. Theo đó, lĩnh vực GD&ĐT của thành phố đã phát triển cả về số lượng cơ sở lẫn chất lượng đào tạo trình độ cao. Với quyết tâm, cùng sự nỗ lực của các trường, TP Cần Thơ từng bước khẳng định là trung tâm của vùng về GD&ĐT.

 Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của GD&ĐT, đồng thời đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác GD&ĐT, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở GD&ĐT trong công tác phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản GD&ĐT, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác GD&ĐT. Tăng cường phối hợp, tham mưu ban hành các nghị quyết, kế hoạch về phát triển GD&ĐT, qua đó, tạo hành lang pháp lý, cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong đầu tư, thu hút nguồn lực phát triển GD&ĐT. Tăng cường đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các cơ sở giáo dục công lập, bố trí quỹ đất để tạo điều kiện phát triển giáo dục ngoài công lập. Huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhằm tăng nguồn đầu tư phát triển GD&ĐT trên địa bàn thành phố. 

Chia sẻ bài viết