Nam Bộ là khu vực trọng điểm của ngành Nông nghiệp, chiếm tỷ trọng rất lớn trong sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản của cả nước. Chế biến, xuất khẩu thủy sản khu vực Nam Bộ chiếm 70-75% kim ngạch toàn quốc. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng giãn cách xã hội phục vụ chống dịch, lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản của vùng gặp rất nhiều khó khăn và tổn thương nặng nề khi nhiều doanh nghiệp (DN) phải đóng cửa.
Thu hoạch cá tra ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, thời điểm cuối tháng 6 và nửa đầu tháng 7, trong lĩnh vực thủy sản có 449 cơ sở còn hoạt động nhưng đến cuối tháng 7-2021 đã có 120/449 cơ sở ngừng sản xuất (27,6%) và đến đầu tháng 9-2021 đã có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất (39,2%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”. Do thiếu công nhân và chia ca để phòng, chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với đầu tháng 7-2021 trước khi giãn cách toàn vùng. Các tỉnh, thành có số DN ngừng sản xuất nhiều nhất là Cần Thơ, Tiền Giang...
Các DN không chỉ gặp khó về nguồn lao động, về việc thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất mà còn khó đảm bảo cơ sở vật chất bố trí lưu trú, ăn ở tại chỗ cho công nhân khi thực hiện “3 tại chỗ”. Việc phải giảm quy mô sản xuất và hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm do chi phí tăng, phải đền bù đơn hàng và mất đơn hàng nên DN phải chịu áp lực tài chính rất lớn và có nguy cơ mất khách hàng dài hạn. Chi phí để đảm bảo “3 tại chỗ” rất cao và doanh nghiệp khó giữ chân được nhiều lao động để thực hiện mô hình này. Bởi không đảm bảo năng lực tài chính và do tâm lý người lao động không muốn xa gia đình trong nhiều ngày, cũng như do chưa được tiêm vaccine nên người lao động chưa an tâm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng vừa qua (tính từ giữa tháng 7-2021), khi mà TP Hồ Chí Minh, 18 tỉnh, thành phía Nam và các tỉnh Nam Trung Bộ trở vào (Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận…) đã thực hiện giãn cách xã hội theo các mức độ khác nhau để phòng, chống dịch bệnh thì các khó khăn và áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng ngày càng gia tăng với doanh nghiệp thủy sản. Chỉ có khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực từ Nam Trung Bộ trở vào ÐBSCL là duy trì được sản xuất cầm chừng theo điều kiện đảm bảo được “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ chiếm 10-50% số lao động (chủ yếu 20-30%), số còn lại phải nghỉ. Với việc sản xuất cầm chừng và có nhiều DN đã phải ngừng sản xuất, ước tính có 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm và ít nhất một số lượng tương đương như thế của lực lượng lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản liên quan bị ảnh hưởng do giãn cách, ngừng sản xuất (nông dân nuôi thủy sản, ngư dân, người cung ứng vật tư, dịch vụ hậu cần). Công suất sản xuất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-35% cho cả ngành chế biến thủy sản. Riêng ngành cá tra chỉ đạt chưa đến 20% công suất.
Tháo gỡ ra sao?
Sau ngày 15-9-2021, nhiều địa phương đã có khả năng tiến tới kiểm soát dịch và hiện nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9-9-2021 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 là cơ hội để các ngành hàng, DN kịp thời nắm bắt, đề ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tới. Tuy nhiên, hoạt động nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu thủy sản vẫn còn gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh chưa thể kết thúc, nhiều DN không thể đáp ứng điều kiện và chi phí cho mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” trong dài hạn.
Trước nguy cơ đứt gãy của toàn chuỗi nếu trong tháng 9 các giải pháp chống dịch không đi kèm các biện pháp phù hợp để các DN có thể phục hồi sản xuất, VASEP đã tham khảo các DN thành viên và đã đề xuất Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục hoạt động chế biến, xuất khẩu của DN. Cụ thể như cần điều chỉnh linh hoạt các quy định chống dịch, phương án tổ chức sản xuất phục hồi kinh tế và ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản và có thêm các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ thủy sản…Qua đó, hướng tới mục tiêu cuối năm 2021 có thể phục hồi trên 50% công suất chế biến, kích cầu cho nông dân thả giống và ngư dân tiếp tục bám biển. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ giúp DN xây dựng phương án và cùng DN làm việc với địa phương khi trình phương án tổ chức sản xuất trong thời gian mở giãn cách từng phần nhằm khôi phục sản xuất để địa phương phê duyệt nhanh nhất vì thời gian của năm không còn nhiều. Làm sao để nhà máy sản xuất được, khai thác công suất sản xuất ở mức tối đa cho phép. Bộ cũng cần đề xuất Chính phủ ra Nghị quyết riêng cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông -thủy sản để các địa phương dành đủ sự quan tâm hỗ trợ cho DN và ngành hàng trong bối cảnh mới. Theo Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ngành chức năng cần có giải pháp làm sao khuyến khích bà con phục hồi sản xuất thì mới có nguyên liệu để chế biến, từ đó có thể tạo việc làm, thu nhập cho lao động tại các nhà máy. Gần đây, DN đã tăng giá mua tôm liên tục để khuyến khích bà con thả nuôi tôm. Hiện giá tôm đã gần bằng so với trước dịch COVID-19 nhưng nông dân vẫn lo ngại dịch bệnh, DN không thu mua nên chậm thả nuôi. Dự báo cuối năm có thể thiếu nguyên liệu tôm trầm trọng nếu không thả nuôi gấp.
Ðể phục hồi sản xuất và xuất khẩu thủy sản, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đề nghị các địa phương cần tiếp tục phối hợp, tạo thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu và vật tư nông nghiệp thông suốt giữa các địa phương. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo chung của Chính phủ và các bộ, hạn chế tối đa việc ban hành các quy định riêng của từng địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tổ chức nhiều điểm xét nghiệm, đảm bảo người lao động được xét nghiệm kịp thời trong khi đang tham gia hoạt động sản xuất. Cho phép DN được xét nghiệm nhanh và chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm. Xem xét cho phép DN mở rộng sản xuất “3 tại chỗ” khi đủ điều kiện và chuyển từ phương án “3 tại chỗ” sang phương án “1 cung đường, nhiều điểm đến” và xây dựng phương án “y tế tại chỗ và 3 xanh” gồm công nhân xanh, nơi ở của công nhân xanh, nhà máy và cơ sở sản xuất xanh. Tạo điều kiện cho các tổ chức và đội thu hoạch thủy sản chuyên nghiệp có thể di chuyển giữa các địa phương...
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG